Tất cả chúng ta đều có vai trò bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho chính chúng ta và những người khác trong cộng đồng. Vi rút COVID-19 không phân biệt bất cứ ai cả và chúng ta cũng vậy. Những người không may bị nhiễm COVID-19 không làm gì sai cả, do đó đừng đổi xử hay kỳ thị đối với họ.

Đừng để cho F0 bị kỳ thị

Tô Văn | 13/11/2021, 16:16

Tất cả chúng ta đều có vai trò bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho chính chúng ta và những người khác trong cộng đồng. Vi rút COVID-19 không phân biệt bất cứ ai cả và chúng ta cũng vậy. Những người không may bị nhiễm COVID-19 không làm gì sai cả, do đó đừng đổi xử hay kỳ thị đối với họ.

Thấy cảnh giăng dây, loay hoay lo sợ

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tuyến đường Phạm Cự Lượng, Nguyễn Tất Thành (khóm Đông Thịnh 6, phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) là một con đường đẹp, quãng đường vừa chạy ngang công viên, phố đi bộ Xẻo Trôm lại gần trường học, bệnh viện. Ở đây nhà cửa san sát. Vì thế, số lượng người dân đổ về đây cư ngụ rất đông. Hàng quán mọc lên như nấm… Thời gian gần đây, khi dịch bệnh bùng phát, trên những tuyến đường này đã xuất hiện cảnh giăng dây trước cửa nhà khiến ai đi ngang cũng phải quay nhìn. Người viết bài thường đi qua đây mỗi ngày. Nhìn những căn nhà giăng dây, chốt gác, những lực lượng mặc áo ni lông xanh đến test vừa thương vừa sợ, rồi cuối cùng cũng quyết định ghé thăm, hỏi chuyện.

1-ki-thi.jpg
Đa số người dân khi thấy cảnh giăng dây đều lo lắng trong lòng - Ảnh: Tô Văn

Ông S. (75 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước) cho biết, gia đình cũng hơi lo sợ khi biết chuyện một F0 xuất hiện gần nhà.

“Tôi lo gia đình bị ảnh hưởng, nhìn cảnh tượng lực lượng chức năng test và hỏi đi đâu, tiếp xúc với ai và khai báo nên trong lòng quá sợ hãi. Nhưng nhìn hàng xóm của mình thì lại cảm thấy thương, cầu mong họ qua khỏi và mau lành bệnh để trở lại cuộc sống bình thường”, ông S. bộc bạch.

Ông S. nói thêm, đặt mình vào hoàn cảnh họ thì mình sẽ như thế nào.

“Bởi vậy tôi thường nói gia đình đừng lo sợ hay kỳ thị, sống chung với dịch thì chủ yếu mình phải thực hiện tốt thông điệp 5K, hạn chế tiếp xúc với nhau là cách duy nhất để phòng chống con vi rút này”, ông S. bày tỏ.

2-ki-thi.jpg
Lực lượng đến test tại nơi nào thì những người sống xung quanh lại nhốn nháo - Ảnh: Tô Văn

Tương tự, chị P. (30 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước) cho biết, khi đi ngang thấy cảnh giăng dây trong lòng quá ám ảnh.

“Nhiều khi chiều về thấy sổ mũi, nhức đầu là nghĩ mình bị nhiễm COVID-19. Nói chung quá ám ảnh nên đâm ra lo sợ, có lúc tôi rất muốn đi xét nghiệm để biết tình hình sức khỏe, nhưng vẫn chưa dám quyết định. Đơn giản vì, nếu mình dính F0 thì coi như 'xong phim' với mọi người”, chị P. nói.

Một câu chuyện khác, trong nhóm bạn của người viết bài có một bạn bị bệnh phải nhập viện, các bạn khác đều sẵn sàng vào bệnh viện chăm sóc. Nhưng khi bệnh viện bắt buộc phải xét nghiệm COVID-19 thì không ai dám nhận lời. Ai cũng sợ nếu như mình là F0 thì coi như 'xong phim'. (“Xong phim”ở đây không phải là sợ tử vong vì COVID-19, mà vì sự kỳ thị của cộng đồng -PV).

Đừng để cho F0 bị kỳ thị

Thạc sĩ Trương Chí Hùng - giảng viên Khoa sư phạm, trường Đại Học An Giang cho biết, từ khi mới bùng dịch, những người F0 bị kỳ thị đã đành, nhiều trường hợp là người nhà, thân nhân của bệnh nhân F0 cũng bị kỳ thị. Có không ít hàng xóm muốn xua đuổi họ, lấy các loại vật dụng che chắn cửa sổ nhà mình vì sợ F0 và người nhà F0 đi ngang qua có thể truyền bệnh. Thậm chí, y sĩ, bác sĩ làm việc ở các bệnh viện, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng bị hàng xóm xa lánh, sợ hãi, không dám nhìn.

“Đối với các trường hợp F0, tuy không bị nêu tên, nhưng bị đưa lên mạng xã hội. Ở đâu, làm gì, từ chỗ đi chơi, nơi ăn uống, thăm hỏi bạn bè. Thế là tất cả những người liên quan đều bị ảnh hưởng. Không chỉ F0 bị kỳ thị, mà những người liên quan cũng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị. Về sự kỳ thị này, cách chữa trị là thay đổi nhận thức của cộng đồng. Muốn thay đổi nhận thức của cộng đồng thì phải truyền thông đúng hướng, tích cực, có hiệu quả”, thạc sĩ Hùng nói.

Cũng theo thạc sĩ Hùng, F0 là nhiễm COVID-19 không phải là tội phạm, không phải là người gây ra tệ nạn xã hội. Nếu họ được điều trị khỏi bệnh, thì là người có sức khỏe bình thường.

“Ai cũng có thể là F0, vì bất cứ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của dịch, không ai có lỗi trong chuyện này. Trừ người cố tình lây bệnh cho người khác. Còn một việc nữa, liệu có cần thiết phải thực hiện mỗi ngày bản tin về số ca dương tính. Những bản tin liên tục này sẽ gây lo lắng thêm cho cộng đồng. Chúng ta có thể thay đổi cách thông tin, đó là thông báo vùng dịch, số ca được chữa trị. Ngoài ra, đừng để cho người dân mặc cảm, sợ hãi sẽ bị kỳ thị khi mình là F0, thì mọi người sẵn sàng tham gia xét nghiệm, chính quyền sàng lọc được các ca nhiễm, kiểm soát được dịch tễ. Để cho F0 bị kỳ thị, nhiều người giấu giếm, che đậy, không dám khai bệnh, không dám xét nghiệm, thì dịch bệnh càng lây lan trong cộng đồng”, thạc sĩ Hùng nói.

3-ki-thi.jpg
Việc kỳ thị có thể dẫn đến việc bỏ sót người mắc bệnh, gia tăng số người tiếp xúc với người mắc bệnh, khiến cho việc xử lý dịch khó khăn - Ảnh: Tô Văn

Một cán bộ y tế tỉnh An Giang cho biết, bất cứ ai đều có thể bị nhiễm COVID-19 không phân biệt chủng tộc, giới tính, độ tuổi hoặc các phẩm chất cá nhân.

“Bằng chứng cho thấy sự kỳ thị liên quan tới COVID-19 dẫn đến việc ít người chủ động tìm kiếm chăm sóc y tế hoặc xét nghiệm hơn. Ít người tuân thủ các biện pháp can thiệp (bao gồm tự cách ly). Điều này có thể dẫn đến việc bỏ sót người mắc bệnh, gia tăng số người tiếp xúc với người mắc bệnh, khiến cho việc xử lý dịch bùng phát càng ngày khó khăn”, một cán bộ y tế nhận định.

Cán bộ y tế thông tin thêm, việc bị nhiễm COVID-19 không có nghĩa là người đó ít giá trị hơn người khác.

“Chúng ta hãy tử tế với nhau và giúp nhau ngăn chặn sự lây truyền COVID-19 bằng cách làm theo khuyến cáo sức khỏe của địa phương, Bộ Y tế. Kỳ thị và phân biệt đối xử ai đó là nguy cơ cho tất cả mọi người. Hãy ủng hộ gia đình, bạn bè và những hàng xóm của mình và những chiến sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch”, cán bộ y tế khuyên nhủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để cho F0 bị kỳ thị