Những xóm tạm ở phường Tứ Liên, phường Nghi Tàm ở quận Tây Hồ - Hà Nội cách trung tâm thủ đô không xa. Từ đó qua cầu Nhật Tân hoành tráng và diễm lệ cũng rất gần.
Nhưng bên cạnh sự hoành tráng và diễm lệ của cầu Nhật Tân, nơi những chiếc xe hơi đắt tiền thường phóng qua như thể hiện sự phồn hoa của một bộ phận dân chúng là những chiếc thuyền nhỏ bé và thô kệch.
Và trên những chiếc thuyền nhỏ bé và thô kệch ở các xóm tạm ven sông, có những chiếc chậu đỏ cắm trên nóc. Mỗi khi gió thổi đến là hàng chục chiếc chậu nhựa màu đỏ đấy kiêu hãnh đó lại quay tít như chong chóng, một trò chơi phổ biến của trẻ con cách đây vài chục năm.
Nhưng những chiếc chậu chong chóng đó không phải là đồ chơi mà nó là nguồn cung cấp ánh sáng cho người dân sống trong những mái nhà lụp xụp trên thuyền đó. Sự thật là vậy, những chiếc chậu quay trong gió sẽ là động lực để tích điện vào trong ắc quy. Ngoài ra, ắc quy còn nhận được thêm điện từ một tấm panel lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời.
Trong dự án triển khai điện gió miễn phí (của một công ty tư nhân) cho cư dân nghèo ở các xóm tạm ven sông Hồng, mỗi hộ hay chính xác là mỗi thuyền may mắn đã được nhận một bộ điện gió. Sở dĩ người ta dùng chậu nhựa đỏ thay vì các cánh quạt khác cũng nhằm để tiết kiệm chi phí. Không thể đòi hỏi bộ điện gió tốt hơn khi giá thành của chúng chỉ khoảng 1 triệu đồng. Đó là số tiền không nhỏ với người dân ở đây.
Bộ điện gió này cũng chỉ có tác dụng phát sáng cho một bóng đèn nhỏ 9W trong vài ba giờ. Về cơ bản, nó cũng không giúp người dân giải được bài toán năng lượng vì họ còn cần nhiều điện hơn và vẫn phải mua điện từ trên bờ với giá khá cao (khoảng 4-5.000 đồng/số). Một số người dân nói rằng họ muốn có một bộ to hơn, ắc quy lớn hơn để có thể phát điện lâu hơn, cho các thiết bị công suất lớn hơn. Trong hoàn cảnh khó khăn, con người ta luôn biết mơ ước to hơn, nhất là những giấc mơ miễn phí.
Nhưng dù sao, người dân trên thuyền vẫn thích thú khi nhận được bộ điện gió. Bộ điện gió này nhỏ nhưng nó vẫn giúp dân thuyền chủ động được phần nào năng lượng và tính ra một tháng cũng tiết kiệm được khoảng 5-6 chục nghìn đồng, bằng cả nửa ngày đẩy xe lê bước khắp Hà Nội buôn đồng nát hay bán đồ gốm – thứ nghề phổ biến của người dân nơi đây.
Câu hỏi đặt ra là với những bộ điện gió này, chúng có hoạt động bền bỉ được không. Những chiếc chậu nhựa bị hỏng khi giãi dầu nắng mưa thì người dân có thể thay được nhưng bộ ắc quy lưu điện thì sao? Đó là chuyện sau này còn trước mắt thì người dân cứ tạm vui với những chiếc chậu nhựa đỏ và ánh đèn leo lét dưới thuyền. Như thế còn tốt hơn là ngồi tựa mạn thuyền ngắm ánh đèn xa hoa và xa xăm từ cầu Nhật Tân chiếu lại.
Với người dân nghèo, vui được ngày nào thì hay ngày đó. Nhưng với những người có trách nhiệm thì họ cần phải cho người dân được niềm vui lớn hơn, nguồn điện lớn hơn, giá thành rẻ hơn. Xin đừng đứng trên cầu và ngắm nhìn những chiếc chậu đỏ.
Anh Tú