Bổ nhiệm cán bộ trẻ là tốt nhưng người được bổ nhiệm cần phải chứng tỏ tài năng thực sự chứ không thể chỉ nhờ là con ông cháu cha hoặc nhờ "chạy chức". Nếu không vậy thì "chiếc áo" của quan chức sẽ chỉ là chiếc chăn rộng thùng thình quấn vào anh ta, sao mà làm được việc gì? Cổ nhân đã dạy người đời sau về đạo làm người, làm công bộc cho dân: "Y phục xứng kỳ đức" chính là thế!

'Y phục xứng kỳ đức' và công tác cán bộ

25/06/2016, 10:15

Bổ nhiệm cán bộ trẻ là tốt nhưng người được bổ nhiệm cần phải chứng tỏ tài năng thực sự chứ không thể chỉ nhờ là con ông cháu cha hoặc nhờ "chạy chức". Nếu không vậy thì "chiếc áo" của quan chức sẽ chỉ là chiếc chăn rộng thùng thình quấn vào anh ta, sao mà làm được việc gì? Cổ nhân đã dạy người đời sau về đạo làm người, làm công bộc cho dân: "Y phục xứng kỳ đức" chính là thế!

Ảnh minh họa

Trong một vài năm gần đây, chuyện quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ của Đảng và Nhà nước đang có xu hướng trẻ hoá. Đây có thể xem như một chủ trương về công tác cán bộ khá hợp lý và phù hợp với xu thế chung của thế giới trong việc lựa chọn nhân tài. Tuy nhiên, nó cũng đã và đang bộc lộ những điểm yếu có thể xem là "gót chân Asin" cần nghiên cứu, bổ sung trong công tác nói trên. Tránh tình trạng như những vụ việc bàn tán gần đây khi chưa đến tuổi "tam thập nhi lập" như cổ nhân dạy mà đã lãnh đạo cấp vụ, khiến có nhiều dị nghị...

Chuyện cũ kể lại

30 năm trước, tôi từng là một sĩ quan trung cấp và làm báo trong quân đội. Tôi từng được nghe các bậc đàn anh kể lại (nhiều khi có cảm giác như là những giai thoại) về cách dùng người của một vị tướng đầy quyền uy, từng đứng đầu Tổng cục Chính trị vào những năm 70 của thế kỷ trước. Đây chính là nơi có chức năng quản lý, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt và điều động cán bộ trong toàn quân.

Vị tướng đó từng được ví như là "linh hồn của công tác cán bộ quân đội". Ông đã "nổi tiếng" thêm cũng là nhờ câu nói bất hủ trong công tác cán bộ. Ông bảo: "Việc 1 năm thăng 2 cấp cũng không phải là nhanh mà 10 năm thăng 1 cấp cũng không phải là chậm" (!).

Thực tế trong quân đội những năm chiến tranh chống Mỹ thì đúng là như thế. Người ta chỉ có biết dâng hiến trí tuệ, sinh mạng cho Tổ quốc, bất kể gian lao mà không đòi hỏi.

Có những trường hợp mà tôi biết (và hiện tôi ở gần nhà ông). Khi chiến tranh, ông là chiến sĩ liên lạc cho chỉ huy đại đội. Vì được nghe lỏm câu chuyện của các thủ trưởng bàn kế hoạch tác chiến, triển khai trận đánh ngày đó nên ông biết khá rõ. Do không may, cả ban chỉ huy ngay sau bữa đấy đều hy sinh cho nên người lính liên lạc đó, sau khi báo cáo tình hình cho chỉ huy tiểu đoàn thì ông đã được cấp trên chỉ định giao luôn nhiệm vụ đại đội trưởng để đánh trận. Và đơn vị ông đã chiến thắng giòn giã trận đó. Ông sau này nhờ quá trình cống hiến nên đã trở thành Anh hùng LLVT. Lúc cuối đời binh nghiệp, ông là trung tướng và làm tới chức Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Để hiểu bản chất câu chuyện về cái tư duy đã một thời được coi là chẳng có "khuôn vàng thước ngọc" nào đo đếm trong việc bổ nhiệm cán bộ quân đội như thế nào là đúng, là không đúng nguyên tắc, kể cũng khó nói. Và thế mới có chuyện là đến mãi năm 1974, quân đội ta mới có những vị tướng được phong vượt cấp từ đại tá lên thẳng trung tướng; là bởi đã có hơn chục năm (từ 1958), quân đội ta không thăng hàm thêm một vị tướng nào dù chiến tranh thì vô cùng ác liệt mà thành tích thì cũng vô cùng oanh liệt. Vậy là nhiều cán bộ cao cấp ấy, họ cứ đeo hoài lon đại tá trong mười mấy năm trận mạc, lương cũng không hề tăng lấy 1 xu , thậm chí có vị đeo lon này cỡ gần 2 chục năm cũng có...

Cái thời chiến chinh vào sống ra chết đó cũng đã qua rồi. Được sống mà trở về đã là hạnh phúc đối với mỗi người lính, nào mấy ai chạy chức như bây giờ.

Nay, lại có xu hướng "trẻ hoá" hơn và có vẻ hơi... mạnh tay. Sự "mạnh tay" đến nỗi Quốc hội khoá vừa rồi cũng đã bị các đại biểu chất vấn cho rằng nay là thời bình mà sao bây giờ phong tướng nhiều vậy, trong khi quân số lại ít hơn cả lúc chiến tranh?

Và chuyện hôm nay...

Vụ việc nổi cộm khiến dư luận dậy sóng mấy tuần qua xoay quanh nhân vật Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng bị một tổ chức tài chính chất vấn do anh này được bổ nhiệm là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) khi mới 25 tuổi. Rồi 3 năm sau, được "bộ của cha anh" thăng lên "hàm phó vụ trưởng", mục đích để thay mặt Bộ tham gia HĐQT Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và được giữ chức Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp thượng thặng bởi nộp ngân sách cực lớn (17 ngàn tỉ/năm).

Trước đó, vào dịp Đại hội Đảng các cấp (2015), tại Quảng Nam cũng xôn xao vụ một cán bộ trẻ mới 30 tuổi làm giám đốc Sở. Vì anh còn bận làm thạc sĩ, cho nên kể cả thời gian đậu vào công chức nhà nước thì vẫn chưa cống hiến gì nhiều, nhưng đã được giao trọng trách Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh. Và đương nhiên, anh cũng sẽ được tham gia BCH tỉnh ủy bởi đó là cơ cấu đương nhiên và "đúng quy trình" là thế.

Trước đó nữa, vào năm 2014, báo chí cả nước rầm rộ đưa một tin "hot" khi có một chàng thạc sĩ trẻ, mới 24 tuổi đã trở thành tỉnh ủy viên tỉnh Bình Định khi anh nhận cương vị Bí thư tỉnh Đoàn. Và cũng lại là "đúng quy trình" đấy thôi.

Tất cả, xem ra đều có cơ sở với cụm từ rất quen thuộc của cấp ủy và lãnh đạo cơ sở mỗi khi có ai đó hoặc dư luận lên tiếng, đó là đã làm "đúng quy trình!".

Cái quy trình đó, theo tôi nó đã có bất cập và có nhược điểm ngay từ khi mới được ban hành. Đó là trong các văn bản quy định về những điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, công chức thì lại chỉ có quy định trần về độ tuổi (cấp vụ thì phải dưới 55 đối với nam và dưới 50 đối với nữ), mà không có quy định mức "sàn", không phải về tuổi mà về điều kiện phải bao lâu sau khi vào biên chế, vào công chức hoặc có thành tích gì đặc biệt thì mới xét bổ nhiệm cho mỗi cấp.

Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg, ngày 19.2.2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo phải chăng đang có cái gì đó chưa ổn nên mới gây xôn xao dư luận như vậy. Nên chăng cần đề ra một cái ngưỡng nhất định, như sau bao nhiêu năm công tác thì mới được bổ nhiệm, trừ những trường hợp thật đặc biệt xuất sắc thì có thể đặc cách.

Bổ nhiệm cán bộ trẻ là tốt nhưng người được bổ nhiệm cần chứng tỏ tài năng thực sự chứ không thể chỉ nhờ là con ông cháu cha hoặc nhờ "chạy chức". Nếu không vậy thì "chiếc áo" của vị quan chức nọ sẽ chỉ là chiếc chăn rộng thùng thình quấn vào anh ta, sao mà làm được việc gì? Cổ nhân đã dạy người đời sau về đạo làm người, làm công bộc cho dân: "Y phục xứng kỳ đức" chính là thế! Phải làm sao đó để người dân tâm phục, khẩu phục công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước mỗi khi bổ nhiệm ai đó. Đó mới là cách trọng dụng nhân tài được xem là công tâm nhất...

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
9 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Y phục xứng kỳ đức' và công tác cán bộ