Đúng quy trình là khái niệm về tổ chức, bảo đảm sự chọn lọc những tài năng quản lý đúng quy định và nguyên tắc tổ chức. Nhưng rất nhanh, có không ít vị tìm ra những đường đi lắt léo trong cái khái niệm nghiêm cẩn đó để trục lợi.

'Đúng quy trình' và phận gà... không phép

21/06/2016, 15:45

Đúng quy trình là khái niệm về tổ chức, bảo đảm sự chọn lọc những tài năng quản lý đúng quy định và nguyên tắc tổ chức. Nhưng rất nhanh, có không ít vị tìm ra những đường đi lắt léo trong cái khái niệm nghiêm cẩn đó để trục lợi.

Hà Nội những ngày này nóng hừng hực tới 39-40 độ C, nhưng câu chuyện chiếc xe biển trắng đổi thành biển xanh dịu mát của một vị Phó Chủ tịch tỉnh miệt đồng bằng sông Cửu Long không vì thế mà làm dịu nhiệt… dư luận xã hội.

“Đá hất lên”

Thú thực, người viết không chú ý nhiều tới cái kết cuối cùng của vụ việc, nhưng lại rất chú ý đến những thông tin về quy trình luân chuyển của vị cán bộ này. Ông Phó Chủ tịch không nằm trong danh sách điều động cán bộ của Trung ương nhưng lại được luân chuyển và giữ chức theo đề xuất, trao đổi giữa tỉnh đó với Bộ Công thương. Thậm chí còn trong diện “cán bộ nguồn” cấp chiến lược.

Đằng sau sự “được” luân chuyển đó là chuyện gì? Hẳn chỉ có người trong cuộc, Bộ Công thương và “tỉnh nhà” biết. Và có thể gọi đó là gì nếu không phải là “lợi ích nhóm”?

Trước đó, sau khi làm ăn thua lỗ tới hơn 3200 tỷ đồng ở một DNNN, bỗng chốc ông này được bổ nhiệm một chức vụ quản lý nhà nước còn cao hơn, ở Bộ Công thương.

Thế nên, không hiểu sao, cứ nghe mấy từ bổ nhiệm với luân chuyển lòng dân bây giờ lại đầy… nghi vấn.

Bởi lâu nay, có hiện tượng công chức trong guồng máy nhà nước sai phạm thay vì bị kỷ luật lại được “đá hất lên”. Thậm chí, cho dù từ thời bao cấp đến kinh tế thị trường, diện mạo của đất nước cũng đã trải qua vật đổi sao dời, nhưng cái sự luân chuyển cán bộ kiểu “đá hất lên” vẫn cứ… như ngày xưa.

Chẳng thế mà tại hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, vào ngày 26.3, người lãnh đạo Đảng phải nhấn mạnh: Trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển. Tôi đề nghị các đồng chí thẳng thắn thảo luận xem có chuyện ấy hay không, mức độ thế nào, để cho rõ ràng, minh bạch. Nếu có thì ta phải sửa, phải rút kinh nghiệm; nếu không có thì cũng phải trả lời, cho rõ ràng, sòng phẳng (Tuần Việt Nam, ngày 14.6).

Nhưng cái sự râm ran ấy, vẫn… râm ran lắm. Và muôn hình vạn trạng. Có điều sau những râm ran là nỗi thất vọng. Vì dường như trường hợp râm ran nào, câu trả lời của các ngành, cơ quan chức năng, cuối cùng cũng rất kín cạnh - đúng quy trình.

Đúng quy trình như vụ bổ nhiệm một vị giám đốc sở tuổi 30, trẻ nhất nước. Mặc dù trước đó báo chí nêu ra những bất cập và vi phạm trong việc tạo nguồn kiểu cầm đèn chạy trước ô tô.

Đúng quy trình như vụ đề bạt Dương Chí Dũng từ giám đốc Vinalines thành Cục trưởng cục Hàng hải khi đang bị thanh tra.

Đúng quy trình như kết luận của cơ quan chức năng về việc bổ nhiệm 60 cán bộ của Tổng Thanh tra Nhà nước, 19 cán bộ của Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TP.HCM ở “phút 89” trước khi lãnh đạo nghỉ hưu, v.v... và v.v...

Những kiểu kết luận đúng quy trình đó đã làm lòng dân thêm nản, mất niềm tin, cũng theo… “đúng quy trình”.

Có thật bình đẳng không?

Chưa xong chuyện nọ đã xọ chuyện kia. Mới đây, dư luận xã hội bất ngờ khi đọc được lá thư của một hiệp hội gửi một vị cựu bộ trưởng với lời đề nghị thẳng thắn hãy khuyên con trai mình nên rời khỏi vị trí lãnh đạo tại Tổng công ty Rượu-bia-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ở một xã hội như nước Việt xưa nay, việc xử sự trong chuyện chức quyền vốn tế nhị và “văn hóa” lắm. Thế nên một lá thư đề nghị thẳng thừng rút lui khỏi chiếc ghế quyền lực như vậy, cũng là chuyện rất lạ.

Nhưng cũng chẳng lạ bằng năng lực của cậu con trai ông cựu bộ trưởng. Từng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI), chỉ trong hai năm liền dưới sự điều hành của “cậu” , Tổng Công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng đã lần lượt lỗ: 155 tỉ đồng năm 2011, 67 tỉ đồng năm 2012.

Điều lạ là sau khi điều hành doanh nghiệp thua lỗ, con trai ông cựu bộ trưởng lại được điều động về một cục trực thuộc bộ mà khi đó ông đương chức. Đường hoạn lộ cứ thế nhảy cóc. 28 tuổi đã được bộ “của bố” điều động về Tổng Công ty, ở vị trí chủ chốt là thành viên HĐQT đồng thời kiêm chức Phó Tổng GĐ tổng công ty. Chợt nhớ câu ca từ thật “ý nghĩa” trong trường hợp này: Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con.

Chưa kể một trường hợp bổ nhiệm khác cũng rất lạ - vị chánh văn phòng, trước đó là thư ký của ông cựu bộ trưởng, cũng được đặt ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty- người mà họ cho rằng chỉ giỏi nghiệp vụ thư ký, không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.

Dư luận thì ồn ào, nhưng liệu có ồn ào được mãi không, khi trả lời báo chí, ông cựu bộ trưởng cho rằng, việc bổ nhiệm con trai ông là do Tổng Công ty đó có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng quy trình.

Lại đúng quy trình. Hẳn con trai vị cựu bộ trưởng phải tài năng đặc biệt nên mới có công văn thiết tha xin đích danh, mà khi đó ông đang là bộ trưởng. Liệu có gì liên quan giữa vị thế bộ trưởng đương chức với cái công văn thiết tha xin đích danh con trai ông? Đương nhiên chỉ hai bên, bên xin và bên cho biết với nhau thôi. Nhưng dân gian cũng thật sâu sắc khi xa xưa từng thâm thúy, ai biết ma ăn cỗ.

Chưa kể, một thông tin khiến “nếp nhăn” dư luận cũng phải tươi màu suy nghĩ. Đó là trước thời điểm nghỉ hưu 3 tháng, ông cựu bộ trưởng đích thân ký công văn đề nghị bộ chức năng hoãn thanh tra 4 dự án tại nơi con trai ông được “bổ nhiệm”.

Còn con trai ông, trong trả lời báo chí cũng rất khôn khéo khi cho rằng, “tôi hiểu là dư luận có ý rằng con quan thì lại làm quan, nhưng quan điểm của tôi là trong một đất nước do Đảng lãnh đạo, mọi thứ bình đẳng hết, cơ hội của mọi người là như nhau. Thật sự tôi không nghĩ đây là sự ưu ái, vì tất cả chúng ta đều bình đẳng hết”.

Cũng như bố, ông con trai tự tin khi cho rằng, tôi được “xin” theo đúng quy trình.

Người viết bài, và rất nhiều bạn đọc trên mạng xã hội đã tự hỏi: Nếu “con trai” không phải là con “của bố” đang đương chức lúc đó, liệu anh ta có thể… nhảy cóc trên đường quan lộ không? Còn nói mọi thứ trong xã hội đều bình đẳng thì hãy nhìn vào chính môi trường kinh doanh, giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã có bình bẳng, có cơ hội như nhau chưa? Và nếu thực sự không có ưu ái, tại sao dư luận lại dậy sóng vì yêu cầu thẳng thừng - đề nghị bố nên khuyên con trai rời khỏi vị trí lãnh đạo Tổng Công ty?

Đúng quy trình là khái niệm về tổ chức, bảo đảm sự chọn lọc những tài năng quản lý vừa đúng quy định và nguyên tắc tổ chức. Nhưng rất nhanh, có không ít vị tìm ra những đường đi lắt léo trong cái khái niệm nghiêm cẩn đó để trục lợi. Nên đúng quy trình bỗng trở nên chứa chất sự hoài nghi, bởi trong thực tế cái gọi là đúng quy trình đó không ít trường hợp… lại sai về đạo lý. Nhất là khi đặt sự nghi vấn đó trong hàng loạt bối cảnh khiến người dân bất bình, phẫn nộ:

-Lợi ích nhóm hoành hành, gây thiệt hại nền kinh tế không thương tiếc.

-Quốc nạn tham nhũng, hối lộ khiến đạo đức xã hội xuống cấp.

-Sự mất dân chủ trong xã hội, từ cơ sở, khiến con người không dám nói thẳng nói thật. Cho dù ai cũng hiểu nhưng đều “gật đầu”… đúng quy trình

-Sự thiếu công khai minh bạch, thiếu công bằng đến độ, nhất bên nặng nhất bên nhẹ, nơi thì nhân sự phải thi tuyển chật vật, nơi nhân danh bổ nhiệm thảm đỏ rải tận chốn tận nơi.

Chả trách tâm lý xã hội rất bất an khi nơi nào, ngành nào cũng tồn tại hiện tượng những “hậu duệ” chưa chứng tỏ được tài năng nhưng được bổ nhiệm… đúng quy trình.

Xin đừng để cái khái niệm đúng quy trình, một nguyên tắc tổ chức cán bộ, nhằm làm cho sự tuyển chọn nhân sự bảo đảm chất lượng bỗng trở thành một cái mộc… che đậy rất nhiều những việc làm mang tính vụ lợi đầy tinh thần lợi ích nhóm.

“Xây chuồng gà” phải cấp phép?

Có một vụ việc, đọc thông tin ai nấy đều tưởng như một truyện ngắn trong tác phẩm Những kẻ thích đùa nổi tiếng của nhà văn Azit Nexin. Và nếu nhà văn có sống dậy, có lẽ sẽ phải ngửa mặt lên trời than: Trời đã sinh ra đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, sao lại còn sinh ra nước Việt?

Bởi câu chuyện này là của nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Chính xác là của phường Sông Bằng, TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Nhân vật trung tâm ở đây là nhà văn Hoàng Quảng Uyên và cái chuồng gà ông mới tơ tưởng định xây, có diện tích 2m2, cao 0,5m.

Nhưng “công trình” chuồng gà mới xây được đúng một hàng gạch thì bị chính quyền sở tại đến bắt ngừng thi công, đến nay đã hai tháng.

Quan thì xa, bản nha thì gần. Buộc lòng ông phải làm đơn xin phép xây dựng, với cái tên rất độc đáo: “Chương trình Chuồng gà”. Thực chất, có tới 4 cơ quan phải xúm vào giải quyết. Hóa ra, thân phận gà cũng… cao giá phết!

Nhưng phòng Quản lý Đô thị TP Cao Bằng, sau khi thụ lý đơn xong lại không giải quyết, bởi Quy định hiện hành không nêu rõ, không hướng dẫn cụ thể với loại công trình này (Tuổi Trẻ, 12.6)

Quá bằng đánh đố nhà văn. Bức xúc, ông đành gửi thư tới Bí thư Tỉnh ủy. Chuyện tóe loe trên báo chí.

Đừng tưởng các cơ quan chức năng Cao Bằng họ yếu thế đâu nhá. Họ có lý của họ, và cực kỳ trách nhiệm. Tỷ như Trưởng phòng QLĐT TP Cao Bằng, cho rằng: Vị trí xây chuồng gà có thể ảnh hưởng hành lang giao thông đường thủy vì gần một con suối, còn hàng gạch cao 25cm, dài 45m vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

To chuyện hơn, ông trưởng phòng này còn cho biết, hiện đơn vị ông đang xem xét giấy tờ sở hữu khu đất đã cấp cho ông Uyên từ trước đó có đúng thủ tục hay không, chứ không chỉ riêng việc xin phép xây chuồng gà và hàng gạch.

Chợt nhớ tới vụ việc quán café Xin Chào quá.

Nhưng cũng đừng tưởng người dân dân trí thấp, không biết gì nhá. Số đông bạn đọc - như ở báo Tuổi Trẻ ngày 14.6 thẳng toẹt, “làm khó để ló ra tiền” đang là một nguy cơ hiện hữu!

Còn các nhà luật học, các luật sư thì chỉ ra cái sự tức cười xây chuồng gà phải có giấy phép này.

Theo luật sư Trần Đình Triển (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), lý do Phòng QLĐT TP Cao Bằng chưa cấp phép xây chuồng gà vì còn xem xét giấy tờ, sổ đỏ đã cấp, là bất hợp lý bởi đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ngay cả khi hồ sơ, sổ đỏ có vướng mắc hoặc đang trong quá trình xem xét cấp phép thì chỉ bị hạn chế quyền chuyển nhượng, không cấm xây dựng công trình phụ.

Còn theo LS Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM), về nguyên tắc, người dân được làm những luật không cấm. Vì vậy, các cơ quan chức năng không thể trả lời rằng vì luật không quy định hoặc chưa có hướng dẫn rõ mà hạn chế quyền của người dân. Yêu cầu và cách xử lý của UBND phường và các cơ quan chức năng TP Cao Bằng quá cứng nhắc, máy móc. Công trình này quá nhỏ, lại xây dựng trên phần đất đã có giấy chủ quyền hợp pháp, không có tranh chấp, không bị hàng xóm khiếu nại thì không có nguy cơ làm ảnh hưởng đến trật tự xây dựng.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng thông tin xây một viên gạch cũng phải xin phép là không có căn cứ. Không có văn bản pháp luật nào quy định xây một viên gạch có vữa hay xây chuồng gà vì mục đích tăng gia cho gia đình mà phải xin phép.

Điều trớ trêu, là vụ việc xây chuồng gà bé tí đòi phải có giấy phép, trong khi ở nhiều địa phương trong cả nước, và ngay cả ở thủ đô Hà Nội, nhà trăm tỷ xây không phép… như chơi.

Tỷ như địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bỗng dưng bùng nổ hàng loạt công trình xây dựng khủng không phép. Như dự án chung cư Mai Trang Tower, dự án chung cư The Garden Hill… Rồi hàng loạt biệt thự thuộc khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn đã hoàn thiện, được chủ đầu tư rao bán tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội, chỉ cách Vườn quốc gia Ba Vì chưa đầy 10km…

Người viết bài trộm nghĩ, sao nhà nước không luân chuyển phòng QLĐT TP Cao Bằng về hẳn Hà Nội để họ chấn chính việc xây nhà trăm tỷ không phép đang đập vào mắt ở thủ đô nhỉ?

Tại sao cùng trong một nước, cùng chịu sự quy định và điều chỉnh của pháp luật mà nơi kia thì cứng nhắc đến độ khắc nghiệt vô lối, nơi này thì dễ dãi như đất vô chủ?

Người hiểu biết bảo, nơi khó nơi dễ, nơi hẹp nơi rộng, thực ra đều có… mẫu số chung đó! Mẫu số chung đó là gì? Ai biết được, lại ma ăn cỗ!

Không biết đến thời điểm này, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã được cấp phép xây dựng công trình chuồng gà rộng 2m2, cao nửa mét chưa?

Hay bởi, tại nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã không chịu “chạy theo” đúng quy trình? Nhưng biết đâu vì vụ xây công trình chuồng gà này mà ông có thể có cảm hứng đẻ ra một tác phẩm nghiêng ngửa với Azit Nexin thì sao?

Kỳ Duyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đúng quy trình' và phận gà... không phép