EU đã khởi động các dự án trong sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” nhằm huy động khoản kinh phí gần 300 tỉ euro từ các quỹ công và tư nhân để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của EU ở nước ngoài.
Sự cạnh tranh của Liên minh châu Âu với Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ nóng lên vào đầu năm tới — với việc các quan chức hàng đầu tin rằng các dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu mới sẽ mang đến cho các nước đang phát triển một giải pháp khả thi.
Gần 10 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), với nhiều dự án đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sắt và cầu cảng nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng tìm ra một kế hoạch làm đối trọng mang tên “Cửa ngõ toàn cầu”.
Theo Politico, giới chức EU chịu trách nhiệm về sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thông tin chi tiết cho các dự án được chọn để triển khai, trong bối cảnh có báo cáo rằng Bắc Kinh đang làm chậm quá trình phê duyệt đầu tư do nền kinh tế toàn cầu trì trệ.
Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã phát triển mạnh mẽ các mạng lưới thương mại, trung tâm giao thông và tuyến đường năng lượng theo sáng kiến Vành đai và Con đường, trong khi Huawei Technologies và các công ty công nghệ Trung Quốc khác đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của các quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen gần đây đã thúc đẩy kế hoạch huy động khoản kinh phí gần 300 tỉ euro từ các quỹ công và tư từ nay cho đến năm 2027 nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của EU ở nước ngoài.
Trong khuôn khổ sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”, EU sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng như cáp quang, mạng 5G và các nhà máy năng lượng xanh ở các nước đang phát triển, đồng thời cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc về hạ tầng giao thông, chẳng hạn như đường cao tốc và sân bay.
"Khi được hỏi vào năm 2020, đối tác nào có ảnh hưởng tích cực nhất đến quốc gia của họ, chỉ 10% người châu Phi đề cập đến EU trong khi 47% trả lời là Trung Quốc… Chúng ta muốn đưa châu Âu trở thành một môi trường quốc tế cạnh tranh hơn. Do đó, sáng kiến "Cửa ngõ toàn cầu" cũng nhằm mang lại những kết quả có thể nhìn thấy được trên thực tế”, bà Von der Leyen nói với các quan chức phụ trách sáng kiến như vậy.
Tuyên bố này được đưa ra trước những lời chỉ trích rằng phương Tây đã nhiều lần hứa hẹn sẽ thách thức các khoản đầu tư vào "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, nhưng nỗ lực này quá rời rạc và chậm chạp.
Trong một cuộc phỏng vấn với Politico, nhiều quan chức hàng đầu của EU về chính sách đối ngoại và phát triển quốc tế đã tuyên bố rằng khối sẽ đưa ra một giải pháp thay thế cạnh tranh, đáng tin cậy hơn so với "Vành đai và Con đường".
"Một khi chúng tôi triển khai được Cửa ngõ toàn cầu một cách thực chất, nó sẽ chứng tỏ đây là lựa chọn hấp dẫn", Stefano Sannino, Tổng thư ký của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu cho biết.
Koen Doens, lãnh đạo của Ủy ban châu Âu về quan hệ đối tác quốc tế, đã lặp lại sự lạc quan. “Việc chính xác bây giờ nên làm là chọn một số dự án trong sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu để cho thấy sự khác biệt như thế nào với BRI… Dù số lượng quan trọng nhưng chất lượng cũng quan trọng không kém”, ông nói.