Thông tin hai thị trường EU và Mỹ tạm ngưng nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam trong 3 - 4 tuần khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu "điêu đứng", không phản ứng kịp thời.

EU, Mỹ dừng nhập hàng dệt may: Doanh nghiệp Việt điêu đứng, không kịp trở tay

20/03/2020, 13:50

Thông tin hai thị trường EU và Mỹ tạm ngưng nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam trong 3 - 4 tuần khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu "điêu đứng", không phản ứng kịp thời.

Hai thị trường EU và Mỹ tạm ngưng nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam - Ảnh: T.N

Hiện thị trường EU đã có thông báo ngưng nhập hàng trong vòng 1 tháng, thị trường Mỹ ngưng nhập hàng trong vòng 3 tuần. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc, Mỹ và EU, các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm từ 30-50% lượng đơn hàng.

Động thái trên của hai thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp, điêu đứng, hoang mang vì vừa hết lo thiếu nguyên liệu sản xuất, thì lập tức rơi vào tình thế gay go hơn, đó là thiếu đầu ra.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện nay quá trình diễn biến quá nhanh của thị trường, nhất là khi dịch COVID-19 lan rộng tại EU và Mỹ, khiến Chính phủ các nước buộc phải ra giải pháp quyết liệt đóng cửa biên giới. Chỉ trong 3 ngày từ 16-18.3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại.

Ngoài ra, một số mặt hàng mang tính mùa vụ, kinh doanh trong tháng 3, tháng 4 rất khó khăn thì khách hủy đơn hàng. Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương với năng lực sản xuất của nhiều đơn vị lên tới một nửa tháng sản xuất, tương ứng 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Hugaco chia sẻ: "Lúc đầu tưởng đầu vào nguyên liệu là khó, thì nay vừa có nguyên liệu cho sản xuất, lập tức đầu ra lại khó. Một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn. Thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu.

Doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Quý I doanh thu của Tổng công ty May Hưng Yên đã giảm 20%. Phải rà soát từng khâu và toàn bộ các khâu để giảm chi phí. Chúng tôi chưa đánh giá được toàn bộ thiệt hại. Chưa biết sắp tới sẽ hành động thế nào, tình hình thay đổi từng ngày, từng giờ..."

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trị - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ cho biết từ ngày 16 - 18.3, đồng loạt các khách hàng tại thị trường Mỹ, đang giao dịch theo phương thức FOB thông báo về việc ngưng sản xuất, lùi giao hàng, hủy đơn hàng thành phẩm và ngưng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn hàng đã xác nhận.

Tổng số hàng bị hủy là 350.000 sản phẩm; Tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất là 100.000 sản phẩm; Tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy: 150.000 sản phẩm.

Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 đánh giá việc Mỹ và EU quyết định tạm thời ngừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của May 10 vào 2 thị trường này.

"Chúng tôi gặp khó khăn kép: trong tháng 2 các doanh nghiệp phải lo nhập khẩu nguyên phụ liệu để đảm bảo sản xuất được liên tục, đến nay thì có đủ nguyên phụ liệu thì lại tạm dừng sản xuất và dừng giao hàng những lô hàng đã sản xuất. Đơn cử, khách hủy toàn bộ các lô hàng đi bằng đường hàng không tới Mỹ. Các lô hàng đường biển trong tháng 3 lùi sang tháng 4 và 5.

Điều chỉnh giảm số lượng mua hàng các tháng kế tiếp. Khách hàng Hàn Quốc chưa chịu nhận 40.000 sản phẩm sơ-mi đã sản xuất xong, và hoãn luôn đơn hàng 39.000 sản phẩm sản xuất trong tháng 4 theo kế hoạch. Ngoài ra, hàng trăm ngàn sản phẩm khác sản xuất cho khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất thì cũng bị khách hàng yêu cầu dừng. Doanh nghiệp thực sự không mong muốn nhận thêm thông tin về ngừng nhập khẩu, nếu việc ngừng này xảy ra ở tất cả các nước thì tổn thất sẽ rất lớn", ông Việt cho hay.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp đều cho rằng sẽ đàm phán với khách hàng để tránh tối đa thiệt hại. Đàm phán với nhà cung cấp để lùi thời gian thanh toán tiền nguyên phụ liệu. Cân đối dự phòng tài chính để có thể trả lương và duy trì sản xuất thất thường. Tạm dừng các dự án đầu tư trong năm 2020.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU, Mỹ dừng nhập hàng dệt may: Doanh nghiệp Việt điêu đứng, không kịp trở tay