Bất chấp sự phản đối từ các tổ chức đấu tranh cho tự do dân sự, Tòa án Tối cao Mỹ vào ngày 28.4 đã thông qua một sửa đổi luật, theo đó cho phép các thẩm phán Mỹ ban hành quy định cho phép cơ quan hành pháp quyền tiếp cận mọi máy tính.
Sắp tới, Tòa án Tối cao phải chờ sự xem xét từ Quốc hội. Nếu cơ quan lập pháp này không có phản đối hay điều chỉnh gì thì sửa đổi luật của tòa án sẽ tự động có hiệu lực.
Thông thường, các thẩm phán chỉ có thể yêu cầu tìm kiếm hay lục soát máy tính trong quyền hạn của tòa án, và quy định này chỉ hạn chế ở một số hạt. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ từ năm 2013 đã nỗ lực thúc đẩy việc thay đổi luật này. Theo cơ quan này, sự thay đổi này là cần thiết vì nó giúp hiện đại hóa bộ luật hình sự để phù hợp với thời đại số hiện nay.
Cụ thể, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, bọn tội phạm ngày nay đã biết dùng đến công nghệ để che giấu danh tính. Do đó, các cơ quan chức năng không còn cách nào khác là phải dùng đến các biện pháp tìm kiếm thông qua các hệ thống máy tính.
Người phát ngôn cũng khẳng định rằng các cơ quan không được pháp luật cho phép sẽ không thể dùng sự thay đổi luật này để “bẻ khóa” máy tính của công dân Mỹ.
Nhưng theo công ty Google và các tổ chức đấu tranh cho tự do dân sự như Liên minh Tự do dân sự Mỹ ACLU hay Access Now, thay đổi luật sẽ mở rộng quyền hạn cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cho phép cơ quan này tiến hành các cuộc “mở khóa” đối với hàng loạt hệ thống máy tính. Hành động này là vi phạm Hiến pháp Mỹ, Google và các tổ chức đánh giá.
Sau khi thay đổi luật được đưa ra, nó đã gây ra không ít tranh luận giữa các nhà lập pháp Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden đã lên tiếng chỉ trích thay đổi luật này. Theo ông, thay đổi này sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng cho sự riêng tư của người dân Mỹ”, do đó ông sẽ bỏ phiếu chống lại thay đổi luật này tại Quốc hội.
Sư thay đổi luật này chỉ là một trong những nỗ lực gần đây của chính phủ Mỹ nhằm mở rộng thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong việc tiếp cận thông tin của người dân. Trước vụ thay đổi luật này, FBI đã dính vào một vụ rắc rối với hãng điện thoại Apple.
Không thể nhờ Apple mở khóa chiếc iPhone của nghi phạm gây ra vụ xả súng ở San Bernardinho mặc dù đã có sự hỗ trợ của tòa án Mỹ, FBI đã phải chi đến hơn 1,3 triệu USD cho hacker để mở khóa. Sau khi mở khóa thành công và lấy được thông tin về nghi phạm, FBI còn tuyên bố sẽ cung cấp những thông tin này cho những cơ quan khác của chính phủ Mỹ để sử dụng cho những mục đích khác nhau.
Cẩm Bình (theo Reuters)
Ảnh: Minh họa.