Cơ quan quản lý gạo Thái Lan vào ngày 25.4 cho biết, nước này đang có kế hoạch bán hết 11,4 triệu tấn gạo đang trữ trong vòng hai tháng. Kế hoạch này đã bị nhiều người đánh giá là bất khả thi.
Kế hoạch của quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới này được đưa ra sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo số một, cũng đang nỗ lực giảm số lượng gạo dự trữ bằng cách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Kế hoạch của Ấn Độ sẽ chính thức được thực hiện vào tuần tới.
Trang eThailand cho biết, tính từ tháng 5.2014, Thái Lan đã xuất khẩu được 5,05 triệu tấn gạo, thu về 1,53 tỉ USD.
Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Prayut Chan-ocha cùng chính phủ của mình đã chấm dứt chương trình dự trữ lúa gạo dưới thời bà Yingluck. Chính phủ cũng đã từng tuyên bố sẽ bán hết toàn bộ gạo dự trữ vào cuối năm 2017 nhưng sau đó lại quyết định đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng là bán hết 11,4 triệu tấn gạo trong vòng 2 tháng.
Theo kế hoạch mới, các đợt đấu giá gạo sẽ bắt đầu vào tuần tới và kéo dài cho đến hết tháng 6, mỗi đợt đấu giá 1 triệu tấn gạo.
Bà Chutima Bunyapraphasara, Thư ký thường trực của Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, cho biết chính phủ mong muốn thu về 100 tỉ baht từ số gạo này.
Thông báo sau khi được đưa ra đã nhận phải sự hoài nghi từ các doanh nhân ngành xuất khẩu gạo. Ông Supachai Vorraapinyaporn, Chủ tịch Tập đoàn gạo Tanasan, một trong 3 nhà xuất khẩu gạo lớn nhất nước nói: “Kế hoạch này 1 triệu phần trăm bất khả thi. Có lẽ ý của họ không phải là hai tháng mà là hai năm”.
Ông Supachai cho biết, thời gian trước thì mỗi tháng chỉ có một đợt đấu giá gạo và số gạo được giải quyết chỉ là 400.000 tấn.
Trong tổng số gạo được trữ trong kho, có khoảng 100.000 tấn là gạo loại 1; 7,5 triệu tấn gạo “vừa đủ chuẩn”; 1,5 triệu tấn gạo dùng cho chế biến sản phẩm công nghiệp và 2,4 triệu tấn gạo mục, hỏng.
Cẩm Bình (theo eThailand)