Liên minh tình báo Five Eyes vừa yêu cầu các công ty công nghệ tạo “cửa sau” trong ứng dụng liên lạc mã hóa, trao cho cơ quan thực thi pháp luật quyền truy cập phục vụ công tác ngăn chặn tội phạm trực tuyến.
Giới chức 5 nước Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand (thành viên Five Eyes) nhận định sự phát triển của ứng dụng liên lạc mã hóa như Signal, Telegram, WhatsApp,… đặt ra thách thức lớn cho an ninh công.
“Ngày càng có nhiều chính phủ cùng tổ chức quốc tế nhất trí rằng phải hành động. Mặc dù mã hóa là điều cần thiết và quyền riêng tư, an ninh mạng cần được bảo vệ, nhưng không thể vì vậy mà gây hại đến hoạt động thực thi pháp luật cũng như toàn ngành công nghệ”, theo tuyên bố chung của 5 thành viên Five Eyes cùng Nhật Bản, Ấn Độ. Họ kêu gọi các công ty công nghệ cung cấp quyền truy cập ở định dạng đọc và sử dụng được.
Đây là lời kêu gọi thiết lập “cửa sau” để truy cập ứng dụng liên lạc mã hóa mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Ứng dụng liên lạc mã hóa bảo vệ cho mọi loại hoạt động – từ kinh doanh đến lan truyền ý kiến bất đồng chính trị. Cơ quan thực thi pháp luật nhiều quốc gia luôn phàn nàn gặp khó khăn trong công tác điều tra tội phạm bởi dữ liệu đều đã được mã hóa.
Phe ủng hộ quyền riêng tư phản đối bằng lập luận cho phép cơ quan thực thi pháp luật tiếp cận thông tin liên lạc người dùng sẽ gây nguy hiểm cho những nhà hoạt động dân chủ, có nguy cơ tiếp tay cho chính phủ độc tài. Tuy nhiên tại Mỹ và châu Âu, sức ép yêu cầu thiết lập “cửa sau” ngày càng lớn.
Tổ chức Electronic Frontier ủng hộ quyền riêng tư dẫn một tài liệu Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ khối này đang lên kế hoạch ban hành luật chống mã hóa vào năm tới.
Trong tuyên bố chung, Five Eyes cam kết đặt ra cơ chế giám sát nhằm đảm bảo cơ quan thực thi pháp luật không lạm quyền.