Vấn đề lao động và phương tiện truyền thông xã hội là điều mà các công ty Nhật Bản phải đối mặt khi muốn rút khỏi Trung Quốc.

Chuyên gia chỉ các công ty cách rút khỏi Trung Quốc êm thấm, tránh bị kiện

Nhân Hoàng | 12/10/2020, 12:30

Vấn đề lao động và phương tiện truyền thông xã hội là điều mà các công ty Nhật Bản phải đối mặt khi muốn rút khỏi Trung Quốc.

Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản đang tìm cách rút khỏi Trung Quốc - toàn bộ hoặc một phần - vì đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang âm ỉ và chi phí lao động tăng cao tạo ra tương lai mờ mịt.

Song theo các chuyên gia pháp lý, việc ngừng kinh doanh ở Trung Quốc cũng là vấn đề phức tạp và đầy rủi ro, đặc biệt là liên quan đến lao động.

Ông Ko Wakabayashi, Giám đốc Văn phòng luật Anderson Mori & Tomotsune ở Bắc Kinh, cho biết: “Nhiều công ty Nhật Bản, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ, đang suy nghĩ lại về hoạt động tại Trung Quốc của họ. Trong khi Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhiều công ty công nghệ, có lo ngại rằng Nhật Bản đang dựa vào tình hình kinh tế hiện tại để loại bỏ các công ty ở Trung Quốc làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên có những rủi ro liên quan đến việc rút tiền đột ngột”.

Theo luật sư Yasuyuki Suzuki, cách tốt nhất để các công ty thoát khỏi Trung Quốc mà không bị tổn hại nhiều là bán cổ phần của họ. Sau khi tìm được người mua, rào cản pháp lý lớn duy nhất là nhận được sự chấp thuận của cổ đông và nộp tài liệu cho chính phủ.

Khi các cổ đông chấp thuận việc bán, thủ tục giấy tờ có thể được thực hiện trong vài tháng. Cách tiếp cận này thực hiện nhanh chóng và không tốn kém.

Điều quan trọng là công ty tiếp tục tồn tại nên cũng làm giảm nguy cơ bị nhân viên kiện.

Qua đó, việc tìm kiếm người mua cổ phần trở thành chìa khóa cho việc công ty muốn rút khỏi Trung Quốc. Nếu không có người mua tiềm năng nào, như khi họ tham gia vào một liên doanh, thì cần phải có một đề nghị từ bên ngoài.

"Việc môi giới mua bán và sáp nhập là khá phổ biến ở Trung Quốc. Không giống ở Nhật Bản, các cơ chế trung gian và điều phối các giao dịch giữa người bán và người mua chưa được phát triển đầy đủ tại nước này. Các giao dịch thường được sắp xếp thông qua các liên hệ cá nhân", Ko Wakabayashi nói.

mot-so-bieu-tuong-cua-trung-quoc-1.jpg
Các công ty đối mặt với nhiều vấn đề khi rút khỏi Trung Quốc

Nếu không tìm thấy người mua, giải thể và thanh lý trở thành lựa chọn tiếp theo. Thế nhưng, điều này đòi hỏi nhiều công việc hơn do tăng thêm thời gian cần thiết cho các cuộc đàm phán và thủ tục giấy tờ, đặc biệt là những việc liên quan đến nhân sự. Cách tiếp cận đó cũng tốn kém hơn vì thường bị yêu cầu các khoản thanh toán thôi việc lớn và có thể có rủi ro về thuế bổ sung.

Rất hiếm khi các công ty nước ngoài ở Trung Quốc nộp đơn xin phá sản. Luật sư Takashi Nomura lưu ý: “Hầu như không có trường hợp nào các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc thông qua thủ tục phá sản. Dù lựa chọn lối thoát nào, một công ty có nhiều khả năng đối mặt việc tranh chấp với lao động hơn so với ở hầu hết các nước lớn khác”.

Các công ty hoạt động ở Trung Quốc phải bồi thường cho nhân viên bị chấm dứt hợp đồng lao động. Dù số tiền này được quy định một cách hợp pháp, công ty nước ngoài sử dụng lao động Trung Quốc thường phải trả nhiều hơn và đôi khi phải giải quyết các yêu cầu bất hợp lý.

Năm 2016, khi Sony công bố ý định bán một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho công ty địa phương, các nhân viên đã tổ chức cuộc tuần hành đòi bồi thường. Về mặt pháp lý, Sony không bắt buộc phải trả tiền, nhưng cuối cùng hãng công nghệ Nhật Bản đã đồng ý chi 16.000 yên (151 USD) cho mỗi người như một "phần thưởng dịch vụ".

Một bản đồ lộ trình được xây dựng cẩn thận, rất quan trọng để có được sự thấu hiểu từ nhân viên về việc cần thiết của cắt giảm hoặc đóng cửa doanh nghiệp.

"Gần đây, ngày càng nhiều công ty bị tấn công trên mạng xã hội liên quan đến sự ra đi của họ. Một cách để tránh sự chỉ trích này là làm việc với công ty quan hệ công chúng khi lên kế hoạch rút lui", một luật sư cho biết.

Zhou Jiaping, luật sư người Trung Quốc từng làm việc cho đơn vị địa phương của một công ty Nhật Bản, đồng tình với quan điểm này: "Nhiều tranh chấp về việc rút vốn kinh doanh liên quan đến các công ty Nhật Bản là do thiếu sự liên lạc giữa trụ sở chính tại Nhật Bản và đơn vị địa phương".

Nhật Bản trả tiền cho công ty rời Trung Quốc

Sau các nước ASEAN, Nhật Bản thêm Ấn Độ và Bangladesh vào danh sách điểm đến sẽ trợ cấp cho các công ty chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Hôm 4.9 vừa qua, trang Nikkei đưa tin Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã khởi động đợt thứ hai của chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất Nhật Bản sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp nếu chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc Bangladesh, trong chương trình mở rộng từ chính phủ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của nước này.

23,5 tỉ yên (khoảng 221 triệu USD) là ngân sách bổ sung của Chính phủ Nhật trong năm tài chính 2020 cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang các nước Đông Nam Á.

Khi mở đợt nộp hồ sơ thứ hai vào hôm nay, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã bổ sung "các dự án góp phần vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng Nhật Bản - ASEAN" vào danh sách điểm đến đủ điều kiện, để mắt đến việc chuyển địa điểm sang các nước như Ấn Độ và Bangladesh.

Các công ty Nhật có thể nhận được trợ cấp cho các nghiên cứu khả thi và các chương trình thử nghiệm. Tổng số tiền được cấp dự kiến ​​lên đến hàng chục triệu USD.

Chương trình trên nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào một số liên kết trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là Trung Quốc, và đảm bảo dòng chảy ổn định của các sản phẩm như vật tư y tế và linh kiện điện trong trường hợp khẩn cấp. Vấn đề này được đặt lên hàng đầu khi Trung Quốc đóng cửa các nhà máy trong những ngày đầu đại dịch COVID-19.

Đợt trợ cấp đầu tiên của Nhật được công bố vào tháng 7.2020, đã chi hơn 10 tỉ yên cho 30 công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á. Trong đó Hoya, công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chủ yếu là ổ cứng, chuyển nhà máy sang Việt Nam và Lào. 57 công ty khác nhận được hỗ trợ để chuyển cơ sở sản xuất về Nhật Bản.

chuyen-gia-chi-cac-cong-ty-cach-rut-khoi-trung-quoc-em-tham-tranh-bi-kien1.png
Hoya là 1 trong 15 công ty Nhật vừa chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam

Hôm 20.7, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố danh sách chi tiết 87 công ty sẽ được nhận số tiền hỗ trợ 70 tỷ yên (tương đương 653 triệu USD) để thực hiện kế hoạch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Trong số 87 công ty di dời nhà máy khỏi Trung Quốc, 57 công ty sẽ chuyển nhà máy trở về Nhật Bản như đã nêu, 30 công ty khác sẽ chuyển nhà máy đến các nước Đông Nam Á. Trong đó 15 công ty chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy, bao gồm 6 công ty có quy mô lớn và 9 công ty có quy mô vừa và nhỏ.

Phần lớn các công ty chuyển nhà máy đến Việt Nam chuyên về sản xuất thiết bị y tế nhưng cũng có 5 công ty chuyên về sản xuất linh kiện thiết bị điện, điện tử và ô tô.

Danh sách 15 hãng Nhật Bản chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam:

chuyen-gia-chi-cac-cong-ty-cach-rut-khoi-trung-quoc-em-tham-tranh-bi-kien.png
Bài liên quan
Samsung tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc
Tập đoàn Samsung vừa quyết định đóng cửa nhà máy sản xuất tivi duy nhất tại Trung Quốc vào cuối tháng 11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia chỉ các công ty cách rút khỏi Trung Quốc êm thấm, tránh bị kiện