Gameshow truyền hình hiện nay đang nở rộ mạnh mẽ và áp đảo các chương trình khác ở mọi khung giờ. Điều đó đã làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của một bộ phận khán giả. Thế nhưng, chất lượng của các chương trình hiện nay lộ rõ những khiếm khuyết khiến nhiều sân chơi trở nên mờ nhạt, thậm chí khán giả còn quay lưng bởi nội dung nhàm chán.

Gameshow truyền hình: Nhạt, nhảm và đầy bạo lực

DDVN | 18/05/2016, 06:00

Gameshow truyền hình hiện nay đang nở rộ mạnh mẽ và áp đảo các chương trình khác ở mọi khung giờ. Điều đó đã làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của một bộ phận khán giả. Thế nhưng, chất lượng của các chương trình hiện nay lộ rõ những khiếm khuyết khiến nhiều sân chơi trở nên mờ nhạt, thậm chí khán giả còn quay lưng bởi nội dung nhàm chán.

Gameshow hài: Không ngại chiêu trò

Bên cạnh lĩnh vực điện ảnh tranh thủ khai thác triệt để yếu tố hài thì vài năm trở lại đây, các gameshow hài cũng đua nhau ra đời, tràn ngập trên sóng truyền hình với nhiều tên gọi: Tiếng cười sinh viên, Thách thức danh hài, Cười là thua, Hội quán tiếu lâm, Ơn giời! Cậu đây rồi, Vui ơi là vui... Các chương trình lần lượt chia nhau thống lĩnh các khung giờ của nhà đài, từ Đài truyền hình trung ương VTV đến nhà đài các tỉnh, thành như HTV và các đài khu vực miền Tây.

Điều đáng nói, nhiều gameshow hài chỉ chăm chăm vào chọc cười khán giả để câu khách mà quên khai thác nội dung phù hợp với từng chương trình, dẫn đến tình trạng tấu hài vốn nhạt nhẽo lại càng nhàm chán khi những nội dung cứ na ná nhau. Chính vì các gameshow luôn muốn thu hút khán giả về phía mình nên việc “đặt hàng” các tên tuổi “hot” trong làng hài luôn được các nhà đài đặt lên hàng đầu.

Hệ quả là các gương mặt quen thuộc xuất hiện “nhẵn mặt” trong các gameshow. Trấn Thành thường tung hứng cùng Việt Hương trong các gameshow Thách thức danh hài, Đàn ông phải thế, Ơn giời! Cậu đây rồi, Cười xuyên Việt... Các nghệ sĩ hài Hoài Linh, Trường Giang, Thu Trang... cũng xuất hiện với mật độ dày đặc trên truyền hình. Bên cạnh đó, các gương mặt mới dù chưa có năng lực chuyên môn nhưng vẫn tranh thủ “chen chân” lên sóng khiến những câu chuyện hài hước trở nên nhạt nhẽo, vô duyên và khiên cưỡng.

NSƯT Hồng Vân từng thẳng thắn đưa ra nhận định: “Gameshow, nhất là những gameshow hài đang giật văn hóa, giật thẩm mỹ xuống đến mức lệch lạc, lệch hướng khiến chúng tôi là người vừa quản lý, vừa trực tiếp tham gia gameshow đó cũng bị mất phương hướng”.

Ví dụ như ở Cười là thua, thay vì mang đến tiếng cười sảng khoái cho người xem qua lối diễn xuất hài hước, vui nhộn, các nghệ sĩ trong gameshow lại chọc cười bằng lời nói, cử chỉ sinh lý, nhảm nhí. Những tình huống như nghệ sĩ hài Thúy Nga massage bằng cách leo thẳng lên người khán giả, Thúy Nga và Thu Trang trét bánh kem lên mặt một khán giả được chọn làm bạn diễn để chọc cười... gây phản cảm khiến không ít khán giả truyền hình lắc đầu chuyển kênh. Hay với Trấn Thành thường xuyên vấp phải sự cố “lỡ lời” trên sóng truyền hình khiến những yếu tố hài trở nên thô thiển, dung tục và mất dần hình ảnh của mình trong mắt khán giả. Điều dễ thấy nhất, kịch bản hài khan hiếm là một trong những yếu tố gây nên sự “khủng hoảng” cho hài kịch truyền hình hiện nay.

Mỗi lần quay, các đơn vị sản xuất đều tranh thủ sản xuất từ 5-7 chương trình, thậm chí có ngày quay cả 10 chương trình cho 10 số. Bởi vậy, sự đầu tư của họ không còn nhiều như trước. Chính vì thế, nghệ sĩ dường như “cụt” vốn, và các sản phẩm của họ gần như không còn chất lượng nữa. Khán giả liên tục bị “bội thực” bởi những màn ôm hôn phản cảm phát trên sóng truyền hình trong Ơn giời! Cậu đây rồi.

Thậm chí, trong tập 4, khi hóa thân thành ma cà rồng, Trấn Thành chẳng ngần ngại ôm hôn, thậm chí “đè” ca sĩ Phương Trinh Jolie xuống để hôn khiến khán giả truyền hình cả nước được một phen nóng mắt. Một chương trình truyền hình thực tế, đối tượng xem không chỉ người lớn mà còn có các em nhỏ, vì thế, nên chăng, cần có một sự tiết chế nào đó trong khi diễn để mang lại một màn diễn gây tiếng cười văn minh, chứ không phải chắp vá, lợi dụng, vay mượn từ chiêu trò như thế này.

Sức hấp dẫn của các gameshow hài trước tiên phải nhắc đến là đáp ứng được nhu cầu giải trí lớn của khán giả. Khi ai cũng căng thẳng chạy theo guồng quay công việc và áp lực mưu sinh, việc được cười thoải mái, thư giãn sau giờ làm việc trở thành nhu cầu cần thiết. Nắm bắt được tâm lý này, các nhà đài đã bắt tay với nhà tổ chức hàng loạt các gameshow hài và dù có nhạt, nhảm thì vẫn đạt mức rating cao. Từ đó, kéo theo thương hiệu quảng cáo cũng đổ xô vào khiến các gameshow trở thành miếng bánh béo bở mà nhà sản xuất nào cũng muốn nhúng tay vào để chia lợi nhuận.

Thế nhưng, điều họ quên mất rằng, họ đã không nhìn lại để biết được tiếng cười đó là tiếng cười như thế nào. Có mang lại giá trị nào không, hay đơn thuần chỉ là những tiếng cười mua vui chốc lát? Và dần dần, hài kịch truyền hình tự nó làm mất đi giá trị của mình cũng như khước từ một sân khấu rộng lớn hơn là hàng triệu người xem.

Gameshow bạo lực: Vũ khí hút khán giả

Gần đây, nhiều gameshow truyền hình còn lôi kéo khán giả bằng những pha bạo lực khiến người xem không khỏi thót tim. Những format chương trình thế này thực sự là con dao hai lưỡi, bởi nó dễ gây kích động trong giới trẻ nếu người xem không có những định hướng đúng đắn. Trong chương trình Song đấu, màn tranh tài Ai lột vỏ dừa nhanh hơn? đã gây tranh cãi mạnh và bức xúc từ khán giả truyền hình.

Ở phần thi này, võ sư Kim Tuấn bị gãy mộtchiếc răng, còn cô gái 16 tuổi Mỹ Linh bị đứt tay khi lột dừa bằng chiếc nầm. Nhiều bình luận của độc giả đều tỏ ra đồng cảm và thán phục trước tài năng của hai thí sinh và phẫn nộ với những tình huống nguy hiểm. “Chỉ vì muốn mua vui cho khán giả, tạo hấp dẫn cho chương trình mà quên đi sự an nguy của người chơi. Tôi thấy khi lột dừa cô bé bị đứt tay, không ai quan tâm tới mũi giáo quá nhọn chĩa lên trời. Nếu không may vấp té có thể nguy hiểm đến tính mạng. Quan điểm của tôi, chương trình thiếu tình người như vậy nên dẹp được rồi” - một khán giả bình luận.

Những “pha mạo hiểm” đánh cược với tính mạng khiến nhiều khán giả truyền hình không khỏi e dè, ái ngại. Bởi lẽ, những tình huống táo bạo này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người xem, đặc biệt là trẻ em.

Và có ý kiến cho rằng, “bạo lực từ các trò chơi, từ phim ảnh và từ những chương trình truyền hình thực tế sẽ góp phần hình thành những nhân cách “côn đồ học đường” đáng báo động...”. Trước đây, màn trình diễn của Tấn Phát uống nhầm axit trên sân khấu Vietnam’s Got Talent khiến anh nhập viện từng làm dư luận dậy sóng. Mặc dù có nhiều tranh cãi cho rằng, sự cố hy hữu này chỉ là chiêu trò đánh lừa khán giả để tạo hiệu ứng nhưng điều đó không cần thiết, bởi đó là sự mạo hiểm đến tính mạng của người chơi và càng nguy hiểm hơn khi trẻ em bắt chước.

Những gameshow hay các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đa số được mua từ các phiên bản quốc tế. Điều này khiến cho nhà sản xuất an tâm phần nào, bởi nó đã có sẵn kết cấu chặt chẽ và có đối tượng khán giả nhất định.

Tuy nhiên, một số chương trình như Người bí ẩn (bản quyền Anh), Vietnam’s Got Talent (bản quyền của Fremantle Media), Song đấu (bản quyền từ chương trình truyền hình Versus của Đan Mạch)... lấy format từ nước ngoài về nhưng dựng lại không phù hợp với văn hóa chuẩn mực của Việt Nam. Bởi việc thay đổi, điều chỉnh theo ý mình phải được sự chấp thuận của đơn vị giữ bản quyền. Từ đó, khán giả truyền hình luôn có những phản ứng khác nhau với những điều chưa quen thuộc và không thuần Việt. Nếu cứ như vậy, chắc chắn một lúc nào đó, khán giả sẽ quay lưng với những gameshow chiêu trò, không mang tính giải trí.

Bởi khán giả ngày càng thông minh và tinh tế, họ không thể cứ thưởng thức những món ăn hời hợt, mang cách chắp vá mãi được. Đã đến lúc, nhà đài nên học cách từ chối những nhà sản xuất chương trình, các công ty tư nhân sản xuất gameshow với mục đích thuần kinh doanh kiếm lợi nhuận. Các cơ quan về quản lý văn hóa cần phải kiểm duyệt nghiêm khắc hơn trước khi để nó phát sóng thay vì cứ “giơ cao đánh khẽ”, bởi điều đó khó làm chùn chân nhà sản xuất khi mà chính những chiêu trò ấy góp phần đem lại cho họ lợi nhuận khổng lồ.

Minh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gameshow truyền hình: Nhạt, nhảm và đầy bạo lực