Với giá chỉ bằng 1/10, dao động ở khoảng 500.000 – 2.500.000 đồng/cây, đào ghép Trung Quốc giả đào Thất thốn của vùng đất Nhật Tân (Hà Nội) đang rất hút khách. Tuy nhiên, không ít cửa hàng lại khá mập mờ với người mua về nguồn gốc giống đào này.
Chỉ còn vài tuần nữa là bước vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thị trường cây cảnh chưng tết trên phố lẫn trên mạng cũng vì vậy mà trở nên sôi động hơn hẳn. Trong đó, nhiều loại đào được rao bán rầm rộ dưới mác đào Thất thốn tiến vua nhưng thực chất, đây là giống đào ghép, được nhập về từ Trung Quốc.
Đào ghép, hay còn gọi là đào mini được trồng trong chậu, cao khoảng 40 - 50cm, thế cây tương đối giống nhau. Cây đào mập mạp, nhiều nhánh, nhiều lộc, dày nụ, hoa nở to. Tuy nhiên, nhiều người trồng đào cho biết đây là đào ghép, chưng tết xong thì không thể trồng lại được.
Theo anh Lê Minh, một chủ cửa hàng cây cảnh trên phố Đào Tấn, loại đào Trung Quốc này có giá dao động từ 500.000 – 2.500.000 đồng/cây, tùy kích thước. “Đào ghép Trung Quốc nhìn khá đẹp mắt, nhiều nụ, nhiều hoa, giá cũng không quá cao như đào Thất thốn xịn nên được nhiều người dân ưa chuộng”, anh Minh nói. Anh cho biết vài năm nay, anh tiêu thụ cả trăm cây đào ghép thế này.
Mức giá của loại đào này là khá cao so với các loại đào truyền thống khác, nhưng so với đào Thất thốn xịn thì giá này kém xa, chỉ bằng khoảng 1/10.
Tuy nhiên, không phải cửa hàng buôn bán cây cảnh nào cũng thẳng thắn cho biết đây là đào ghép Trung Quốc. Nhiều cửa hàng bán đào ghép trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) khi được hỏi đều cho biết đây chính là đào Thất thốn của đất Nhật Tân chứ không phải đào ghép.
Dù vậy, những cửa hàng này lại chỉ bán đào với giá khoảng 1.500.000 - 2.000.000 đồng/cây. Khi người mua thắc mắc về mức giá cũng như hình thức của loại đào này thường không nhận được sự trả lời rõ ràng. Do đó, với nhiều người chưa tìm hiểu kĩ về đào thì rất dễ mua phải hàng Trung Quốc "đội lốt" Nhật Tân xịn.
Ông Lê Hàm, một nghệ nhân trồng khá nhiều đào Thất thốn tại Nhật Tân nhìn qua là biết đây không phải đào Thất thốn chính hiệu, mà là đào nhập từ Trung Quốc. Theo nghệ nhân này, đào Trung Quốc có cánh hoa dày như Thất thốn, nhiều hoa, nhiều nụ nhưng dáng cây không có được vẻ lâu đời, không uốn lượn, nghệ thuật, nhìn không có thần.
“Đào Thất thốn xịn thân to hơn vì tuổi đời hàng chục năm, vỏ xù xì, có màu đen, còn đào ghép thì dáng cây mập mạp, màu trắng xanh, không có sự khỏe khoắn”, ông Hàm nói. Ông cho hay ở Nhật Tân này không ai trồng loại đào này.
Theo ông Lê Hàm, đào Thất thốn Nhật Tân được tôi luyện ít nhất trong 10 năm thì cây mới thành hình, có dáng. Có những cây được chăm sóc lên đến 30, 40 năm, vì thế giá nhiều cây lên tới hàng chục triệu đồng. Để chăm sóc vườn đào này, ông Hàm thậm chí đã phải lắp điều hòa cho cây từ nhiều năm nay.
“Mức giá này không cao vì loại đào này được xem là “hoàng hậu” của các loại đào. Đào Thất thốn xưa vốn chỉ dùng làm “đặc sản tiến vua”, ông Hàm nói.
Bài và ảnh: Lam Thanh