Đầu năm 2019, tình hình tài chính của Tisco lâm vào tình trạng "cực kỳ khó khăn", nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản là hiện hữu.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) mới đây đã công bố tài liệuđể chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội cổ đông sẽ diễn ra vào ngày 10.4 tới.
Báo cáo nhận định tình hình tài chính của công ty đang lâm vào tình trạng "cực kỳ khó khăn", nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản là hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, vốn điều lệ của Tisco tới cuối năm 2018 gần 1.937 tỉ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm khoảng 82% cơ cấu vốn, vốn chủ sở hữu chiếm 18% tổng nguồn vốn. Ban kiểm sát đánh giá nợ phải trả quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu nguồn vốn của công ty là không an toàn.
Ngoài ra, khả năng thanh toán của công ty hiện là 0,7 lần, doanh nghiệp đang trong tình trạng tài chính "đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ đến hạn".
Theo đánh giá thì những khó khăn mà Tisco đang gặp phải, ngoài nguyên nhân phải cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp, phần lớn là do mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.
Lãnh đạo Tisco cho biết, dự án giai đoạn 2 chưa được tái khởi động đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của công ty, uy tín doanh nghiệp giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của người lao động trong công ty.
Dự án này có tổng chi phí đầu tư dự toán ban đầu là 3.843,67 tỉ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104,91 tỉ đồng. Triển khai từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của dự án này tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31.12.2018 là 5.093 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.888 tỉ đồng.
Ngày 20.2.2019 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị Tisco đã thanh toán cho dự án là 4.421,522 tỉ đồng; tổng dự nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896,838 tỉ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.
Tisco đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, 5 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...). Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm chính về những khuyết điểm, sai phạm thuộc Tisco.
Tuy nhiên, trong năm 2019, Tisco vẫn đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 14.219 tỉ đồng, tăng 30% so với thực hiện năm 2018 và mục tiêu lợi nhuận trước thuế 90 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2018.
Tuyết Nhung