Biến một cồn cát có nguy cơ bị nước biển xóa sổ thành khu sinh thái trong 10 năm là hành trình tưởng như “điên rồi” đối với một doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé. Tuy nhiên, anh Vũ Trung Kiên đã làm được điều tưởng chừng không thể đó sau bao sóng gió.
100 vạn tấn đá để khôi phục thắng cảnh cồn Đen
Thắng cảnh Cồn Đen (Thái Thụy – Thái Bình) cách đất liền hơn 3km, là khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận, một trong những cồn biển đẹp nhất miền Bắc. Trước kia, cồn Đen là bãi cát dài ngút ngàn với diện tích hơn 400ha.
Anh Vũ Trung Kiên 10 năm khôi phục cồn Đen, đem lại nguồn lợi lớn cho người dân Thái Thụy (Thái Bình) |
Quyết định đó được cho là “điên rồ” khi nhiều doanh nghiệp lớn cho đến chính quyền tỉnh Thái Bình còn chưa dám đầu tư, trong khi anh chủ doanh nghiệp nhỏ bé Vũ Trung Kiên lại tin chắc mình làm được.
Trong quá trình thi công, mỗi khi ra biển thợ phải đi bằng xuồng, nước triều rút phải lội qua bùn lầy nguy hiểm, mất nhiều thời gian nên anh Kiên nảy ra ý tưởng xây cầu nối đất liền ra cồn Đen.
Nhưng vướng nỗi, khu vực rừng ngập mặn này thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận nên không thể xây một cây cầu bằng bê tông cốt thép. Ý tưởng xây cầu gỗ được cho là phương án tối ưu trong hoàn cảnh đó.
Vì bùn lầy, thợ thi công phải đứng lên mảng xốp mới đóng được cọc. Dần dần, trong 5 tháng thi công, cây cầu hoàn thành trong niềm phấn khởi của nhiều người. Có thời điểm, anh Kiên thuê đến 400-500 nhân công làm cho mình.
Công trình kè chắn sóng gần 10 năm trời của anh Kiên |
Sợ giống trôi nổi, anh Vũ Trung Kiên lại đầu tư cơ sở nuôi ngao giống đầu tiên ở Thái Bình cung cấp cho người dân.
Vợ chồng từng gần như li dị suốt 5 năm
Khi mới làm, anh Kiên mong có được sự ủng hộ từ gia đình nhưng thất bại. Khi làm, anh lấy hết lợi nhuận từ công ty thủy sản để đầu tư, vì thế vợ anh phản đối, trong 5 năm trời gần như ly hôn nhau.
Nhưng nghĩ là làm, anh đã huy động 100 người ra cồn Đen, lo chỗ nằm, nghỉ ngơi cho anh em xong, chỉ được 1 ngày, chỗ ăn nghỉ đã bị sóng biển đánh trôi, kể cả quần áo, lương thực, giày dép. Phải mất 8 tháng trời ăn ở, anh Kiên cùng làm với thợ ở công trường mới xây xong kè chắn sóng, thợ mới có chỗ dựng lán.
Khó khăn tiếp theo là từ biển. Những viên đá đầu tiên đặt xuống, sau một đêm đã bị sóng cuốn trôi ra biển. Công “dã tràng” sau một thời gian, anh Kiên mới lấn biển được.
Cồn Đen vẫn tiếp tục thi công các hạng mục còn lại |
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Khôi – Bí thư xã Thái Đô (Thái Thụy – Thái Bình), ông Khôi cho rằng, việc anh Vũ Trung Kiên dám bỏ tiền túi đầu tư vào cồn Đen là hết sức can đảm và có tầm nhìn xa. Dự án đã đem lại bộ mặt mới cho cồn Đen, khôi phục cảnh quan đẹp, hàng phi lao chắn cát, chắn bão, ngăn được nước biển xâm thực lại vừa tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.
Hoàng Long