Ông Văn Đình Thành - 67 tuổi, ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đang là chủ nhân của bộ sưu tập đá cổ với 10.000 hiện vật của người Việt tiền sử, gồm các chủng loại phục vụ lao động sản xuất, vũ khí, nhạc cụ…

Gặp người sưu tập 10.000 đá cổ: Chứng tích người tiền sử ở Tây Nguyên

06/05/2020, 21:06

Ông Văn Đình Thành - 67 tuổi, ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đang là chủ nhân của bộ sưu tập đá cổ với 10.000 hiện vật của người Việt tiền sử, gồm các chủng loại phục vụ lao động sản xuất, vũ khí, nhạc cụ…

Ông Thành có duyên nợ với hiện vật đá cổ từ “cục đá đầu tiên” vào năm 1990

Những cục đá bí ẩn

Mùa khô năm 1990, tại làng Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy), cách vị trí hợp lưu giữa 2 dòng sông Pô Kô và Đăk Bla vài km, người phụ việc đãi vàng chạy vào lán trại đưa cho ông Văn Đình Thành (thế hệ thứ 2 trong gia đình làm nghề chế tác kim hoàn ở thành phố Kon Tum) một cục đá có hình dáng kỳ lạ, được phát hiện khi xổ máng (là khâu quan trọng của việc đãi vàng).

Cục đá có hình trụ, dày khoảng 5 cm, đường kính gần 15 cm, bo tròn 2 cạnh, ở giữa có đục lỗ, nằm trong lớp đất sét pha cuội nhỏ dưới độ sâu gần 3m so với mặt nước sông. Bị ấn tượng bởi hình thù tròn đều, sắc sảo và nghi ngờ không phải đá tự nhiên, ông Thành mang cục đá về nhà.

Gần một năm từ khi phát hiện cục đá đầu tiên, những người phụ việc đãi vàng liên tục báo với ông đã tìm được rất nhiều cục đá có hình dáng kỳ lạ tương tự (cứ 10 m2 lại tìm được vài cục), ông Thành quyết định thu giữ lại những cục đá này bằng cách đổi thuốc tây và quần áo, hoặc trả tiền cho những người phụ việc đãi vàng; đồng thời, ông cũng tìm kiếm thông tin về những cục đá kỳ lạ đó.

Đến năm 1997, ông Thành sưu tập được gần 2.000 cục đá với nhiều hình dáng khác nhau, nhưng vẫn không tìm được đáp án cho những câu hỏi: “Cục đá là đá tự nhiên hay do con người tạo ra?”, “Làm sao có thể tạo hình cục đá và đục lỗ tròn đều, sắc cạnh như vậy?”, “Nếu do con người tạo ra, cục đá có công dụng gì?”.

Chứng tích người tiền sử ở Tây Nguyên

Năm 1999, Bảo tàng tỉnh Kon Tum biết được thông tin về những cục đá có hình dáng kỳ lạ tại Lung Leng được người dân và ông Thành tìm thấy, liền tổ chức thị sát Lung Leng và gửi mẫu đá ra Hà Nội để giám định niên đại.

Ngay sau đó, PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử - Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá cùng các cộng sự tại Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã vào Kon Tum và làm việc tại nhà ông Thành suốt 7 ngày liên tục.

Vừa nghiên cứu vừa phân loại, PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử xác định đây là những công cụ làm bằng đá gắn liền với cuộc sống, lao động sản xuất và sự phát triển của dân tộc Việt tiền sử sống tại Tây Nguyên qua các thời đại hậu kỳ đá cũ, hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí cách 2-4 ngàn năm đến cả vạn năm trước.

Còn “cục đá đầu tiên” của ông Thành được nghi ngờ là công cụ đánh bắt cá của người Việt tiền sử (những cục đá được xỏ vào 1 đoạn dây thả dưới sông, nước chảy khiến cho các cục đá va vào nhau phát ra tiếng kêu, dọa cá bơi vào một khu vực để dễ đánh bắt), hoặc có thể là công cụ để trồng trọt (lỗ tròn giữa cục đá chính là nơi cắm cán gỗ xuyên qua, cục đá được cố định ở vị trí đầu cán gỗ, người Việt tiền sử cắm cán gỗ xuống đất nhờ sức nặng của cục đá để tạo lỗ, sau đó bỏ hạt giống vào chính lỗ này để trồng).

Ông Thành cho biết: Lúc đó, ông vỡ òa cảm xúc như mở được cánh cửa khóa chặt suốt 9 năm trời. Thông tin về bộ sưu tập hiện vật đá cổ mà ông đang sở hữu, các giá trị về niên đại, về văn hóa, khoa học và lịch sử khẳng định, ông đang có bộ sưu tập độc nhất vô nhị, không chỉ ở Tây Nguyên mà ở cả Việt Nam (vào thời điểm đó). Đây là điều đáng trân trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với ngành Khảo cổ học Việt Nam, là bằng chứng quan trọng cho việc khảo sát ban đầu để tiến hành việc khai quật vùng đất Lung Leng.

Ông Thành đang sở hữu bộ sưu tập khoảng 10.000 hiện vật đá cổ thuộc các Di chỉ Khảo cổ học ở Kon Tum

Khơi nguồn đam mê đá cổ

Sau đó, Di chỉ Lung Leng được tổ chức khai quật. Ông Thành bắt đầu lên internet để tìm đọc các tài liệu, bài viết liên quan về ngành Khảo cổ học. Niềm đam mê với khảo cổ học và các hiện vật đồ đá với niên đại hàng nghìn năm trong ông ngày càng lớn.

Trong thời gian PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử cùng các cộng sự tiến hành việc khai quật tại Lung Leng, ông Thành cũng tham gia để quan sát và chụp hình; đồng thời, tiếp tục công việc sưu tập các hiện vật đá cổ ở những khu vực ngoài Lung Leng, như: sông Sê San tại Ya Ly, thượng nguồn sông Pô Kô (khu vực của Di chỉ khảo cổ học Plêi Krông).

Đến năm 2006, ông Thành đã sưu tập được khoảng 10.000 hiện vật đá cổ thuộc các chủng loại về lao động sản xuất, vũ khí, nhạc cụ… từ các khu vực lân cận Lung Leng. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia ở Viện Khảo cổ học Việt Nam, ông Thành cũng phân loại, phục dựng và tái hiện được rất nhiều công cụ làm bằng đá của người Việt tiền sử.

Hiện nay, dù tuổi đã cao, ông Thành vẫn không ngưng việc sưu tập các hiện vật đá cổ, đặc biệt là các hiện vật đàn đá. Ông mong muốn, trong thời gian sắp tới sẽ xây dựng một khu trưng bày các hiện vật đá cổ - chứng tích của người Việt tiền sử ở Tây Nguyên, gắn liền với văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Kon Tum để giới thiệu về lịch sử con người, vùng đất Kon Tum và phát triển du lịch cộng đồng.

Nhật Quân - Đức Thành/ Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp người sưu tập 10.000 đá cổ: Chứng tích người tiền sử ở Tây Nguyên