Thuộc lứa vận động viên đầu tiên của đất nước, bà Nguyễn Hoàng An chính là người đem về tấm huy chương quốc tế đầu tiên cho thể thao Việt Nam - huy chương đồng môn bơi lội năm 1963 dù bà là VĐV… điền kinh.
Giữ kỷ lục quốc gia tuổi 15
Thời gian, đối với người qua tuổi thất thập luôn là niềm đau đáu. Sau nhiều năm chạy đua với thời gian trên đường piste, bà Hoàng An cho rằng không thể nào chiến thắng được thời gian, nhưng ta có thể chiến thắng được chính mình khi rút ngắn số giây đếm đồng hồ.
Sinh năm 1944 tại Hà Nội, hơn nửa thế kỷ chứng kiến biến thiên thời gian, đổi thay chóng mặt của đất và người, cho đến giờ bà vẫn gắn bó với mảnh đất này. Bà Hoàng An được biết đến là lứa vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam cùng với những “cây đa cây đề” như Cao Thị Thịnh, Trần Hữu Chỉ, Bùi Đình Đắc, Vũ Mộng Thư, Nguyễn Viết Trung…
HLV Hoàng An cùng tấm ảnh kỷ niệm khoảnh khắc giành huy chương quốc tế đầu tiên cho thể thao Việt Nam - ảnh Trí Lâm |
Một bất ngờ lớn đã diễn ra, bà Hoàng An giành chức vô địch, chiến thắng cả những anh chị học sinh cấp 3 trong cả hai nội dung là điền kinh và nhảy xa. Đến năm 1960, bà Hoàng An cũng chính là người nắm giữ kỷ lục môn nhảy xa quốc gia với thành tích 4m60. Khi đó, bà Hoàng An mới tuổi 15 trăng rằm.
Với thành tích đó, bà Hoàng An lọt vào mắt xanh của những người “tuyển trạch”, bà được gọi lên tuyển và hình thành nên đội vận động viên đầu tiên của Việt Nam do ông Bùi Tử Liêm huấn luyện.
HLV Hoàng An (phải) và tác giả |
“Mới hôm rồi tai nạn, lặc mấy hôm nhưng giờ sắp khỏi rồi. Nếu không có thể thao thì giờ chắc nằm liệt giường cũng nên” – bà tếu táo cho hay.
Sư phụ của hầu hết “kỷ lục gia” điền kinh
Bên cạnh thành tích thi đấu đáng nể, bà Nguyễn Hoàng An còn là môt huấn luyện viên “mát tay” tâm huyết và có trình độ chuyên môn rất cao. Không phải bỗng dưng mà các học trò của bà đều nắm giữ hầu hết kỷ lục quốc gia, quốc tế ở môn điền kinh.
HLV Hoàng An cùng đội vận động viên điền kinh Hà Nội vừa thi đấu - ảnh nhân vật cung cấp |
Bên cạnh đó, trong công tác huấn luyện thể lực cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, bà Hoàng An cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần vào tấm huy chương vàng đầu tiên năm 2001 cho đội tuyển.
Bà Hoàng An còn nhớ rõ, khi đội bóng đoạt huy chương vàng trên đất Thái Lan trở về, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đích thân ra sân bay đón, khiến đoàn vinh dự và tự hào vô cùng.
Vừa vén sợ tóc bạc bay ngang tầm mắt bà vừa tâm sự, thế hệ của bà thi đấu không ai màng đến kim tiền vật chất, chỉ cống hiến hết mình cho lý tưởng, màu cờ sắc áo, danh dự và sự tự trọng. Bà muốn các học trò của mình cũng nên suy nghĩ như vậy, nhất là trong thời đại nhiều cám dỗ hiện nay.
“Cứ cống hiến hết mình đi, cứ “hiến tài” trước đi, không ai phụ công người nỗ lực cả” – bà luôn nhắc học trò như vậy.
“Nữ hoàng điền kinh” Vũ Bích Hường trong những tháng ngày khó khăn nhất cuộc đời cũng nhận được nhiều sự trợ giúp từ bà và bộ môn, chị Hường cho hay “bà như người mẹ của mình, cũng như mẹ của rất nhiều học trò khác”.
Cho đến bây giờ, nghỉ hưu đã gần 20 năm nhưng bà Hoàng An vẫn được mời tham gia cố vấn, huấn luyện cho nhiều đội tuyển điền kinh. Trước kia, khi còn dẻo dai, bà liên tục thị phạm những động tác khó, kỹ thuật phức tạp cho các vận động viên. “Cả đời gắn bó với thể thao, dốc lòng vượt qua giới hạn nên thể thao dạy mình vượt qua chính mình, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống” – bà Hoàng An kết luận.
Những kỷ niệm khó quên
Chuyện trò với bà Hoàng An, tưởng chừng không gì có thể khiến người phụ nữ này hết hăng say bởi một bầu nhiệt huyết của lửa nghề, lửa đời luôn sôi sục. Nở nụ cười tươi, đuôi mắt nheo lộ rõ sự phúc hậu, bà kể về những buồn vui trong đời huấn luyện của mình.
Kỷ niệm lần tập huấn tại Trung Quốc - ảnh nhân vật cung cấp |
Trong trận gặp Myanmar ở SEA Games năm 2001, các cầu thủ nữ xuất thân từ cảnh sát hoàng gia Myanmar với thể hình, thể lực áp đảo, lại có võ khiến các cô gái VN đối phó vất vả nhưng VN vẫn giành chiến thắng với nhiều lần bị đốn gục trên sân.
Trận chung kết, Việt Nam tiếp tục vượt qua Thái Lan với 2 hiệp chính, 2 hiệp phụ và đá luân lưu đến quả thứ 7. Thể lực đó hoàn toàn do công sức huấn luyện của bà, tình đoàn kết nội bộ đội tuyển cũng do bà điều chỉnh, hòa giải.
Còn một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời huấn luyện của bà, đó là SEA Games năm 1995, khi học trò “cưng” của bà là Vũ Thị Bích Hường đang băng băng trên đường piste, bà lén chạy xuống gần sân thi đấu với hình ảnh lá cờ Tổ quốc nhằm động viên cô. Hường bứt tốc và nhanh chóng chiến thắng vận động viên huyền thoại của Philippine và giành Huy chương vàng cho điền kinh Việt Nam – một tấm huy chương cũng thuộc dạng “huyền thoại”.
Từng là Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Hà Nội, Phó chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, bà Hoàng An hiện nay về hưu, là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và tổ trưởng dân phố được bà con hết sức yêu mến.
Bà trăn trở điền kinh ngày càng có nhiều thành tích, thể thao ngày càng lớn mạnh là điều rất đáng mừng. Nhưng đời sống của vận động viên khi giải nghệ còn nhiều khó khăn và thiệt thòi, nên chăm sóc và có trách nhiệm với những cống hiến của họ.
“Bởi “nghề” vận động viên là nghề cực kỳ vất vả và nguy hiểm” - bà trầm giọng tâm sự.
Trí Lâm