Geisha, những ca kỹ giỏi đàn hát, nhảy múa góp vui, cũng là biểu tượng đẹp trong văn hóa truyền thống Nhật Bản, nay lại đứng trước một bước chuyển thú vị. Do ảnh hưởng đại dịch toàn cầu, đang có một làn sóng geisha ‘số hóa’, khi nghệ thuật ca vũ được chiêm ngưỡng qua ứng dụng gọi video trực tuyến.

Geisha Nhật Bản hành nghề trực tuyến trong mùa dịch COVID-19

29/06/2020, 07:00

Geisha, những ca kỹ giỏi đàn hát, nhảy múa góp vui, cũng là biểu tượng đẹp trong văn hóa truyền thống Nhật Bản, nay lại đứng trước một bước chuyển thú vị. Do ảnh hưởng đại dịch toàn cầu, đang có một làn sóng geisha ‘số hóa’, khi nghệ thuật ca vũ được chiêm ngưỡng qua ứng dụng gọi video trực tuyến.

Nữ ca kỹ Chacha thể hiện điệu múa truyền thống, phục vụ những khán giả trong một ‘buổi tiệc rượu’ trực tuyến.

Nữ ca kỹ người Nhật nghệ danh ‘Chacha’ ngồi khoan thai với đôi chân xếp gọn sau đầu gối. Từng ngón tay chụm lại, đặt thẳng trên mặt sàn gỗ, cô cúi đầu duyên dáng, chào nhóm khán giả đang quan sát cô trong khi ngồi cách đấy hàng trăm cây số.

Dưới ánh đèn chiếu sáng từ thiết bị điện tử, người nghệ sĩ 32 tuổi trình diễn một điện vũ truyền thống, động tác tạo hình mềm mại như cánh bướm, trong khi điệu nghệ xoay chuyển phụ kiện là chiếc quạt nhỏ trong tay.

Nhìn ngắm phần biểu diễn của Chacha, theo truyền thống thường là những người đàn ông lớn tuổi giàu có, ngồi trong một phòng trà cổ điển lót thảm dệt tatami trang trọng.

Thế nhưng giờ đây, khán giả trông thấy Chacha qua màn hình chiếc máy tính lại đa dạng hơn thế: từ một phụ nữ trẻ ngồi cô đơn với ly rượu trong tay, đến một gia đình đông đúc với những thành viên nhỏ tuổi tò mò quan sát mọi chuyển động của người ca kỹ.

“Các bạn ở nhà vẫn khỏe chứ?” Chacha hỏi thăm những khán giả của cô. “Lúc này tôi chơi ‘Animal Crossing’ *(tựa game trực tuyến đa người chơi đặc biệt được ưa chuộng trong mùa dịch) thường xuyên khi chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp”.

Giữa lúc nước Nhật tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng dai dẳng từ cơn đại dịch, “tình trạng khẩn cấp” được ban bố sau khi bảng thống kê số ca nhiễm virus corona đạt đến đỉnh điểm mới đây, điều đang khiến hàng loạt hoạt động vui chơi giải trí về đêm, kể cả những buổi tiệc trà – buổi biểu diễn geisha, tạm ngưng.

Không như ấn tượng sai lệch của văn hóa phương Tây, geisha không phải phụ nữ bán hoa. Theo truyền thống, ca kỹ geisha là những nghệ sĩ trình diễn, nghệ nhân mua vui cho đám đông bằng kỹ năng biểu diễn, cụ thể thông qua vũ đạo, âm nhạc và trò chơi cổ truyền.

Geisha xếp hàng trình diễn trong khuôn khổ một lễ hội truyền thống tại Kyoto.

Hầu như toàn bộ chương trình biểu diễn thể hiện bởi geisha – ca hát, nhảy múa, chơi nhạc trong không gian phòng trà, phòng kịch vốn khá chật hẹp, làm vui lòng khách bằng lối trò chuyện sắc sảo và những tuần rượu sake được rót đều đặn – không thật phù hợp với quy định giãn cách xã hội hiện thời trong giai đoạn dịch bệnh.

Thực tế này gây khó khăn cho những geisha chuyên nghiệp như Chacha, người phải chứng kiến khoảng thu nhập hằng tháng bất chợt biến mất, và đành chấp nhận sống bằng tiền trợ cấp chính phủ.

“Thông thường, chúng tôi rất bận rộn vào tháng 4, 5 và 6”, cô chia sẻ. “Nhưng năm nay, không có một buổi tiệc nào được tổ chức, hoàn toàn không”.

Dịch vụ ‘bán nghệ’ qua internet trở thành biện pháp ‘cứu cánh’ tạm thời vì lẽ đó.

Hoạt động này bắt nguồn từ một dự án có tên ‘Meet Geisha’ – với mục đích ban đầu để tạo ‘cầu nối’ thưởng thức nghệ thuật thuận tiện, ít ghò bó hơn cho một số du khách không thể đến xem những geisha biểu diễn trực tiếp.

Ra mắt từ năm ngoái bởi một công ty công nghệ thông tin, ‘Meet Geisha’ lúc ấy chỉ được xem là một sản phẩm dự phòng dùng cho mùa du lịch đông khách, đặc biệt đối với kỳ thế vận hội Olympics Tokyo (sự kiện nay phải tạm hoãn). Khủng hoảng đại dịch toàn cầu, tuy nhiên, đã làm gián đoạn làn sóng du lịch quốc tế. Hãng công nghệ, vì thế, cần tìm những lựa chọn thay thế.

Họ trao đổi với cộng đồng ca kỹ tại Hakone, thị trấn suối nước nóng cách thủ đô Tokyo 80 km, về sản phẩm công nghệ nói trên. Đây là tiết lộ của quản lý dự án, Tamaki Nishimura.

“Họ không ngại đối diện thử thách mới, không nhất thiết bị lệ thuộc vào phong cách truyền thống”, Nishimura cho biết.

Chacha luyện tập trước cho một ‘buổi tiệc’ online cùng những vị khách của cô.

Trong khi văn hóa geisha chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ lịch sử nơi bắt nguồn – cố đô Kyoto, nhiều cộng đồng ca kỹ khác đã xuất hiện và hoạt động khắp nước Nhật. Riêng ở Hakone, có khoảng 150 geisha đang làm nghề.

“Nếu không nhờ những ca kỹ tại Hakone, tôi chắc đã không thể vận hành dịch vụ trực tuyến này”, quản lý Nishimura nói.

Chacha thừa nhận, lúc đầu cô thấy bối rối trước ý tưởng biểu diễn qua màn hình camera – bản thân cô không có máy tính cá nhân. Chacha chỉ sở hữu một iPad nhỏ. Cô nói, thậm chí ban đầu cô cũng không biết phải mở máy tính ra sao.

“Tôi từng đặt một dấu hỏi lớn trong đầu”, nữ nghệ sĩ bày tỏ.

Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ từ nhóm Nishimura, Chacha cùng một số đồng nghiệp khác nay đã có thể tiếp tục trình diễn những môn nghệ thuật truyền thống, nay thông qua hình thái mới mẻ hơn - ứng dụng gọi video trực tuyến Zoom.

Những buổi diễn qua internet giúp người ca kỹ có thêm thu nhập, bên cạnh đó, cũng là cách để geisha mở rộng thị phần khán giả.

“Một trong những mục tiêu của dịch vụ là nhằm thu hút thêm những khách hàng mới, trẻ tuổi hơn, vì mức giá xem biểu diễn rẻ hơn so với truyền thống”, Nishimura nhận định. “Có lần chúng tôi gặp gỡ một nhóm 8 bạn trẻ đến từ Hàn Quốc. Họ mua dịch vụ biểu diễn như món quà sinh nhật cho người bạn trong nhóm. Đấy là một trong nhiều cách khác nhau để thưởng thức loại hình trình diễn truyền thống, điều trước đây chúng tôi không thể ngờ đến”.

Màn trình diễn của nhóm geisha trong một nhà khách, nơi những vị khách vừa dùng bữa, vừa thưởng thức nghệ thuật biểu diễn.

Michiko Maeda, 65 tuổi, một trong những khách hàng trực tuyến của Chacha, cho biết, biểu diễn nghệ thuật theo cách thức mới mẻ đã tạo động lực khiến bà muốn tìm tòi, trải nghiệm nhiều hơn văn hóa giải trí truyền thống Nhật Bản.

“Tôi nghĩ nhiều người không cho rằng xem geisha trình diễn là thú vui dành cho phụ nữ”, bà nói. “Nhưng một khi bạn hiểu, phụ nữ cũng có thể thưởng thức hoạt động giải trí này, khởi đầu qua internet, tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều du khách muốn đến thăm quan những phòng trà geisha trong tương lai”.

Chacha hiểu rõ, công nghệ hiện đại “cho phép người nước ngoài và bất kì ai không thể trực tiếp đến Hakone”, xem cô trình diễn. Tuy nhiên, cô luôn hy vọng sẽ được trở lại làm việc bên trong không gian phòng trà truyền thống khi điều kiện cho phép.

“Ngày nào đó tôi muốn những khán giả ấy đến đây, xem trực tiếp buổi biểu diễn và tương tác thật sự cùng chúng tôi”, cô bày tỏ. “Đó là mong ước thật sự của tôi”.

Như Ý (SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Geisha Nhật Bản hành nghề trực tuyến trong mùa dịch COVID-19