Loại gel dính do các nhà khoa học Mỹ bào chế có thể bịt kín vết thương hoặc vết loét trên bề mặt mắt, loại bỏ sự cần thiết phải cấy ghép mô hiến tặng nhờ chứa các hợp chất được kích hoạt bằng ánh sáng, không chỉ che đi khiếm khuyết mà còn góp phần tái tạo mắt.
Theo Science Advances, các nhà khoa học Mỹ ở Đại học Harvard đã bào chế được một loại gel dính có thể bịt kín vết thương hoặc vết loét trên bề mặt mắt, loại bỏ sự cần thiết phải cấy ghép mô hiến tặng. Gel có chứa các hợp chất được kích hoạt bằng ánh sáng, không chỉ che đi khiếmkhuyết mà còn góp phần tái tạo mắt.
Gel trong suốt và ở dạng sền sệt trong ống nhỏ giọt hoặc ống tiêm, nhưng khi tiếp xúc với ánh sáng xanh trong một thời gian ngắn, nó cứng lại cho phép các tế bào ăn liền vào giác mạc tự nhiên và tạo thành một lớp cực giống với mô tự nhiên của giác mạc và có hình dạng của mắt. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên động vật, loại gel ở nồng độ 20% đã khắc phục được các khuyết tật giác mạc có kích thước 3mm. Sau đó, gel được chiếu xạ trong 4 phút.
Ngay hôm sau, dấu vết viêm mắt đã biến mất, còn vị trí của khuyết tật đã được bao phủ hoàn toàn bởi gel cứng có hình dạng của giác mạc tự nhiên. Dần dần, các mô mắt đã được tái tạo. Theo các nhà khoa học, họ sẽ sớm bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng công nghệ mới này.
Các số liệu thống kê cho thấy trên toàn thế giới, chấn thương giác mạc là nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thị lực, với hơn 1,5 triệu trường hợp mù giác mạc mỗi năm. Một số người bệnh cần ghép giác mạc nhưng họ phải đối mặt với nguy cơ biến chứng sau ghép như nhiễm trùng hoặc bị đào thải vật liệu hiến.
Vũ Trung Hương