Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6, tối 12.11, trên sông Maspero (tên khác là sông Trăng), Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôi Protip (thả đèn nước), trình diễn đèn nước và ghe Cà Hâu.
Du lịch

Ghe Cà Hâu, đèn nước lung linh đêm hội sông Trăng

V.K.K - Lương Xuân Cao 12/11/2024 21:40

Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6, tối 12.11, trên sông Maspero (tên khác là sông Trăng), Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôi Protip (thả đèn nước), trình diễn đèn nước và ghe Cà Hâu.

ca-hau-lao.jpg
Tương truyền chiếc ghe Cà Hâu này được mua từ Lào đem về vào năm 1802 - Ảnh: Lương Xuân Cao

Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh.

Về nghi lễ thả đèn nước, theo truyền thuyết Phật giáo, người Khmer Sóc Trăng tổ chức thả đèn nước dưới sông để cúng dấu chân còn lưu lại của Đức Phật trên sông Na Mi Thi hoặc làm mô hình tháp Mô La Mu Ni - nơi cất giữ búi tóc của Phật Thích Ca trên thượng giới. Nghi lễ này mang ý nghĩa Đức Phật hạ giới độ trì chúng sinh, còn người dân thì tạ lỗi với thần Đất và thần Nước vì đã bị làm ô uế qua quá trình sản xuất trong năm.

ca-hau-3.jpg
Đèn nước được mô phỏng theo kiến trúc chánh điện chùa, tháp Khmer - Ảnh: L.X.C

Thả đèn nước là hành vi mang tính thiêng hóa nguồn nước, thể hiện một sắc thái văn hóa, trong đó hàm chứa giá trị văn hóa dân gian mang tính nhân văn qua văn hóa ứng xử với nguồn nước, đồng thời phản ánh tính chất đặc thù của nền văn minh lúa nước, gắn chặt với tự nhiên bởi thiên nhiên vừa là nơi che chở, vừa là nơi nuôi dưỡng sự sống của mọi người, góp phần tăng cường ý thức của mọi người trong đó có người Khmer Sóc Trăng trong việc bảo vệ nguồn sống của cộng đồng.

Nghi lễ thả đèn nước trong lễ Óoc Om Bóc là hình thức mà người dân muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với thiên nhiên mà cụ thể là thần Nước, thần Đất. Đồng thời cầu xin sự tha thứ của các thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến đất, nước, đến môi trường xung quanh.

Ngày xưa, đèn nước thường được mỗi gia đình làm đơn giản bằng thân và bẹ chuối có gắn vài cờ đuôi nheo, chung quanh cắm đèn cầy (nến), nhang (hương) và các vật cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo, muối… rồi thả trôi theo dòng nước sau khi thực hành nghi thức đút cốm dẹp. Dần dà, nghi thức thả đèn nước ít được thực hiện tại nhà mà được tổ chức tập trung tại chùa. Lúc này, đèn nước được làm khung như một chiếc kiệu bằng cây, sau đó đặt các thức cúng như lúa gạo, mắm muối, thịt, trái cây… lên trên, xem đây là lễ vật để tạ ơn thần Đất, thần Nước. Sau nghi thức lễ cúng Trăng, đèn nước được rước một vòng phum sóc hoặc sân chùa với sự hộ tống của đội múa trống Sa-dăm và người trong phum sóc, rồi đặt trước chùa. Tiếp đến, các vị sư mang nhang, đèn đến cắm vào chiếc đèn nước và tiến hành nghi thức thả đèn bằng những câu tụng của các vị Achar với nội dung thể hiện lòng tạ ơn Mặt Trăng, thần Đất, thần Nước đã giúp đỡ cho con người được sinh tồn đến hôm nay và mong tha thứ lỗi lầm do đã làm ô uế đất, nước trong quá trình sản xuất. Sau đó, mọi người cùng rước đèn nước ra ao trong chùa hay con kênh, rạch ở gần chùa để thả cho đèn trôi theo dòng nước.

ca-hau-2.jpg
Ghe Cà Hâu thường làm bằng gỗ độc mộc, có chiều dài và trang trí đèn hoa rực rỡ - Ảnh: V.K.K

Ngày nay, lễ nghi và đồ cúng trên đèn nước vẫn như ngày xưa, chỉ khác về hình thức là những chiếc bè, kiệu nay được làm mô phỏng theo kiến trúc chánh điện chùa, tháp Khmer và được trang trí rực rỡ, lộng lẫy bằng hoa lá, giấy kiếng bóng và những dây đèn chớp đủ màu, góp phần làm cho chiếc đèn nước tăng thêm nét thẩm mỹ, sinh động, lung linh trên mặt nước…

Cũng trên dòng sông Maspero, bên cạnh những chiếc đèn nước lung linh còn có sự xuất hiện của những chiếc ghe Cà Hâu mang hình dáng độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách gần xa.

Theo các cụ cao niên, ghe Cà Hâu (tên khác là Ka hâu) được hiểu là ghe hầu, loại thuyền độc mộc sử dụng cho các vị cao tăng đi tụng kinh, dùng cho Thượng tọa, Đại đức, người có uy tín ngồi và chỉ đạo các đội ghe thi đấu trong các cuộc đua ghe ngo. Ngoài ra, ghe Cà Hâu còn dùng để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ, tiếp hậu cần cho đội ghe ngo trong những cuộc đua. Ghe Cà Hâu ngày xưa cũng được cho là ghe chở cơm phục vụ vận động viên và là ghe chỉ huy các đội ghe.

ca-hau-4.jpg
Đèn nước mang hình dáng ngôi chùa - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ghe Cà Hâu được làm từ thân cây to khoét rỗng. Mỗi chiếc ghe Cà Hâu có kích thước khác nhau, tùy theo kích thước của thân cây nguyên liệu làm nên nó. Ghe thường có chiều dài từ 15 - 20m, rộng từ 1,5 - 2m.

Ghe Cà Hâu có 4 phần chính: thân, mui, mũi và đuôi ghe. Phần thân ghe làm từ cây gỗ to; phần mui ghe có trụ đỡ và các mảng vách gỗ ghép lại, có cửa trước, cửa sau và cửa sổ hai bên hông. Mũi ghe Cà Hâu tương tự như mũi ghe ngo với hình dáng cong vút, nhô cao, nhưng có phần rộng rãi và cứng cáp hơn. Phần đuôi ghe được gắn thêm bánh lái để điều khiển, hỗ trợ cho tay chèo.

Cũng như ghe ngo, ghe Cà Hâu được trang trí với nhiều họa tiết, hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer. Người được chọn thực hiện công việc này thường là những người có đôi tay tài hoa, có nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu về văn hóa truyền thống. Ghe Cà Hâu là hình ảnh đại diện cho tư duy thẩm mỹ của mỗi ngôi chùa. Do đó, trên chiếc ghe thường được trang trí hình ảnh biểu trưng của nhà chùa. Thời gian vẽ trang trí cho một chiếc ghe Cà Hâu thường kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng. Mỗi chi tiết đều được người thợ chăm chút tỉ mỉ. Sự kết nối giữa những nét vẽ thanh, đậm, sự phối hợp hài hòa giữa các màu sắc làm nên vẻ đẹp rực rỡ cho chiếc ghe. Ghe Cà Hâu không chỉ là phương tiện chuyên chở mà còn là một công trình nghệ thuật, thể hiện tài năng, chứa đựng tâm huyết của những người thợ.

ca-hau-5.jpg
Mỗi đèn nước, mỗi ghe Cà Hâu là một biểu tượng - Ảnh: L.X.C

Ngày nay, ghe Cà Hâu không chỉ có giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, mà còn được xem là biểu tượng của sự ấm no, sung túc của địa phương. Mỗi mùa đua ghe ngo, những chiếc Cà Hâu lại được mang ra trang trí, làm mới, song hành cùng với đèn nước thắp sáng cả đoạn sông Maspero ở thành phố Sóc Trăng khiến du khách ngẩn ngơ. Kể từ năm 2016, ghe Cà Hâu đã được đưa vào trình diễn trong Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng hằng năm.

Trong số này, chiếc ghe Cà Hâu của chùa Tum Núp (xã An Ninh, huyện Châu Thành) là chiếc ghe có tuổi đời cao nhất. Theo đại diện chùa, chiếc ghe này được đặt mua từ Lào và vận chuyển về chùa bằng đường sông Mê Kông từ hàng trăm năm trước. Các vị đại đức, hòa thượng của chùa kể rằng hồi xưa dùng ghe Cà Hâu này để chở đất xây dựng chùa. Khi có đua ghe ngo thì ghe Cà Hâu được trang trí đẹp để chở các vị hòa thượng, achar.

Lung linh đêm hội sông Trăng
Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghe Cà Hâu, đèn nước lung linh đêm hội sông Trăng