Nền văn minh nhân loại như ta biết sẽ không tồn tại nếu không có các loại gia súc được thuần hóa để cung cấp thực phẩm, sức kéo... Nhưng có vẻ như nhiều căn bệnh hiểm nghèo trong lịch sử loài người cũng từ đó mà ra.

Giá đắt phải trả khi loài người thuần hóa động vật hoang dã thành gia súc

Anh Tú | 29/10/2023, 17:00

Nền văn minh nhân loại như ta biết sẽ không tồn tại nếu không có các loại gia súc được thuần hóa để cung cấp thực phẩm, sức kéo... Nhưng có vẻ như nhiều căn bệnh hiểm nghèo trong lịch sử loài người cũng từ đó mà ra.

bo.jpg
Thuần hóa bò ở Ấn Độ

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng trực tiếp cho thấy việc thuần hóa và chăn nuôi gia súc trùng hợp với sự gia tăng các bệnh do động vật gây ra, như bệnh dịch hạch (yersinia pestis) và bệnh sốt tái phát do chấy rận (LBRF)...

Các nhà khảo cổ từ lâu đã hoài nghi rằng khi những người săn bắn hái lượm du mục ở lục địa Âu - Á bắt đầu định cư và trồng trọt, chăn nuôi vào khoảng 12.000 năm trước, nguy cơ mầm bệnh truyền từ động vật sang người cũng tăng lên.

Những tiến bộ gần đây trong phân tích DNA cổ đại cuối cùng đã cho phép các chuyên gia đưa giả thuyết đó vào thử nghiệm. Sàng lọc 405 tỉ chuỗi DNA được thu thập từ 1.313 hài cốt người cổ đại từ khắp Âu - Á, nhóm nghiên cứu quốc tế do nhà địa chất học Martin Sikora tại Đại học Copenhagen lãnh đạo, đã xác định được nhiều gien thuộc về vi khuẩn.

Cuộc tìm kiếm quy mô của nhóm về DNA mầm bệnh đã cung thông tin cấp đủ và chi tiết suốt dòng thời gian kéo dài 12.500 năm về sự xuất hiện và lây lan của các căn bệnh chính ở loài người.

Trong khi nhiều vi khuẩn lây nhiễm cho con người vẫn ổn định trong suốt thời kỳ lấy mẫu, thì các bệnh lây truyền từ động vật sang người chỉ được phát hiện từ khoảng 6.500 năm trước.

Trên thực tế, vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, cũng có ở bọ chét nhỏ trên các loài gặm nhấm và mầm bệnh gây ra LBRF ở chấy rận, đều không thể phát hiện được trong hài cốt của con người cho đến khoảng 6.000 năm trước - thời điểm gần như trùng khớp với thời kỳ quá trình chuyển đổi từ xã hội săn bắt hái lượm sang xã hội nông nghiệp chăn nuôi.

Kể từ thời điểm đó, DNA của vi sinh vật lây từ động vật sang người đã được phát hiện một cách nhất quán trong bộ gien của hài cốt người cổ đại được nghiên cứu.

Sự gia tăng bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ là kết quả của sự tương tác trực tiếp giữa người và động vật. Nó cũng có thể xuất phát từ thực tế là khi cộng đồng con người ngày càng đông hơn, điều kiện vệ sinh giảm xuống và mật độ các loài gây hại như loài gặm nhấm, bọ chét, chấy rận và ve tăng lên. Ví dụ, sự bùng phát của LBRF thường gắn liền với điều kiện sống và vệ sinh kém.

Sikora và các đồng nghiệp kết luận: “Do đó, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên về sự chuyển đổi dịch tễ học của bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người gia tăng sau khi bắt đầu nền văn minh nông nghiệp, rồi trải qua các thời kỳ lịch sử”.

Ngày nay, bệnh lây truyền từ động vật sang người chiếm hơn 60% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện. Tuy nhiên cách đây hàng thiên niên kỷ, những vi khuẩn như vậy vẫn là thứ mới lạ đối với cơ thể con người.

Những xã hội sơ khai ở thảo nguyên Á - Âu tiếp xúc với mầm bệnh lây truyền từ động vật trước những xã hội khác có thể cũng là một… lợi thế cho chính họ. Những cộng đồng này không chỉ được tiếp cận với nguồn thịt và sữa thường xuyên mà cơ thể của họ còn có thời gian sớm để thích nghi với các mầm bệnh mới từ động vật.

Sikora và các đồng nghiệp đã tìm thấy sự gia tăng đột biến về tỷ lệ phát hiện DNA của vi khuẩn lây truyền từ động vật sang người trong hài cốt người trên khắp lục địa Á - Âu, có niên đại khoảng 5.000 năm trước.

Điều này cho thấy rằng khi những người chăn nuôi thảo nguyên di cư đến các vùng mới vào khoảng thời gian này, họ không chỉ mang theo kiến thức về nông nghiệp, mà cũng mang theo bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Nhóm tác giả phỏng đoán: “Những người chăn nuôi du mục, thông qua việc tiếp xúc liên tục trong thời gian dài với động vật, có thể đã phát triển khả năng miễn dịch đối với một số bệnh lây truyền từ động vật sang người và sự di cư của họ đã mang những căn bệnh này về phía tây và phía đông”.

Nếu điều này là đúng, nhiều người ở châu Âu bản địa thời đó có thể đã chết do sự di cư của người từ nơi khác đến, điều này khá giống với những gì xảy ra sau này với người bản địa ở những nơi khác trên thế giới trong thời kỳ người châu Âu đi khai phá thuộc địa. Theo thời gian, khi cộng đồng người ở Á - Âu ngày càng dày đặc hơn, mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người càng phát triển, biến các đợt bùng phát đặc hữu thành dịch bệnh.

Vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, có thể sống ở ngựa, bò và cừu, đã gây ra dịch bệnh đầu tiên ở đế chế La Mã vào khoảng năm 540. Phân tích bộ gien gần đây cũng cho thấy Y. pestis tồn tại ở mức độ thấp hơn, tương đối liên tục từ 5.700 năm trước đến khoảng 2.700 năm trước.

Vào thời trung cổ, bệnh dịch hạch là kẻ giết người hàng loạt. Chỉ trong 3 nghĩa trang thời trung cổ ở Đan Mạch, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 11 trong số 39 cá nhân mắc bệnh này vào thời điểm họ qua đời.

Để so sánh, LBRF đạt đỉnh điểm vào khoảng 2.000 năm trước, khi hầu như không có bất kỳ dấu hiệu dịch hạch nào được phát hiện. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ dịch hạch lây lan do tình trạng đông đúc và vệ sinh kém, chiến tranh, cưỡng bách di cư, nghèo đói hoặc nạn đói.

Vẫn cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để hiểu lý do tại sao những đợt bùng phát dịch lại xảy ra. Dù vậy, nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện của họ cung cấp “bằng chứng chắc chắn” rằng một sự thay đổi lớn trong cách sống của con người hàng nghìn năm trước cuối cùng đã dẫn đến sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật, đồng thời “điều này đã tác động sâu sắc đến lịch sử và sức khỏe con người toàn cầu trong suốt nhiều thiên niên kỷ và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá đắt phải trả khi loài người thuần hóa động vật hoang dã thành gia súc