Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines thừa nhận giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15 - 20%, và hãng đang nỗ lực hạ giá xuống.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Giá vé máy bay tăng cao, nhưng hãng hàng không nói chỉ lãi 1 USD/khách

Tuyết Nhung 17/05/2024 14:13

Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines thừa nhận giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15 - 20%, và hãng đang nỗ lực hạ giá xuống.

Thông tin trên được ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) đưa ra tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay 17.5. Đây là lần đầu tiên đại diện của 4 hãng hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Vietravel Airlines và Bamboo Airways trực tiếp nói về nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao trong thời gian vừa qua.

may-bay.jpg
Giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15 - 20% - Ảnh: VNA

Theo ông Tuấn, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ 43% so với quy định. Nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của VNA mà chung cho các hãng hàng không.

Ví dụ với xăng, so với năm 2019, mặt hàng giá xăng năm nay hãng bị tăng 5.700 tỉ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỉ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỉ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của VNA cũng như tất cả các hãng hàng không.

Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại mất đến 200 - 300 ngày, thậm chí đến 1 - 1 năm rưỡi. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao.

"Ngoài ra, chi phí thuê máy bay hiện tại tăng gấp đôi nhưng cũng rất khó để thuê được. Thực tế, công suất vận hành hàng không của Việt Nam giảm đáng kể khi các hãng như Bamboo, Pacific đang phải tái cơ cấu hoạt động. Đối với VNA, các nhà sản xuất đang triệu hồi máy bay về để bảo trì khoảng 10% lượng máy bay đang hoạt động (12 chiếc), tình trạng tương tự với Vietjet. Điều này cho thấy năng lực vận tải của ngành hàng không trong năm nay giảm mạnh. Để phục vụ tốt hơn khách hàng, chúng tôi gần như hoạt động hết công suất. Nhờ vậy, tỷ trọng lấp đầy rất cao và còn cao hơn so với những giai đoạn trước", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, dù rất khó khăn nhưng hãng đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại. Tuy nhiên, phát triển du lịch không nên chỉ dựa vào ngành hàng không mà là sự tổng hợp của các loại hình vận tải khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất. "Hiện tại, ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách, nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông thì phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 USD nêu trên cũng bay theo", Phó tổng giám đốc VNA cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Dũng - Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines (VU) cũng thừa nhận giá vé máy bay từ đầu năm đến nay có tăng. Tuy nhiên, điều này không giúp các hãng hàng không có bước đột phá trong giai đoạn hồi phục mà hầu hết các hãng bay tại Việt Nam hiện nay vẫn rất khó khăn.

Theo ông Dũng, VU hiện đang phải đối diện với thách thức lớn từ giá nhiên liệu tăng rất cao. Giá nhiên liệu tăng 1 USD kéo theo chi phí tăng khoảng 10%, tỷ giá biến động mạnh. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tiền đồng mất giá khoảng 5%, trong khi 70 - 75% cơ cấu tổng chi phí của hàng không là chi trả bằng ngoại tệ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào của các hãng hàng không nói chung cũng như VU nói riêng. Chưa kể, giá vật tư, phụ tùng máy bay... thời gian qua đều tăng.

Trong khi đó, còn khá nhiều quy định đang "trói" doanh nghiệp. Đơn cử, quy định hiện nay chỉ cho phép mỗi hãng được 30% thuê ướt máy bay bổ sung. Như VU hiện có 3 máy bay, muốn thuê thêm cũng chỉ được 1 tàu. Đây là điểm cản khi VU muốn thuê thêm tàu để tăng tải, tăng cung ứng vào giai đoạn cao điểm. Một số cảng hàng không vẫn còn hạn chế các chuyến bay đêm, như sân bay Quy Nhơn. Slot đầu TP.HCM và Hà Nội của VU hiện nay cũng vẫn còn khá khiêm tốn.

"Chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý có thể nhanh chóng giải quyết các bất cập này, gỡ khó cho các hãng hàng không có cơ hội tăng năng lực, hỗ trợ hạ nhiệt giá vé cho người dân và ngành du lịch", Phó tổng giám đốc VU chia sẻ.

Xoay quanh câu chuyện hành khách mua vé 0 đồng mà vẫn phải chịu các loại thuế phí, ông Nguyễn Cao Cường - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) - chia sẻ: Dịch vụ hạ/cất cánh thu phí theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải là 3 triệu đồng/chuyến bay khứ hồi. Chia bình quân cho đầu người (với chuyến bay khai thác khoảng 80% công suất) thì có giá 20.000 - 21.000 đồng/khách. Mức thu này từ năm 2019 đến nay vẫn giữ ổn định.

Nhóm thứ hai là giá dịch vụ hành khách và đảm bảo an ninh hành khách cũng được thu theo Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó phí an ninh từ 20.000 - 21.000 đồng/khách; phí dịch vụ mặt đất từ 60.000 - 90.000 đồng, tùy thuộc nhóm sân bay (A, B hay C) và chia trung bình thì cũng từ 20.000 - 21.000 đồng/khách.

Thứ ba là dịch vụ cảng, thuê tại quầy thủ tục, ống lồng, băng chuyền... thu theo khung giá quy định, tất cả cộng lại chưa được 5.000 đồng/khách.

Cuối cùng là nhóm dịch vụ kỹ thuật mặt đất. Số tiền thu từ dịch vụ này chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321 là khoản 30.000 đồng/hành khách.

Tổng 4 nhóm giá dịch vụ này, ACV đang thu khoảng 118.000 - 120.000 đồng, cộng thêm khoản thu hộ nhà nước thì cũng chưa tới 150.000 đồng/khách. Mức thu này không tăng từ năm 2019 đến nay.

Ông Cường chia sẻ thêm: ACV đang thu phí dịch vụ ở các cảng hàng không với mức cao nhất là 90.000 đồng ở sân bay xếp hạng cao nhất. Nếu so với sân bay Đại Hưng là sân bay lớn nhất của Trung Quốc, mức phí dịch vụ cảng đang được thu hơn 100 nhân dân tệ, khoảng 3 triệu đồng, tức gấp 3 lần của ACV. Còn tại Thái Lan, mức thu này là 95.000 đồng; sân bay Incheon của Hàn Quốc thu 105.000 đồng, cao hơn ACV 15.000 đồng...

Bài liên quan
Giá vé máy bay sẽ tăng cao trong thời gian tới
Giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới đây sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá vé máy bay tăng cao, nhưng hãng hàng không nói chỉ lãi 1 USD/khách