Tại chương trình truyền hình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 10.1.2016, lý giải về việc giá dầu thô thế giới giảm tới hơn 40% nhưng giá xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm khoảng 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, giữa giá dầu thô và giá bán lẻ là 2 khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không thể đồng nhất với nhau về tỉ lệ giảm giá.
Dầu thô là nguyên liệu đầu vào của giá xăng dầu bán lẻ. Để có dầu thô ta phải thông qua chế biến, lưu thông, dự trữ rồi cả những chi phí khác như thuế liên quan đến xăng dầu. Theo như tính toán, chi phí bán lẻ dầu thô trong giá xăng khoảng 40%, trong giá dầu là 50% nên không thể tính chênh lệch giá dầu thô giảm 40% thì giá bán lẻ xăng dầu cũng phải giảm tương ứng vì những chi phí sản xuất, lưu thông là những chi phí tương đối cố định, thậm chí có thời điểm tăng lên.
"Như vậy, chúng tôi đánh giá rằng, trong năm qua việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với diễn biến giá dầu thô thế giới. Cụ thể, so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia, giá xăng và dầu của Việt Nam còn đang thấp hơn tương đối nhiều", Bộ trưởng cho biết.
Cũng trong chương trình này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ về bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh - một cú sốc vào ngân sách của Việt Nam, nhưng cuối năm Bộ Tài chính vẫn công bố chỉ số cân đối ngân sách và bội chi đạt chỉ tiêu.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng là ngay từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nghiên cứu ban hành các chính sách và triển khai các pháp luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực trong 2015, ví dụ như sửa 5 luật thuế, biểu thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... qua đó điều chỉnh chính sách thu, tăng thu nội địa, giảm thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tập trung vào cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Trong điều hành, Bộ Tài chính đã phối hợp tích cực với các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương phấn đấu tăng thu nội địa để đảm bảo bù hụt thu do giá dầu giảm. Cụ thể đã tăng cường công tác thanh kiểm tra về thuế, chống thất thu, chống nợ đọng, chống chuyển giá.
Cho đến kết thúc năm 2015, Bộ đã thu được gần 40.000 tỉ tiền nợ thuế của năm 2014 chuyển sang. Thêm vào đó, điều hành ngân sách được thực hiện với tinh thần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để đảm bảo cân đối ngân sách; triển khai đồng bộ quyết liệt công tác quản lý giá cả thị trường theo cơ chế giá thị trường và đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thô giảm sâu. Bộ Tài chính cũng phối hợp với các ngành, các địa phương quản lý đầu vào, giảm chi phí sản xuất kinh doanh qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, tăng trưởng kinh tế cũng là tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng khẳng định: "Với các giải pháp đồng bộ như vậy, kết thúc 2015, tổng thu ngân sách nhà nước đã vượt so với dự toán Quốc Hội giao đầu năm gần 8% và đặc biệt, chúng ta không phải sử dụng khoản 10.000 tỉ đồng thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bù đắp hụt thu ngân sách trung ương do giá dầu giảm, từ đó giữ được bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 theo kế hoạch đã đề ra".
Nhận định về bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước tác động đến vấn đề cân đối thu chi ngân sách năm 2016, Bộ trưởng Dũng cho hay, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách với giá dầu thô là 60 USD/thùng nhưng ngay từ đầu năm đến những ngày gần đây thì giá chỉ còn dưới 35 USD/thùng, bên cạnh đó việc cắt giảm lộ trình thuế quan 2016 theo các cam kết quốc tế cũng giảm thu ngân sách khoảng 10.000 tỉ đồng.
"Đây chính là 2 yếu tố tác động trực tiếp vào tình hình ngân sách trung ương năm 2016. Trước tình hình đó, chúng tôi đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản khác nhau về giá dầu thô năm 2016 là 55 USD/thùng, 50 USD/thùng, 45 USD/thùng, 40 USD/thùng, 35 USD/thùng và đến nay là 30 USD/thùng để làm cơ sở điều hành ngân sách nhà nước hợp lý cho năm 2016", ông nói.
Bộ trưởng cũng đề xuất việc phát huy những giải pháp hiệu quả trong năm 2015 như: cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu, chống nợ đọng... sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2016.
Tuyết Nhung