Ông Kim Jong-un có cơ hội hiện thực hóa ước muốn của các lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tiền nhiệm, bằng cách tận dụng tình hình hòa dịu hiện tại để thúc đẩy kế hoạch xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc kết nối nước này với thế giới bên ngoài.

Giấc mộng đường sắt cao tốc của Triều Tiên

Cẩm Bình | 30/08/2018, 14:15

Ông Kim Jong-un có cơ hội hiện thực hóa ước muốn của các lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tiền nhiệm, bằng cách tận dụng tình hình hòa dịu hiện tại để thúc đẩy kế hoạch xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc kết nối nước này với thế giới bên ngoài.

Theo một doanh nhân Hàn Quốc cùng một quan chức ngoại giao Triều Tiên cấp cao, nhà lãnh đạo Kim đã chỉ thị cấp dưới lập quan hệ đối tác với quốc gia khác như Hàn Quốc hoặc Pháp. Một số kỹsư và chuyên gia tại Hàn Quốc cũng cho biết họ đang lên kế hoạch cho một dự án đường sắt với Bình Nhưỡng.

“Kim muốn có nguồn thu ngoại tệ từ tiền vé tàu, và giới chức đang nỗ lực tìm kiếm một công ty đa quốc gia theo lệnh của ông”, doanh nhân Hàn Quốc tiết lộ.

Hai miền đều xem đường sắt là chìa khóa giải phóng tiềm năng thương mại lẫn du lịch, kết nối bán đảo Triều Tiên với Nga, Trung Quốc và thậm chí xa hơn. Tuy nhiên kế hoạch này gặp không ít trở ngại, bao gồm hàng loạt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lẫn tình trạng cơ sở hạ tầng năng lượng của Bình Nhưỡng thiếu ổn định.

Quan chức Hàn-Triều hy vọng dự án đường sắt sẽ được miễn trừ khỏi trừng phạt Liên Hợp Quốc, căn cứ theo một điều khoản cho phép một số “hạ tầng công cộng phi thương mại”.

Vào tháng 6, một nhà ngoại giao Triều Tiên cấp cao ngỏ ý muốn hợp tác với Pháp để xây đường sắt. Hai đơn vị tiềm năng được lựa chọn là Alstom (nhà sản xuất tàu cao tốc TGV) và Tổng công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF).

Ông Kim Yong-il, người đứng đầu phái đoàn Bình Nhưỡng tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) từng khẳng định: “Có một số thực thể, lĩnh vực không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt”.

Seoul sử dụng công nghệ của Alstom cho tàu cao tốc KTX của mình. Hai công ty Pháp tuyên bố chưa có liên lạc hay kế hoạch hợp tác gì với Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có cơ hội thực hiện được “giấc mộng đường sắt” - Ảnh: Reuters

Hệ thống đường sắt hiện đại, liên kết những thành phố quan trọng trong nước với nhiều quốc gia khác là mong ước từ lâu của gia tộc cầm quyền họ Kim.

Một tháng trước khi qua đời vào năm 1994, nhà lập quốc Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) cho biết một tuyến đường sắt kết nối liên Triều, Trung Quốc và Nga có thể đem lại cho Bình Nhưỡng 1,5 tỉUSD/năm từ vận chuyển hàng hóa.

Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu năm 2000, hai miền đã bàn bạc về việc xây đường sắt.

Năm 2015, Triều Tiên tiết lộ một kế hoạch xây “đường sắt quốc tế” nhằm mục đích phát triển đặc khu kinh tế của nước này tại thành phố Sinuiju giáp Trung Quốc. Theo kế hoạch, một vài đoạn trong hệ thống sẽ được nâng cấp thành “cao tốc”.

Mới đây tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tháng 4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ với đường sắt của Hàn Quốc.Không chỉ Bình Nhưỡng mà cả Seoul cũng thấy được nhiều lợi ích tiềm tàng. Một tổ chức nhà nước năm 2015 ước tính đường sắt kết nối bán đảo Triều Tiên với Trung, Nga có thể giúp giảm một nửa thời gian chuyển hàng, đồng thời đem lại không ít phí vận chuyển.

Ahn Byung-min, thành viên Ủy ban Hợp tác kinh tế với Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc, cho hay: “Dự án đường sắt liên Triều trong quá khứ chỉ đơn giản là kết nối những đoạn riêng lẻ, nhưng bây giờ đã chuyển thành hiện đại hóa, vận hành và tạo ra giá trị kinh tế. Vì cần rất nhiều tiền cũng như có quá trình tiếp vận phức tạp, dự án đến sau này mới được đưa vào quá trình đối thoại hai miền”.

Seoul dự kiến dành 450 triệu USD trong năm 2019 (tăng 46% so với năm nay) cho các dự án kinh tế liên Triều, trong đó có hiện đại hóa đường giao thông.

Cẩm Bình (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giấc mộng đường sắt cao tốc của Triều Tiên