Với thành tích xuất sắc trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2019, Nguyễn Bá Vinh, học sinh lớp 12C, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng được Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Lê Quang Mạnh, tặng bằng khen. Đồng thời, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ phải giải trình về việc “ngó lơ” em Vinh, như báo điện tử Một thế Giới đã phản ánh!

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ phải giải trình vì không quan tâm thí sinh dự Đường lên đỉnh Olympia

Nguyên Việt | 27/09/2019, 06:29

Với thành tích xuất sắc trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2019, Nguyễn Bá Vinh, học sinh lớp 12C, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng được Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Lê Quang Mạnh, tặng bằng khen. Đồng thời, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ phải giải trình về việc “ngó lơ” em Vinh, như báo điện tử Một thế Giới đã phản ánh!

Trong một diễn biến khác, bà Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng ngôi trường danh tiếng này cũng vừa nhận quyết định từ Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ, điều về làm Hiệu trưởng ngôi trường kém hơn về mọi mặt - chỉ 1 ngày sau khi Bá Vinh lọt vào vòng chung kết!

Yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ giải thích

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh, vừa ký quyết định tặng bằng khen và khen thưởng của UBND TP cho em Nguyễn Bá Vinh, học sinh lớp 12C, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng vì thành tích xuất sắc trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2019. Thành tích Vinh đạt được là lọt vào vòng chung kết năm 2019, giành đồng hạng 3 của cuộc thi.

Quyết định khen thưởng Bá Vinh của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ- Ảnh: Thanh Nguyên

Nguyễn Bá Vinh sẽ nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ vào ngày 2.10 tới đây, trong dịp diễn ra lễ phát động Tuần lễ học tập suốt đời do hội Khuyến học TP.Cần Thơ phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức.Dù không phải là người chiến thắng cuối cùng, nhưng những thành tích mà Vinh đạt được qua các vòng thi đã làm cho ngành giáo dục TP.Cần Thơ tự hào. Qua 19 năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được tổ chức, đến nay TP.Cần Thơ mới có 2 đại diện lọt vào vòng chung kết năm kể từ năm 2005. Cả 2 đại diện này đều đến từ Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng.

Cùng với việc tặng bằng khen cho Nguyễn Bá Vinh, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng yêu cầu bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ phải giải trình vì không quan tâm đến thí sinh Đường lên đỉnh Olympia. Tối 15.9, sau khi hoàn thành cuộc thi, Nguyễn Bá Vinh từ Hà Nội về Cần Thơ và chỉ có Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - bà Võ Thị Hồng Ánh, cùng bà Cao Thị Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Lý Tự Trọng ra sân bay đón.

Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, nơi bà Cao Thị Ngọc Hà làm Hiệu trưởng 2 nhiệm kỳ- Ảnh: Thanh Nguyên

Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, trong cả 2 sự kiện diễn ra cùng ngày là buổi cầu truyền hình trực tiếp cuộc thi tại công viên Lưu Hữu Phước và đón Vinh trở về, bà Thắm đều không tham dự, dù ngày hôm đó là ngày nghỉ, bà không có lịch công tác. Ngoài ra, bà Thắm còn có một số phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội về cuộc thi này, khiến nhiều ý kiến dư luận bức xúc.

Hiệu trưởng bất ngờ chuyển công tác

Trong một diễn biến khác, sau khi cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2019 kết thúc vào ngày 15.9, ngay trong ngày 16.9, Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ bất ngờ có quyết định điều động bà Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng về làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng. Ngày 17.9, quyết định trên được Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ - bà Trần Hồng Thắm, chính thức triển khai.

Theo tìm hiểu, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng có lịch sử gần 30 năm thì bà Hà đã công tác ở trường được 21 năm, làm Hiệu trưởng được 8 năm. Một số giáo viên trong trường cho biết, thời gian công tác ở đây, bà Hà dành được nhiều tình cảm sự quý trọng của đồng nghiệp và các lứa học sinh qua các thời kỳ. Dó đó, việc điều chuyển bà Hà đi khiến nhiều đồng nghiệp thắc mắc.

Trong buổi triển khai quyết định điều động bà Cao Ngọc Hà, bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, phát biểu rằng, công tác luân chuyển cán bộ ở giai đoạn hiện nay là bình thường, là chủ trương có từ lâu rồi, và phải thực hiện theo. Bà Thắm lấy ví dụ: “Tôi chỉ lớn hơn cô Hà 1 tuổi, nhưng cũng đã 6 lần nhận quyết định về chức vụ..

Không phải chỉ lên chức không mà có đi ngang nữa, mà đi ngang thì tôi hoàn toàn không biết gì hết. Từ cán bộ quản lý trường học về làm cán bộ quản lý phòng giáo dục, thời điểm đó tôi chả biết gì về phòng giáo dục. Còn đồng chí Hà được phòng tổ chức cán bộ gửi thư mời trịnh trọng lên trao đổi các thứ”.

Tôi nói để các đồng chí hiểu rằng khi mình làm công chức, viên chứcđược tổ chức điều động có yêu cầu như thế nào thì người ra quyết định chịu trách nhiệm, thắc mắc cũng không giải quyết được gì. Mình được trình bày nguyện vọng thì có, tôi đã cho các đồngchí trình bày rồi.

Tuy nhiên trả lời hay không, giải thích hay không thì cái đó không cần thiết phải trả lời các đồng chí. Nhưng vì trách nhiệm phải làm cho các đồng chí yên tâm cho nên tôi nói rõ như thế. Mình là người trong tổ chức nhà nước, mọi thứ phải chấp hành, còn tình cảm cá nhân mình phải gác lại, mình không được đem ra để tạo dư luận như thế nào đó cho tổ chức, điều đó sẽ bị xử lý”, bà Thắmnói.

Trường Nguyễn Việt Hồng- Ảnh: CTV

“Còn vấn đề các đồng chí nói cô Hà đang làm tốt sao lại điều đi? Tôi nói rõ, không chỉ việc điều động là bình thường mà nếu cô Hà vi phạm gì đó thì theo quy định thì vi phạm bị xử lý, chứ làm gì có chuyện vi phạm mà bị điều đi”, bà Thắm giải thích về trường hợp thuyên chuyển hiệu trường Hà. Bà Thắm thông tin thêm, quy định Hiệu trưởng Trường THPT chuyên và THPT là như nhau, chỉ có chế độ chính sách là khác.

Cô Cao Thị Ngọc Hà trong suốt thời gian công tác ở Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng đã giành được nhiều tình cảm của các học sinh. Có một số học sinh ra trường đến nay đã hơn 10 năm nhưng khi nhắc đến nhà giáo này vẫn dành những tình cảm hết sức đang trân trọng.

“Gần 2 nhiệm kỳ của cô Hà trong cương vị Hiệu trưởng, cô thực sự đã mang về những làn gió mới cho trường tôi. Nếu nói về cô, tôi chỉ có thể dành 2 từ ngưỡng mộ. Bởi sự hiểu biết sâu rộng, sự mày mò bền bỉ để không ngừng đổi mới cho công việc, cho trường ngày càng phát triển hơn”, 1 cựu học sinh Trường Lý Tự Trọng bày tỏ.

Sau khi nhận quyết định điều chuyển công tác, bà Hà sẽ có 15 ngày bàn giao công việc trước khi về lãnh đạo 1 ngôi trường khác.

Thanh Nguyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ phải giải trình vì không quan tâm thí sinh dự Đường lên đỉnh Olympia