Cảnh sát Indonesia khẳng định một giảng viên đại học đã chi tiền tài trợ cho một loạt vụ đánh bom nhằm mục tiêu “đốt cháy cửa hàng của bọn Trung Quốc” ở thủ đô Jakarta hồi tháng 9.

Giảng viên đại học Indonesia chi tiền đánh bom cửa hàng của người Trung Quốc

Mỹ Trinh | 06/10/2019, 13:44

Cảnh sát Indonesia khẳng định một giảng viên đại học đã chi tiền tài trợ cho một loạt vụ đánh bom nhằm mục tiêu “đốt cháy cửa hàng của bọn Trung Quốc” ở thủ đô Jakarta hồi tháng 9.

Giảng viên này thuộc Viện Nông nghiệp Bogor, bị bắt ngày 28.9 vì bị cảnh sát nghi tàng trữ những quả bom xăng. Nhưng cuộc điều tra của đội cảnh sát phá bom đã kết luận đó là những quả nổ nhồi thuốc súng và đinh.

Theo nguồn tin của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), có 28 chai thủy tinh nhồi thuốc súng và đinh cùng kíp nổ, và qua giám định thì chúng là bom thật.

Tờ báo Hồng Kông ngày 6.10 đưa tin những chi tiết của âm mưu thiêu cháy cửa hàng của người Trung Quốc được tung ra gần đây, khi Indonesia đã chứng kiến những cuộc biểu tình kể từ ngày 24.9, khi hàng ngàn người - đa số là sinh viên và thanh niên, đánh nhau với cảnh sát tại nhiều thành phố, và chính quyền cho phép sử dụng hơi cay và đại bác bắn nước để trấn áp người biểu tình.

Những người biểu tình phản đối các luật mới mà người chỉ trích nói là khiến các nhà điều tra chống tham nhũng bị tê liệt, cũng như làm giảm các quyền lợi của phụ nữ và của các cộng đồng thiểu số. Sau đó, các cuộc phản đối này đã kết thúc.

Ngày 30.9, trên mạng xã hội Indonesia xuất hiện nhiều đoạn video, chiếu hai người đàn ông khai với cảnh sát rằng mỗi người được trả công 300.000 rupiah (tiền Indonesia, tương đương 21 USD) để mua xăng nhằm chế biến “bom xăng Molotov” để “đốt cửa hiệu của bọn Trung Quốc” ở Jakarta và “kích động đám đông” nhào vào cuộc hôi của.

Trong các đoạn băng, hai người này xưng tên là Ali Udin và Yudhi Febrian. Họ khai các quả bom xăng nhằm được dùng “từ Roxy đến Grogol”. Ý họ chỉ ITC Roxy Mas, một cửa hàng ở phía tây Jakarta chuyên bán điện thoại di động và nhiều tiệm có chủ là người gốc Hoa.

Grogol là một quận đã xảy ra nhiều vụ bạo lực trong các cuộc biểu tình vốn đã khiến hơn 1.000 người chết.

Người phát ngôn Dedi Prasetyo của cảnh sát Indonesia nói các quả nổ là “bom cá”, tức những chất nổ cấp thấp dùng để đánh cá, nhưng thực tế chúng đủ mạnh để gây thương tích, thậm chí gây ra cái chết cho người. Ngư dân đã bị cấm sử dụng các chất nổ này, nhưng vài cộng đồng ngư dânvẫn lén sử dụng.

Chai bom được nhồi thuốc súng và đinh - Ảnh:Cảnh sát Indonesia

Dedi cũng nói giảng viên đại học (được nêu tên tắt là A.B) đã tuyển 4 người đàn ông để chế tạo bom, và 3 người khác để kích nổ: “Mục tiêu tấn công là trái tim kinh tế của Jakarta, ngay ở trung tâm và phía tây thành phố. Đó là những gì chúng tôi phát hiện được cho đến nay, các cuộc điều tra khác vẫn tiếp tục”.

Người phát ngôn Argo Yuwono của cảnh sát Jakarta nói A.B đã thuê những người chế tạo bom từ các đảo Papua và Maluku (ở phía đông Indonesia) đến Jakarta: “Nghi phạm cung cấp tiền để tuyển các chuyên gia chế bom cá, và chi 8 triệu rupiah để mua vé máy bay cho họ”.

Theo SCMP, ít nhất 9 người bị bắt vì dính líu âm mưu đánh bom này, gồm Sony Santoso, một cựu đô đốc hải quân Indonesia. Sony đã bị cáo buộc là chủ mưu thực hiện những vụ đánh bom trong cuộc biểu tình chống chính phủ ngày 28.9 do các tín đồ Hồi giáo cực đoan của phong trào Mujahid 212 tổ chức.

Các nghi phạm này bị bắt giữ, theo Luật Tình trạng khẩn cấp (có hiệu lực từ năm 1951) vì tội sở hữu trái phép tàng trữ và vận chuyển chất nổ.

Cảnh sát nói nhóm lập mưu muốn gây bất loạn nhằm phá uy tín Tổng thống Joko Widodo, người đã tái trúng cử hồi tháng 4.2019 và sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào ngày 20.10 tới.

Theo báo Bưu điện Jakarta, cảnh sát đã bắt 1.489 người khi nổ ra các cuộc biểu tình ở thủ đô, và sẽ truy tố 380 người vì nhiều tội danh như phao tin đồn nhảm, ném đá vào cảnh sát, sở hữu các loại vũ khí, vẽ bậy lên tường các đồn cảnh sát và tàng trữ bom xăng.

Những vụ gây rối tương tự từng xảy ra hồi năm 1998, khi các cư dân gốc Hoa bị những tên lưu manh tấn công, vào lúc Indonesia lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế cùng sự bất ổn chính trị đã dẫn đến việc chính quyền Tổng thống Suharto bị sụp đổ.

Indonesia từng bị đe dọa bởi các tổ chức khủng bố trong nước và người trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảng viên đại học Indonesia chi tiền đánh bom cửa hàng của người Trung Quốc