Ngày 7.2, tại tỉnh Đồng Nai đã diễn ra Hội nghị thống nhất giải pháp đảm bảo vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn Đồng Nai.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết khu vực phía nam hiện đang triển khai 15 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, phần lớn dự kiến hoàn thành vào năm 2025, một số dự án kéo dài đến năm 2026. Các dự án này đòi hỏi khối lượng lớn vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất, đá và cát.
Riêng về đá xây dựng, tổng nhu cầu ước tính khoảng 21,6 triệu mét khối. Đến nay, các công trường đã tiếp nhận hơn 4,6 triệu mét khối, vẫn cần huy động thêm gần 17 triệu mét khối. Hiện đã xác định được nguồn cung hơn 5,2 triệu mét khối, trong đó Đồng Nai chiếm phần lớn với khoảng 3,2 triệu mét khối, nhưng vẫn còn lượng lớn chưa có nguồn cụ thể.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh khó khăn hiện tại là hầu hết các dự án trọng điểm đều đang bước vào giai đoạn cao điểm, dẫn đến nhu cầu đá xây dựng tăng đột biến, gây áp lực lên các mỏ khai thác. Một số dự án có nhu cầu lớn trong năm 2025 như: Sân bay Long Thành cần khoảng 4,7 triệu mét khối; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần 1,2 triệu mét khối; đường Vành đai 3 cần 2,3 triệu mét khối, trong khi năng lực khai thác hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết tỉnh đang triển khai 6 công trình trọng điểm với tổng nhu cầu hơn 37 triệu mét khối đá xây dựng và hơn 27 triệu mét khối đất đắp, cát xây dựng. Đồng thời, Đồng Nai còn là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cho nhiều dự án tại khu vực ĐBSCL.
Qua rà soát trữ lượng khoáng sản đang được cấp phép trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhận định tỉnh có đủ nguồn đá xây dựng để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nguồn cát xây dựng và san lấp hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thi công trên địa bàn.
Trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản, Đồng Nai gặp một số vướng mắc liên quan đến thủ tục gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác, cấp phép tại các khu vực không đấu giá và các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai.
Đại diện các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là thời gian xử lý thủ tục thuê đất kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ khai thác. Ngoài ra, họ cũng chưa có đầy đủ thông tin về nhu cầu cụ thể của các nhà thầu liên quan đến chủng loại và khối lượng sản phẩm.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, trong bối cảnh cấp bách hiện nay, vai trò điều tiết của Nhà nước là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở ngành liên quan của tỉnh Đồng Nai để đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư, nhà thầu để xác định chính xác nhu cầu vật liệu. Đồng thời, cần làm việc với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để đánh giá khả năng cung ứng. Ông cũng yêu cầu các thủ tục hành chính phải được hỗ trợ tối đa theo hướng tinh gọn, thực hiện song song và hoàn tất trong thời gian ngắn nhất.
Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thành lập tổ điều phối do Nhà nước chủ trì nhằm định hướng, phân luồng và điều tiết giữa cung và cầu.
"Nhà nước phải chủ động vào cuộc. Bình Dương đã làm, Đồng Nai cũng sẽ triển khai tương tự. Chúng ta sẽ định hướng để doanh nghiệp khoáng sản cung cấp cho các dự án, các nhà thầu cụ thể. Còn giá cả là quan hệ kinh tế, các bên sẽ tự thương thảo với nhau", ông Duy khẳng định.