Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa chủ trì Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của thành phố trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố.
Theo ông Quyền, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bị ảnh hưởng (trực tiếp là lĩnh vực du lịch, xuất, nhập khẩu, lao động, các ngành xản suất có đầu vào nguyên liệu từ các quốc gia này).
Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, vẫn có một số lĩnh vực có cơ hội để phát triển như: sản xuất thiết bị y tế, bảo hộ sức khỏe, dược phẩm...
Cụ thể, về tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 6,1%). Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 5,8%).
Khách du lịch giảm mạnh, trong đó khách Trung Quốc giảm 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%... Riêng khách du lịch nội địa giảm 21,2%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%,...
Riêng sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi; đã hoàn thành thu hoạch cây vụ Đông; lúa Xuân đang sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo thời vụ. Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, từ cuối tháng 1 không phát sinh ổ dịch mới. Cúm A/H5N6 đang xảy ra cục bộ trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 205,3 triệu USD, trong đó, đã cấp mới 111 dự án với vốn đầu tư đăng ký 52,9 triệu USD; 17 lượt dự án tăng vốn với số vốn đầu tư đăng ký 76,7 triệu USD; 166 lượt chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với trị giá 75,7 triệu USD.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 51.470 tỉ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ, đạt 18,5% dự toán năm. Chi ngân sách địa phương ước đạt 8.891 tỉ đồng, đạt 8,6% dự toán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai giảm 0,07% so với tháng Một tăng 5,16% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2020:
Kịch bản 1: Quý 1 hết dịch, quý 2 lấy lại đà tăng trưởng và quý 3, 4 bứt tốc để cả năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
GRDP (Gross Regional Domestic Product, tạm dịch là Tổng sản phẩm trên địa bàn) quý 1 tăng 4,88%, trong đó nông nghiệp giảm 1,17%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,43%; dịch vụ tăng 4,85%; thuế sản phẩm tăng 3,95%.
GRDP quý 2 tăng cao trở lại, đạt 7,24%, trong đó, nông nghiệp bứt phá với tốc độ tăng 3%, dịch vụ tăng 7,48%, tuy nhiên công nghiệp - xây dựng vẫn còn chịu ảnh hưởng với tốc độ tăng 8,26% và thuế sản phẩm tăng 5,35%.
GRDP quý 3 tăng cao 8,65%, trong đó, nông nghiệp tiếp tục bứt phá với tốc độ tăng 11,0%, dịch vụ tăng 8,08%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,77% và thuế sản phẩm tăng 6,65%.
GRDP quý 4 tăng cao 8,88%, trong đó, nông nghiệp tăng 3,9%, dịch vụ tăng 8,26%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,67% và thuế sản phẩm tăng 6,75%.
Tính chung, GRDP năm 2020 tăng 7,53% - đạt kế hoạch (từ 7,5% trở lên). Phương án này, ngành công nghiệp, xây dựng tăng thấp hơn kế hoạch 0,19 điểm % nhưng được bù đắp bởi ngành dịch vụ (tăng cao hơn kế hoạch 0,03 điểm %), thuế sản phẩm (tăng cao hơn kế hoạch 0,01 điểm %) và nông nghiệp (tăng cao hơn kế hoạch 0,96 điểm %).
Kịch bản 2: Quý 1 kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm đạt thấp hơn kế hoạch
GRDP quý 1 tăng 4,88%, trong đó: nông nghiệp giảm 1,17%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,43%; dịch vụ tăng 4,85%; thuế sản phẩm tăng 3,95%.
GRDP quý 2 chỉ tăng 6,97%, trong đó, nông nghiệp tăng 3%, dịch vụ tăng 7,35%, tuy nhiên công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 7,58% và thuế sản phẩm tăng 5,0%.
GRDP quý 3 tăng cao 7,9%, trong đó, nông nghiệp tăng 10,05%, dịch vụ tăng 7,60%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,64% và thuế sản phẩm tăng 5,1%.
GRDP quý 4 tăng 8,14%, trong đó, nông nghiệp tăng 3,8%, dịch vụ tăng 7,66%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,86% và thuế sản phẩm tăng 5,3%.
Tính chung, GRDP năm 2020 tăng 7,06% - không đạt kế hoạch (từ 7,5% trở lên); riêng ngành nông nghiệp tăng cao hơn kế hoạch (0,74 điểm %), còn lại tất cả các ngành còn lại đều tăng thấp hơn kế hoạch.
Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến quý 2 và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, năm 2020 tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch
GRDP quý 1 tăng 4,88%, trong đó: nông nghiệp giảm 1,17%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,43%; dịch vụ tăng 4,85%; thuế sản phẩm tăng 3,95%.
GRDP quý 2 chỉ tăng 6,39%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,95%, dịch vụ tăng 6,69%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,4% và thuế sản phẩm tăng 4,0%.
GRDP quý 3 tăng cao 7,14%, trong đó, nông nghiệp tăng 8,5%, dịch vụ tăng 7,03%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,49% và thuế sản phẩm tăng 4,3%.
GRDP quý 4 tăng 7,57%, trong đó, nông nghiệp tăng 3,0%, dịch vụ tăng 7,24%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,05% và thuế sản phẩm tăng 4,5%.
Tính chung, GRDP năm 2020 tăng 6,57% - không đạt kế hoạch (từ 7,5% trở lên); riêng ngành nông nghiệp tăng cao hơn kế hoạch (0,20 điểm %), còn lại tất cả các ngành còn lại đều tăng thấp hơn kế hoạch.
Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu thời gian tới giải pháp một vẫn là phòng chống dịch bệnh, trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền, làm sao cho mọi người dân yên tâm, ổn định; phấn đấu trên địa bàn Hà Nội không để xảy ra lây nhiễm chéo.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư trên địa bàn; Cụ thể các biện pháp phát triển kinh tế.
“Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, từng đơn vị, từng ngành phải khảo sát, đưa ra các giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, cần có những giải pháp về vốn; công ăn việc làm”, Chủ tịch UBND Hà Nội lưu ý.
Lam Thanh