Nhiều doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất trong khoảng 1 tháng nữa. Các doanh nghiệp da giày, dệt may cũng chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đủ cho sản xuất tới đầu tháng 4.

Doanh nghiệp 'cầm cự' vì thiếu nguyên phụ liệu

26/02/2020, 20:12

Nhiều doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất trong khoảng 1 tháng nữa. Các doanh nghiệp da giày, dệt may cũng chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đủ cho sản xuất tới đầu tháng 4.

Doanh nghiệp sắp hết nguyên phụ liệu cho dây chuyền sản xuất - Ảnh: Internet

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp chiều 26.2, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các mặt hàng linh kiện điện tử. Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỉ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỉ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỉ USD (chiếm 4,2%).

Theo Cục Công nghiệp, hiện tại, các doanh nghiệp chỉ còn đủ lượng linh kiện phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3. Các doanh nghiệp này sẽ khó tìm được nguồn thay thế nguyên phụ liệu, linh kiện từ các nước khác ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đơn cử, LG Việt Nam đang phải đối mặt với việc không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam, ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng do một số linh phụ kiện sản xuất các dòng này được nhập khẩu từ Trung Quốc (chủ yếu qua cửa khẩu Lạng Sơn).

Trường hợp không giải quyết sớm tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty vì dây chuyền sản xuất của Samsung Electronics Việt Nam được thiết kế để vận hành liên tục nhằm giảm chi phí, nếu buộc phải tạm ngừng sản xuất sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc vận hành trở lại, cũng như sẽ gây sụt giảm lớn về doanh số năm 2020 của công ty theo kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, ngành dệt may và da giày, túi xách, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỉ USD bông các loại; 2,3 tỉ USD xơ sợi và 12,7 tỉ USD vải; 5,6 tỉ USD nguyên phụ liệu. Nguyên phụ liệu ngành này còn đến khoảng giữa tháng 3 và đầu tháng 4.

Trước thực trạng trên, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào.

Bên cạnh đó là đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào một số mặt hàng quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới… để khắc phục khó khăn từ bên ngoài. Đồng thời tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm, chỉ riêng trong chuỗi cung ứng của châu Á, thì sản phẩm của Trung Quốc là chiếm tới 40%. Hiện tại, không chỉ mình Việt Nam bị tác động, song không thể phủ nhận tác động tới Việt Nam là rất lớn.

Bộ trưởng cho rằng cần nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để đảm bảo nguyên phụ liệu đầu vào, không để ảnh hưởng đến sản xuất. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc sản xuất đủ hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước.

"Sản xuất nhiều ngành công nghiệp trọng điểm chỉ duy trì tới tháng 3. Rõ ràng chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu chứ chưa thể cải thiện ngay được. Và điểm đáng nói, đáng suy nghĩ là dịch bệnh tiếp tục phức tạp. Chúng ta không bi đát, không trầm trọng hoá vấn đề, nhưng phải chủ động", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp 'cầm cự' vì thiếu nguyên phụ liệu