Ngày 16.2, UBND TP.Hà Nội đã lấy phiếu khảo sát xin ý kiến thầy cô giáo về nội dung thi 3 hay 4 môn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Hà Nội lấy ý kiến thi 3 hay 4 môn vào lớp 10: Các em cần hoàn thiện kiến thức

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 16/02/2023, 20:53

Ngày 16.2, UBND TP.Hà Nội đã lấy phiếu khảo sát xin ý kiến thầy cô giáo về nội dung thi 3 hay 4 môn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Hà Nội lấy ý kiến các thầy cô về việc nên thi 3 hay 4 môn vào lớp 10

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS theo quy định của Luật Giáo dục, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức khảo sát ý kiến thi 3 hay 4 môn vào lớp 10. Thầy cô giáo lựa chọn 2 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 sau:

1. Thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ

2. Thi 4 môn gồm: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư (bốc thăm).

Ngoài ra, thầy cô có thể đưa ra ý kiến khác (nếu có). Văn phòng UBND TP.Hà Nội đề nghị các thầy cô giáo cho ý kiến vào nội dung phiếu khảo sát và nhận lại kết quả trước 16 giờ ngày 16.2 (thứ Năm) để tổng hợp báo cáo.

Như vậy, theo nội dung thông báo kể trên, UBND TP. Hà Nội chỉ khảo sát ý kiến thầy cô, trong khi trên các diễn đàn cha mẹ học sinh, phụ huynh đang kêu gọi nhau nhanh chóng lựa chọn phương án chỉ thi 3 môn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay. Sở GD-ĐT Hà Nội nhiều lần cho biết việc thi 4 môn vào lớp 10 để tránh tình trạng học sinh học lệch, học tủ. Việc công bố môn thứ tư vào tháng 3 cũng hướng tới mục đích này, bởi nếu công bố sớm, Sở e các em sẽ không học các môn không thi, dẫn tới không đảm bảo chất lượng dạy và học.

z3505972850297_4c2f018bc23507efa996f20455d004d2.jpg
Kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội đang đến gần nhưng Sở chưa công bố môn thi thứ tư khiến phụ huynh và học sinh thấp thỏm

Phương thức tổ chức thi của Hà Nội cũng vấp sự phản ứng của dư luận khi tổ chức 4 bài thi, trong đó 3 bài thi được biết trước gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và gần kỳ thi mới công bố bài thi thứ tư. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến phụ huynh và học sinh mỗi khi thời điểm này cận kề vì không biết môn học nào sẽ được lựa chọn và phải căng mình ôn luyện tất cả các môn. Trong khi đó, khi bước vào bậc THPT, theo chương trình mới, học sinh được lựa chọn 4 môn học tùy chọn cùng 8 môn học bắt buộc. Điều này gây hoang mang và mệt mỏi cho nhiều học sinh và các phụ huynh.

Các học sinh cần phát triển năng lực cá nhân để phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông mới

Chia sẻ với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thúy Na - hiện đang giảng dạy tại trường THCS Mễ Trì (Nam Từ Liêm) cho biết, cô hiện vẫn đang giảng dạy cho các em học sinh lớp 9 tại trường. Tuy nhiên, thấy các em học sinh có áp lực lớn hơn, học đối phó hơn nếu phải thi thêm môn thi thứ 4. Hiện nay, việc ôn tập của các học sinh cuối cấp đã vào giai đoạn nước rút, nhiều em đã đi học ôn liên tục ở các trung tâm luyện thi, có những em học ôn tới 1-2 giờ sáng, làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như việc học của các em ngày hôm sau. Chính vì thế cô ủng hộ việc thi ổn định 3 môn cơ bản để các em học sinh ôn tập, không lo lắng quá nhiều.

Tuy nhiên, đi ngược lại với ý kiến cô Na, thầy Nguyễn Văn Quyết - hiện đang dạy tại một trường quận Ba Đình cho biết hiện nay theo định hướng chương trình GDPT mới phải đảm bảo trang bị toàn bộ tri thức nền tảng cho học sinh khi kết thúc lớp 9, từ đó học sinh có cái nhìn toàn diện, hiểu rõ bản thân, phục vụ phân luồng học sinh sau THCS. Các chương trình đã đổi mới phương pháp dạy nên việc thi 3 môn không phù hợp với chương trình cũ. "Nếu các em cứ cho rằng thi 4 môn áp lực hơn 3 môn thì điều đó không phải, quan trọng là các em nắm trọn vẹn kiến thức sách giáo khoa thì môn học nào các em cũng hoàn thành được, hoặc ít nhất hoàn thành đủ điểm để vượt qua. Nhiều học sinh khi lên cấp 3 đã mất gốc toàn bộ các kiến thức ở cấp 2 khiến việc bổ sung cho các em rất khó, chính vì thế ngay từ khi ở cấp 2 các em cần học nghiêm túc, đặc biệt ở chương trình mới. Đó mới là điều các em cần coi trọng, nên tôi ủng hộ việc thi 4 môn để các em có kiến thức nền tảng tốt hơn ở đa số các môn khác.

Còn TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội thì cho rằng, định hướng giáo dục bậc THPT đang thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc thi 4 môn không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Nhiều em định hướng chọn theo học khối xã hội khi lên cấp 3, nhưng khi thi vào lớp 10 thì môn thi thứ 4 lại thuộc khối tự nhiên.

"Điều này khiến học sinh vất vả ôn thi, tốn thời gian, điểm không cao như kỳ vọng, thậm chí có thể trượt lớp 10 vì điểm môn thứ 4 thấp. Trong khi, lên lớp 10 - chương trình mới, thì các em không học môn tự chọn khối tự nhiên đó", TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm. 

Hiện nay, việc thi 3 hay 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong khi Hà Nội chưa công bố phương án thi lớp 10 năm học 2023-2024 thì nhiều địa phương chỉ thi 3 môn.

Bài liên quan
Hà Nội thí điểm Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế
Cục Thuế TP.Hà Nội áp dụng thí điểm ứng dụng Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
9 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội lấy ý kiến thi 3 hay 4 môn vào lớp 10: Các em cần hoàn thiện kiến thức