TP.Hà Nội đã đưa ra giải pháp để bù khoản lỗ 159 tỉ đồng cho Hanoi Metro.

Hà Nội lý giải về khoản bù lỗ 159 tỉ đồng của Hanoi Metro

Tuyết Nhung | 14/11/2022, 11:28

TP.Hà Nội đã đưa ra giải pháp để bù khoản lỗ 159 tỉ đồng cho Hanoi Metro.

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến Hanoi Metro lỗ 159 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), số lỗ lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31.12.2021 là 159 tỉ đồng. Trong đó, số chi phí phát sinh từ khi thành lập ngày 27.11.2014 đến ngày 5.11.2021 là 139 tỉ đồng; lỗ phát sinh từ ngày 6.11.2021 đến ngày 31.12.2021 là 20 tỉ đồng.

UBND TP. Hà Nội cho biết, từ khi thành lập ngày 27.11.2014 đến ngày 5.11.2021 (thời điểm chính thức đưa tuyến đường sắt số 2A Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại), Hanoi Metro không có phát sinh doanh thu nhưng để đảm bảo duy trì hoạt động của Công ty và sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn lực khi được bàn giao, tiếp nhận vận hành tuyến đường sắt số 2A theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, Hanoi Metro phải thực hiện chi trả lương và các khoản theo lương (bảo hiểm, phúc lợi…) cho người lao động để đảm bảo đời sống và giữ chân người lao động, chi phí thuê trụ sở, chi phí hành chính, mua sắm các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công việc, chi phí đào tạo với số tiền 139 tỉ đồng.

TP lý giải, nguyên nhân khiến 2 tháng cuối năm 2021 thua lỗ là do số lượng khách di chuyển bằng đường sắt là 874.000 lượt, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến khoảng 4,9 triệu lượt; Hệ thống mạng đường sắt đô thị chưa kết nối đồng bộ các tuyến nên chưa hấp dẫn để thu hút đông người dân tham gia.

Mặc dù lượng hành khách đi chưa cao, song chi phí vận hành (điện, nhân công…) không thể cắt giảm.

Đặc biệt, giai đoạn đầu đưa vào vận hành tuyến 2A, giá vé tạm tính, với số lượng người tham gia giao thông bằng đường sắt chưa cao thì doanh thu bán vé không đủ để bù đắp các chi phí phát sinh liên quan.

Đưa ra giải pháp khắc phục các khoản lỗ trên của Hanoi Metro, TP cho biết, UBND TP.Hà Nội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đã điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt có lộ trình trùng với tuyến đường sắt số 2A, bổ sung các tuyến xe buýt mới đi từ các nhà ga, mở mới các bãi đỗ xe gần các nhà ga để tăng sự khớp nối trong hệ thống giao thông chungđể thuận tiện cho người dân khi di chuyển bằng phương tiện đường sắt đô thị. 

Qua đó, tăng số lượng hành khách, tăng doanh thu bán vé của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và sẽ không phát sinh thêm lỗ. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh khai thác thương mại trên toàn tuyến để tạo thêm nguồn thu, bù đắp số lỗ lũy kế.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, từ ngày 6.11.2021 (ngày chính thức vận hành thương mại) đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước, đã trải qua hơn 360 ngày khai thác an toàn, vận chuyển được khoảng 7,4 triệu lượt hành khách.

Hiện, trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có trên dưới 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có hơn 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 26.000 - 28.000 lượt khách; lượng khách đi lại thường xuyên là 5.000 - 6.000 người. Từ ngày 1.9.2022, đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác với tần suất 10 phút chuyến với 6 đoàn tàu; giờ cao điểm chạy 6 phút/chuyến với 9 đoàn tàu (lượng khách tăng khoảng 15%).

Ông Vũ Hồng Trường cho biết thêm, tuyến đường sắt đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy sự tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị. Đặc biệt, hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị.

Doanh thu vận tải hành khách trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 53 tỉ đồng, trong đó, doanh thu năm 2021 đạt hơn 5,3 tỉ đồng, 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 47 tỉ đồng. Sản lượng và doanh thu vé tháng tăng trưởng qua từng tháng, bình quân khoảng 20% và có xu hướng tiếp tục tăng lên trong các tháng cuối năm 2022.

Bài liên quan
Người dân Hà Nội xếp hàng trải nghiệm đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Đúng 9 giờ ngày 6.11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đón những hành khách đầu tiên. Rất đông người dân xếp hàng từ sáng sớm để chờ trải nghiệm dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội lý giải về khoản bù lỗ 159 tỉ đồng của Hanoi Metro