Việc triển khai hệ thống vé điện tử liên thông phù hợp với chiến lược và đồng bộ với chương trình chuyển đổi số của Chính phủ.
Từ ngày 28.11, thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức trên 25 tuyến xe buýt với nhiều loại hình tuyến, nhiều loại sức chứa, độ bao phủ rộng (gồm các tuyến xuyên tâm, tuyến nội thành, ngoại thành), bảo đảm tính phổ quát chung cho hệ thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiền đề cho việc đánh giá khi kết thúc thí điểm.
Ngoài việc phát hành thẻ vật lý điện tử (thẻ gắn chíp), từ tháng 4.2024, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội đưa vào vận hành ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" với hình thức thẻ vé QR động (thẻ ảo), áp dụng đối với thẻ vé tháng và thẻ miễn phí đi xe buýt nhằm tạo thuận lợi cho hành khách cũng như tiết kiệm chi phí phát hành thẻ vật lý. Thẻ vé tháng ảo có thể sử dụng không cần internet (offline) phù hợp với mọi hành khách. Đến nay, Trung tâm đã cấp được 13.222 thẻ ảo, chiếm 64,97%.
Trung tâm quản trị hệ thống vé (FMC) có thể thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu liên quan đến quá trình phát hành, thông tin khách hàng, các giao dịch phát sinh, quá trình sử dụng thẻ vé của khách và các lỗi trên hệ thống. FMC cung cấp đầy đủ hệ thống báo cáo vé lượt, vé tháng và tổng hợp báo cáo theo thời gian thực dựa trên yêu cầu của các đơn vị quản lý và vận hành hệ thống, giúp dễ dàng theo dõi tình hình hoạt động của các tuyến, các loại thẻ và sản lượng doanh thu tương ứng để kịp thời đưa ra các quyết định điều hành. Từ đó, thực hiện điều chỉnh, hợp lý hóa mạng lưới tuyến, bảo đảm phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
Với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, qua thí điểm trên 25 tuyến buýt, hệ thống phù hợp với quy trình vận hành tuyến và yêu cầu quản lý; giúp doanh nghiệp đơn giản quy trình, giảm bớt nhiều công đoạn so với trước đây. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể theo dõi được sản lượng, doanh thu của các tuyến thí điểm thuộc đơn vị quản lý. Công tác nghiệm thu, quyết toán sản lượng, doanh thu vé bán được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và chính xác.
Hành khách sẽ dễ dàng thanh toán mà không cần tiền mặt, đồng thời có thể đăng ký, gia hạn vé tháng trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và công sức... Thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) được sử dụng dễ dàng, phù hợp với mọi hành khách, mọi đối tượng, thông tin được bảo mật, an toàn...
Có thể khẳng định việc hỗ trợ nhiều loại hình thẻ, vé điện tử khác nhau trên một hệ thống duy nhất đem đến đa dạng lựa chọn dành cho khách hàng khi sử dụng thẻ, vé điện tử... giúp giảm lượng rác thải và góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời đơn giản hóa và tiết kiệm chi phí trong công tác bán, kiểm soát thẻ, vé. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ khắc phục tối đa thất thoát doanh thu; giảm thiểu việc gian lận vé cũng như tình trạng vé giả; hạn chế rủi ro thu phải tiền rách..., góp phần minh bạch cho các nhà cung cấp dịch vụ giao thông công cộng.
Trao đổi với báo chí về khả năng kết nối đa phương thức với các loại hình công cộng khác thông qua vé điện tử liên thông ra sao, bà Trần Thị Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, hệ thống thẻ vé điện tử liên thông là phần lõi quan trọng nhất trong một nền tảng triển khai hệ thống giao thông thông minh thành phố.
Hệ thống vé điện tử bảo đảm kết nối liên thông với tất cả các loại hình giao thông công cộng và có thể kết nối với những dịch vụ giao thông thông minh khác như dịch vụ bến bãi đỗ xe thông minh… Như vậy, vé điện tử liên thông góp phần xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, giúp việc di chuyển thuận tiện hơn, khuyến khích người dân sử dụng, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Từ kết quả thí điểm, Trung tâm đã đề xuất Sở Giao thông vận tải Hà Nội báo cáo UBND thành phố triển khai hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức cho toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Hệ thống được xây dựng theo mô hình gồm 5 cấp, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật; được triển khai liên thông cho toàn bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng có trợ giá, bảo đảm khả năng tương thích và tích hợp mở rộng thanh toán liên thông với các loại hình giao thông công cộng khác nhau trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Quy mô triển khai hệ thống gồm 128 tuyến xe buýt có trợ giá (bao gồm tuyến buýt nhanh BRT) đang khai thác vận hành trên địa bàn thành phố hiện nay, 2 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông và tuyến 3.1 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) và sẵn sàng mở rộng quy mô đáp ứng cho các tuyến mở mới.