Đài Channel News Asia dẫn một nghiên cứu mới với hơn 83.000 người tại Anh chỉ ra đứng lâu không cải thiện sức khỏe tim mạch mà thay vào đó có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tuần hoàn như giãn tĩnh mạch.
Nghiên cứu muốn tìm hiểu mối liên hệ giữa thời gian ngồi và đứng hàng ngày với bệnh tim mạch (CVD) như bệnh động mạch vành, suy tim, đột quỵ cũng như bệnh tuần hoàn tư thế (OCD) như hạ huyết áp tư thế, giãn tĩnh mạch, suy tĩnh mạch mãn tính, loét tĩnh mạch. Người tham gia - độ tuổi trung bình là 61 - đeo thiết bị trên cổ tay hơn 16 giờ/ngày và liên tục gần 7 năm để các nhà khoa học thu thập dữ liệu hoạt động lẫn tư thế cơ thể.
Ở tư thế ngồi, nghiên cứu rút ra kết luận tương tự nhiều nghiên cứu trước: ta có thể tử vong vì ngồi quá nhiều vì nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc ung thư cao hơn. Đặc biệt ngồi hơn 10 giờ/ngày làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
Nhưng việc đứng nhiều hơn không xóa bỏ tác động xấu của việc ngồi lâu. Nghiên cứu lưu ý rằng đứng hơn 2 giờ/ngày khiến nguy cơ mắc OCD tăng cao, hơn nữa đứng lâu chẳng ảnh hưởng gì đến nguy cơ mắc CVD.
Phải vận động thay vì chỉ đứng
Rời khỏi ghế là việc tốt, nhưng trên thực tế ta cần làm nhiều hơn là chỉ đứng. Giáo sư Chong Tze Tec (bệnh viện Đa khoa Singapore) cho biết: “Tư thế đứng kích hoạt vài nhóm cơ nhất định ở chân, lưng, hông. Nhìn chung việc này tốt cho sức khỏe. Nhưng chỉ đứng tại bàn làm việc không đủ vì như vậy có thể làm tăng lượng máu qua tĩnh mạch ứ động ở chân và dẫn đến rối loạn tĩnh mạch. Di chuyển xung quanh tốt hơn do kích hoạt cơ bắp chân giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch mắt cá chân”.
“Hơn nữa việc chỉ đứng không kích hoạt nhiều nhóm cơ khác nhau như lúc đi bộ hay tập thể dục, nên không đem lại thay đổi có lợi về trao đổi chất góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nói một cách đơn giản, chỉ đứng là không đủ khi so sánh với đi bộ và tập thể dục”, ông Chong nói thêm.
Phó giáo sư Ch'ng Jack Kian (bệnh viện Đa khoa Singapore) nói rằng nghiên cứu mới chỉ ra đứng lâu chẳng cải thiện sức khỏe tim mạch so với ngồi lâu, chứ không khuyến khích mọi người không rời khỏi ghế.
Ông Chong khuyên mọi người đứng và vận động ngắt quãng. Nếu không thể dành thời gian riêng cho hoạt động thể dục, hãy cố gắng tìm cơ hội vận động trong suốt ngày làm việc.
Chỉ nên đứng dưới 2 giờ/ngày?
Theo bác sĩ John Wang (trung tâm y tế PanAsia Surgery): “Giới hạn 2 giờ/ngày là thời gian trung bình mà hầu hết mọi người dành để đứng và không phải ai cũng gặp biến chứng nếu đứng lâu hơn”. Ông chỉ ra rằng chỉ 2,5% người tham gia nghiên cứu mới mắc OCD, ngoài ra nghiên cứu cũng không sàng lọc trường hợp mắc OCD từ trước lúc tham gia.
“Áp dụng phát hiện của nghiên cứu cho người ở mọi lứa tuổi cũng như đặt ra giới hạn đứng 2 giờ/ngày có chút quá đáng. Hiểu sai dữ liệu sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp và sinh kế của nhiều người”, ông Wang lưu ý.
Đứng đốt cháy nhiều calo hơn ngồi?
Nghiên cứu ghi nhận khác biệt về lượng calo tiêu hao giữa ngồi (80 calo) với đứng (88 calo) chẳng đáng kể. Chênh lệch 8 calo chỉ tương đương hai quả cà rốt nhỏ, mặc dù nhiều người tin duy trì tư thế đứng và giữ thẳng người tốn nhiều calo hơn.
Hệ quả khi đứng lâu
OCD có thể biểu hiện ở dạng nhẹ như nổi tĩnh mạch mạng nhện (nhỏ mảnh, màu đỏ) hay tĩnh mạch dạng lưới (xanh lam hoặc xanh lục, đường kính từ 1- 3 mm). Theo ông Chong: “Phần chân bị ảnh hưởng sẽ sưng lên từng ngày. Cơ bắp chân trở nên nặng nề, dễ bị mỏi hoặc chuột rút”.
Giãn tĩnh mạch là OCD phổ biến hàng đầu. Van trong tĩnh mạch không hoạt động tối ưu khiến máu ứ đọng tại mắt cá chân. Ở giai đoạn sau, OCD có thể trở nên rõ hơn rồi bắt đầu loét.
Ông Chong cho biết ngoài việc đứng lâu, vài yếu tố khác cũng gây ra OCD như: tuổi tác, di truyền, phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới, mang thai nhiều lần, tình trạng di truyền.
Cách giảm tác động xấu của việc đứng lâu
Nếu gặp tình huống hay nghề nghiệp đòi hỏi bạn phải đứng lâu, hãy tranh thủ nghỉ ngơi khi có thể hoặc cân nhắc mang vớ trị giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, ta nên chọn giày có lớp đệm tốt, ôm gọn và cho phép chân co giãn. Đặc biệt cần tránh giày cao gót vì gót chân bị nâng cao khiến cơ bắp chân giảm khả năng bơm máu trở về tim.