Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận khoảng 250 ca sốt xuất huyết, may mắn chưa có trường hợp tử vong. Theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nguy cơ bùng phát các ổ bệnh sốt xuất huyết ở ngoại thành Hà Nội rất dễ xảy ra.

Hà Nội: Xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh

19/06/2020, 16:27

Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận khoảng 250 ca sốt xuất huyết, may mắn chưa có trường hợp tử vong. Theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nguy cơ bùng phát các ổ bệnh sốt xuất huyết ở ngoại thành Hà Nội rất dễ xảy ra.

Hà Nội xuất hiện hai ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết hiện nay địa bàn Hà Nội tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ phát sinh ổ bệnh sốt xuất huyết, như tình trạng ô nhiễm môi trường, phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; nhiều khu nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn ở tạm bợ... Đặc biệt, thời tiết nắng nóng mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Từ đầu năm đến ngày 17.6 vừa qua, thành phố Hà Nội đã ghi nhận khoảng 250 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong, số mắc giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả kiểm tra công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại huyện Phúc Thọ cho thấy trên địa bàn huyện ghi nhận 8/21 xã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với 89 trường hợp mắc. Đáng lưu ý tại xã Tam Hiệp, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những ngày gần đây. Ghi nhận 81 ca mắc, Tam Hiệp trở thành xã có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất Hà Nội. Số ca mắc được phân bổ tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường. Sở Y tế Hà Nội đánh giá 2 ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng nhanh là xã Khánh Hà, huyện Thường Tín và xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai.

Hà Nội xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát là xã Khánh Hà, huyện Thường Tín và xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai

Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế thành phố và Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp tham mưu với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ những biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết; tập trung tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, nhất là tại khu vực nguy cơ cao.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, phòng chống sốt xuất huyết, Sở Y tế đề nghị chính quyền các địa phương cần quan tâm đến công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, huy động các ban ngành, đoàn thể... tham gia. Đồng thời cần tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ giám sát, diệt bọ gậy; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại địa bàn; tiến hành giám sát, khoanh vùng xử lý kịp thời những nơi phát sinh dịch bệnh.

Vẫn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tại một số xã, phường có tình hình dịch phức tạp đều ghi nhận chỉ số côn trùng cao. Nguyên nhân chính là các địa phương chưa thành lập đội xung kích hoặc đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, thiếu kinh phí hoạt động. Ngoài ra, việc phun hóa chất tại các ổ dịch còn chưa triệt để, tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất triệt để thấp (do đi vắng hoặc không hợp tác với nhân viên y tế).

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là lý do làm cho người bệnh chủ quan, nghĩ rằng bệnh đã đỡ, không tiếp tục điều trị hoặc tái khám, dẫn tới bệnh nặng và có thể tử vong. Các biểu hiện của bệnh trong giai đoạn này có thể là đau bụng, vật vã, lừ đừ, li bì kèm theo buồn nôn. Tình trạng xuất huyết gia tăng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc đái ra máu.

Vì vậy, bác sĩ Cấp khuyến cáo nếu bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C cần uống thuốc hạ sốt và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, cách nhau mỗi 4-6 giờ, bù dịch bằng đường uống như nước oresol hoặc nước trái cây... Người bệnh cần tái khám ngay khi có một trong các dấu hiệu như thấy khó chịu hơn mặc dù giảm sốt hoặc hết sốt, không ăn, uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; chảy máu mũi, miệng hoặc không đi tiểu trên 6 giờ; tăng kích thích, vật vã hoặc li bì…

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung

Bài liên quan
TP.HCM: Bé trai 4 tuổi mắc sốt xuất huyết nguy kịch thoát chết sau 6 lần lọc máu
Sau 3 ngày sốt, bé trai 4 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng, sốc kéo dài gây rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, biến chứng suy đa cơ quan…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh