Sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử Một Thế Giới - UBND thành phố Hà Nội đã gửi công văn số 5176 do Phó Chánh văn phòng Đỗ Đình Hồng ký, yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý sự việc mà báo chí đã nêu khi sa thải 185 giáo viên và gửi ngay báo cáo về UBND thành phố.
Liên quan đến vụ việc 185 giáo viên mầm non tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị sa thải gửi đơn thư kêu cứu. Báo điện tử Một Thế Giới đã vào cuộc và có loạt bài phản ảnh đúng thực trạng như đơn thư các giáo viên đã nêu.
Chiều ngày 3.8.2015, sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử Một Thế Giới - UBND thành phố Hà Nội đã gửi công văn số 5176 do Phó Chánh văn phòng Đỗ Đình Hồng ký, yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý sự việc mà báo chí đã nêu khi sa thải 185 giáo viên và gửi ngay báo cáo về UBND thành phố.
Các giáo viên trao đổi với báo chí về vụ việc khi nhận quyết định sa thải sau 34 tháng công tác
Hiện nay, theo thông tin mới nhận được, một số giáo viên của các trường đã được các hiệu trưởng gọi lên để ký các hợp đồng xác định thời hạn và thanh lý hợp đồng khi bản thân các giáo viên trước đó đã ký hợp đồng không xác định thời hạn với huyện Sóc Sơn từ năm 2012.
Chia sẻ riêng với Báo điện tử Một Thế Giới, giáo viên B.T.H khẳng định: “Trước khi được gọi lên ký lại hợp đồng, tôi đã có hợp đồng không xác định thời hạn. Nhưng nay chúng tôi lại thấy hiệu trưởng bảo ký thêm 1 bản thanh lý hợp đồng và 3 bản hợp đồng chỉ ghi thời hạn là 1 năm nhưng không ghi rõ là loại hợp đồng gì. Bản thanh lý hợp đồng được ghi ngày 1.7.2015, nhưng phía trường mầm non lại chưa giao lại cho tôi với lý do chờ tìm cái quyết định thanh lý hợp đồng. Hợp đồng chúng tôi ký kết dưới sự có mặt của hiệu trưởng trường mầm non Nam Sơn là bà Nguyễn Thị Lý và 2 hiệu phó của trường mầm non Nam Sơn là Nguyễn Thị Bích Hạnh và Nguyễn Thị Ngân".
Hợp đồng không xác định thời hạn của một giáo viên trong trường mầm non Phù Lỗ
Bên cạnh đó, giáo viên này cũng cho hay khi hiệu trưởng hỏi có nguyện vọng làm cô nuôi hay là làm giáo viên hợp đồng của trường hay không? Nhưng khi được hỏi lại là hợp đồng trường do huyện trả lương hay do trường trả lương thì hiệu trưởng nói không rõ về việc này.
“Thú thực, nếu ký hợp đồng với Trường (cơ sở) bản thân tôi cũng như các chị em trong 185 giáo viên không ai muốn ký. Vì lương mỗi tháng chỉ được hơn 1 triệu đồng, như vậy chúng tôi không đủ sống, không có bảo hiểm y tế, không có bất kỳ chế độ hay phụ cấp nào cả.
Ngày hôm nay (5.8.2015) tôi có lên trường gặp cô hiệu trưởng và hiệu phó, các cô đều khuyên đi học 3 tháng để lấy chứng chỉ làm bếp, xuống bếp nấu ăn. Chúng tôi đều tốt nghiệp thấp nhất Trung cấp, cao nhất là Đại Học, bao nhiêu năm học hành tử tế và 34 tháng kinh nghiệm giảng dạy, nuôi dưỡng chăm sóc trẻ, hàng năm hầu như tất cả chúng tôi đều được đánh giá là giáo viên hoàn thành xuất sắc, không thể nói xuống nấu ăn là nấu ăn được.” – chị H. cho hay.
Trước đó, chị H. đã được nhận quyết định về hợp đồng không xác định thời hạn của huyện Sóc Sơn ký và khi gặp gỡ với 185 giáo viên bị sa thải, ông Lê Hữu Mạnh vẫn khẳng định đó là hợp đồng không xác định thời hạn.
Văn bản UBND thành phố Hà Nội gửi huyện Sóc Sơn yêu cầu giải trình lý do sa thải 185 giáo viên gây bức xúc dư luận
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới – luật sư Trần Anh Dũng – đại diện văn phòng luật sư Dân Việt cho hay, nếu trường mầm non Nam Sơn tự ý bảo các giáo viên ký hợp đồng thì chính là hợp đồng khống, nó sẽ rơi vào khung hình sự khi mà có những dấu hiệu quy định, thoả mãn của Bộ Luật Hình Sự về các tội danh giả chữ ký, con dấu của tổ chức hay cá nhân. Và khi nó thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì lúc đấy sẽ có căn cứ xem xét để khởi tố.
Nhưng ở đây, các hiệu trưởng gọi các giáo viên lên để ký lại hợp đồng, ký thanh lý hợp đồng thì quan điểm của tôi, đứng góc độ luật sư: Đây có khả năng là hiệu trưởng các trường, UBND huyện Sóc Sơn có ý sửa những sai sót trước đây của huyện, hoàn thiện hồ sơ, hợp thức hoá trong các vấn đề hồ sơ, để sau này có vấn đề gì, họ có căn cứ, cơ sở để trả lời.
Bên cạnh đấy, luật sư Trần Anh Dũng cũng cho hay, để hợp thức hóa các văn bản, giấy tờ, một số trường mầm non đã ký hợp đồng lao động có thời hạn 6 tháng với các giáo viên. Xét trên mặt luật pháp, một công việc có tính chất thường xuyên như giáo viên mầm non mà lại bị ký hợp đồng thời vụ hay là hợp đồng ngắn hạn là trái quy định của luật lao động, làm ảnh hưởng tới quá trình công tác và đời sống của giáo viên.
Căn cứ vào quá trình sai phạm trên của phía UBND huyện Sóc Sơn cùng với 28 trường Mầm non công lập trong địa bàn, rất mong các cơ quan liên ngành cần vào cuộc sớm để xác minh, làm rõ và xử lý dứt điểm những sai phạm nêu trên của UBND huyện Sóc Sơn và hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Hoàng Yến