Tôi vừa có dịp quay lại thôn Tân Lập, xã Dăk Pxi, huyện Dăk Hà (Kon Tum) để nắm thông tin về số phận của 2 đứa trẻ mất tích cách đây gần một năm. Vừa gặp tôi, chị Y Dim, phó Chủ tịch UBND xã bảo: “Sao gần một năm tìm kiếm, đến giờ vẫn là con số không. Nhưng chúng tôi không hề bỏ cuộc, bởi người Xê Đăng chúng tôi không bao giờ bỏ nhau…”

Hai đứa trẻ mất tích và “rắn thần” trong tín ngưỡng của người Xê Đăng

Một Thế Giới | 06/10/2013, 13:30

Tôi vừa có dịp quay lại thôn Tân Lập, xã Dăk Pxi, huyện Dăk Hà (Kon Tum) để nắm thông tin về số phận của 2 đứa trẻ mất tích cách đây gần một năm. Vừa gặp tôi, chị Y Dim, phó Chủ tịch UBND xã bảo: “Sao gần một năm tìm kiếm, đến giờ vẫn là con số không. Nhưng chúng tôi không hề bỏ cuộc, bởi người Xê Đăng chúng tôi không bao giờ bỏ nhau…”

           

Buổi chiều định mệnh của đôi vợ chồng trẻ Xê Đăng

Với đôi mắt ngấn lệ, chị Y Công (sinh năm 1985), mẹ của hai đứa trẻ bị mất tích cho biết chị và anh A Phạn lấy nhau từ năm 2000 và có với nhau tổng cộng 6 đứa con, đứa lớn nhất 11 tuổi, đứa bé nhất chưa đầy 2 tháng tuổi. Hai đứa bị mất tích là con gái thứ hai tên Y Phới (9 tuổi) và người con trai duy nhất tên A Phú Kản (3 tuổi).

Cũng giống như nhiều gia đình người dân tộc Xê Đăng ở thôn Tân Lập, ngoài công việc nương rẫy ra cuối mùa khô vợ chồng chị cùng dân làng thường rủ nhau vào rừng chặt cây đót để kiếm thêm thu nhập. Do không có người trông coi nên chuyến đi năm nay, vợ chồng chị quyết định dẫn Y Phới, A Phú Kản và đứa con chưa đầy 2 tháng tuổi đi cùng.

Ngày 1.1.2013, anh A Phạn rời nhà cách đó hơn 15 km để vào rừng phát hoang để dựng lán trại. Ngày hôm sau, chị Y Công cùng với 3 con đi bộ lên sau. Sau một đêm và một buổi sáng ngủ nghỉ tại lán trại, khoảng 2 giờ chiều ngày 3.1 hai vợ chồng chị chia nhau mỗi người một ngả để tìm đót. Trước khi đi, chị căn dặn bé Y Phới (đã nhiều năm theo vợ chồng chị Y Công lên rừng) ở lại trại trông A Phú Kản còn chị địu theo đứa con nhỏ.

Khoảng một giờ sau, bất ngờ anh A Phạn nghe tiếng la thất thanh của vợ. Nghĩ rằng vợ vô ý làm rớt con nên anh lập tức vứt hết dao rựa để chạy tới cứu giúp. Gần đến nơi, anh thấy chị Y Công đứng như “trời trồng”, mặt mày xanh mét và không nói nên lời. Sau một hồi định thần, chị Y Công cho biết chị bị một con trăn khổng lồ chặn đường, đuổi mãi mà nó không chịu đi. Mặc dù cũng rất sợ nhưng nghĩ rằng con trăn to, bán được giá cao nên anh A Phạn gọi một số người đang chặt đót gần đấy bắt con trăn về lán của người hàng xóm để bán. Định chở ra buôn thì người thu mua đót gần đấy hỏi mua với giá 1,5 triệu đồng. Sau khi bán con trăn, vợ chồng anh trở về lán dẫn con đi mua ít bánh nhưng không thấy con đâu. Hỏi một người hàng xóm đang chặt đót gần đấy thì được người này cho biết, khoảng 20 phút trước ông vẫn còn thấy Y Phới địu em đi trên đường. Hỏi đi đâu thì Y Phới bảo rằng đang đi tìm mẹ. Nghĩ việc con đi tìm mẹ là chuyện bình thường nên hàng xóm này không quan tâm nữa.

Cho rằng hai con đi lạc chưa xa, bởi tính từ thời điểm rời lán trại đến lúc phát hiện 2 con biến mất chỉ diễn ra chưa đầy 1 tiếng đồng hồ nên vợ chồng anh A Phạn cùng những người trong nhóm chặt đót chia nhau đi tìm. Sau nhiều giờ tìm kiếm mà không có kết quả, anh An Phạn chạy về làng thông báo. Nhận được thông tin, già làng đã huy động toàn bộ hàng trăm thanh niên trai tráng mang đèn đuốc lên rừng tìm giúp. Tuy nhiên, sau một đêm lần dò từng gốc cây, con suối…dấu vết của 2 đứa trẻ vẫn là con số không tròn trĩnh.

doi vo chong tre nguoi xe dang mang noi dau mat con bi an suot mot nam nay

Đôi vợ chồng trẻ người Xê Đăng mang nỗi đau mất con bí ẩn suốt một năm nay

Đã nhiều năm nay, chủ nhân của hủ rượu rắn này không dám uống một giọt

Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, sáng hôm sau UBND xã vào cuộc bằng cách tung hàng trăm dân quân các thôn lân cận chia nhau đi tìm. Địa bàn tìm kiếm được mở rộng ra các thôn lân cận. Thậm chí, UBND xã còn cắt cử cán bộ đi sang tận huyện Tu Mơ Rông để nhờ hỗ trợ tìm kiếm. Mặc khác, khi nghe ở đâu nhận được trẻ lạc, các cán bộ xã còn đích thân đến tận nơi để nhận mặt. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng nổ lực tìm kiếm, tung tích của hai đứa trẻ vẫn hoàn toàn nằm trong vòng bí ẩn.
Chị Y Dim, phó chủ tịch UBND xã Dăk Pxi cho biết: “ Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra sự việc nên chúng tôi rất lo lắng. Đến tận bây giờ, không khí vẫn còn rất nặng nề. Mặc dù tần suất đi tìm thấp hơn so với 3 – 4 tháng đầu tiên, song cho đến bây giờ chúng tôi vẫn đi tìm 2 đứa bé và sắp tới, chúng tôi vẫn tiếp tục đi tìm.”.
“Rắn thần” trong tín ngưỡng của người Xê Đăng
Sau khi xảy ra sự việc, một số người đồn đoán rằng, sở dĩ Y Phới và A Phủ Kản bị mất tích là do cha của chúng, anh A Phạn đã chạm đến sự linh thiêng của thần rắn. Mặc dù lý do này khá mơ hồ  và mang tính hoang đường song nó lại được nhiều người làng đồng tình.

Một người dân cho biết, mặc dù không được xem là “thần” trong tín ngưỡng song những người lớn tuổi trong cộng người dân tộc Xê Đang hay khuyên bảo con cháu không được đụng đến rắn. Bởi con rắn chính là “sợi dây” kết nối giữa con người và thần linh. Vì thế, nếu thấy rắn xuất hiện trong nhà hay trên đường đi thì phải chấp tay khấn vái lập tức “thần rắn” sẽ tự động bỏ đi.

Niềm tin này được củng cố thêm khi cách đây hơn 30 chục năm, một thôn khác của thuộc xã Dăk Pxi cũng đã từng xảy ra một vụ hỏa hoạn thiêu rụi hơn 80% ngôi nhà trong làng. Nguyên nhân xuất phát từ việc trước đó một ngày, người làng đã bắt và giết thịt một con … rắn nặng gần 30 kí. Một cán bộ đồng thời là một người dân từng sống ở ngôi làng đó cho biết: “ Năm đó tôi khỏang 9 hay 10 tuổi gì đấy. Một hôm làng bắt được một con rắn rất to, theo ước tính của tôi nó nặng không dưới 30 kí. Sau khi bắt được, người dân tiến hành xẻ thịt chia cho mỗi nhà một khoanh to để làm thức ăn. Một ngày sau khi người làng ăn rắn, bất ngờ nửa đêm hôm sau ngôi làng bỗng dưng bốc cháy ngùn ngụt. Bình thường, trời không có gió thê mà không hiểu vì sau đêm đó gió thổi rất mạnh. Nhà ở thôn cất cách nhau hơn chục mét, thế mà nó vẫn bị ngọn lửa lan từ nhà này sang nhà khác khiến phút chốc gần 20 ngôi nhà biến thành tro bụi…”.

Vụ hỏa hoạn thui rụi làng vừa tạm quên thì cách đây hơn 10 năm, một ngôi nhà khác trong thôn khác của người Xê Đăng lải bỗng dưng bốc cháy với một kịch bản tương tự. Hỏi ra thì chủ nhà cho biết, trước đó ít hôm trong nhà ông xuất hiện một con rắn hổ chúa khoảng 12 kg. Đuổi thế nào nó cũng không đi nên ông quyết định rủ những người hàng xóm … đập chết. Sau đó, ông lấy phần thân ngâm rượu, phần lòng và máu làm đồ nhậu. Một ngày sau, căn nhà ở quê của ông đột nhiên bốc cháy khiến cả xóm hoảng loạn. Rất may vụ cháy xảy ra vào ban ngày nên đã được người làng kịp thời dập tắt. Sau vụ đó, ông mang hủ rượu vào tủ cất và cho đến tận bây giờ ông vẫn không dám đụng một giọt nào từ hủ rượu ấy!

Một chi tiết nữa khiến cho câu chuyện về vụ  mất tích thêm phần huyền bí liên quan đến hình thể của 2 đứa trẻ. Anh A Phạn cho biết, lúc mới sinh ra bé Y Phới có màu tóc rất kì lạ. Chỉ có một ít màu đen còn phần lớn là màu trắng. Do trong làng chỉ có duy nhất một mình em có màu tóc lạ như vậy nên người làng gọi Y Phớt là con của Yàng! Sáu năm sau ngày Y Phớt ra đời, vợ anh hạ sinh được một đứa con trai. Điều kì lạ lại lập lại khi đứa bé này cũng có màu tóc giống hệt người chị gái – đó chính là A Phú Kản. Trở lại với cái ngày định mệnh ấy, bình thường việc trông coi đứa em trai được giao cho đứa con gái 11 tuổi. Thế nhưng, hôm đó đứa bé này bận đi học nên công việc này được giao lại cho Y Phớt và bi kịch đã xảy ra.

Mặc dù câu chuyện về vụ mất tích được người làng thêu dệt theo hướng thần thánh hóa theo phong tục của người Xê Đăng, song với tư cách là một người cha – anh A Phạn vẫn tin rằng con mình lạc hay bị người khác bắt cóc để đưa đi Sài Gòn làm ăn xin. Bởi theo anh, khu vực xảy ra vụ việc suối rất cạn, không có thú dữ và không có hang sâu nào ngoại trừ một vài chiếc hố do người săn con dúi để lại. Còn nếu các cháu có chết vì đói thì tất nhiên phải còn phần xương cốt. Anh ngậm ngùi: “ Nhiều đêm nằm mơ thấy Y Phới, nó bảo em nó đang ở cùng với mấy đứa trẻ khác mà đau lòng. Một ngày nào đó mà chưa tìm được thấy các con dù sống hay chết tôi không thể yên lòng. Chỉ mong ai đó thấy cháu đang ăn xin đâu đó mà giữ lại giúp cho tôi…”.

                                                                                                                                              Nguyễn Minh

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai đứa trẻ mất tích và “rắn thần” trong tín ngưỡng của người Xê Đăng