Hàng chục ngàn người tại khu vực Viễn Đông, nước Nga, đã đồng loạt xuống đường biểu tình hôm 18.7 để phản đối việc thống đốc vùng Khabarovsk bị bắt giữ với cáo buộc chỉ đạo một số vụ giết người.

Hàng chục ngàn người Nga tiếp tục xuống đường biểu tình

19/07/2020, 17:09

Hàng chục ngàn người tại khu vực Viễn Đông, nước Nga, đã đồng loạt xuống đường biểu tình hôm 18.7 để phản đối việc thống đốc vùng Khabarovsk bị bắt giữ với cáo buộc chỉ đạo một số vụ giết người.

Người Nga xuống đường biểu tình hôm 18.7 - Ảnh: Reuters

Cuộc biểu tình nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với vị thống đốc và thách thức Điện Kremlin nay đã bước sang tuần thứ hai tại thành phố Khabarovsk. Dù cuộc biểu tình không được cho phép, cơ quan chức năng không có động thái giải tán đám đông hay ngăn chặn việc tụ tập.

Theo Washington Post, ước tính 50.000 người Nga đã tham gia biểu tình ở Khabarovsk, đây được xem là chuyện hiếm thấy đối với các vùng xa xôi ở xứ sở Bạch Dương. Trước đó, trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp hôm 1.7, thành phố 600.000 dân là nơi có tỷ lệ người đi bỏ phiếu thấp thứ hai trên toàn nước Nga, ở mức 44,2%, theo ủy ban bầu cử quốc gia.

Tuần trước, hàng chục ngàn người Nga cũng đã xuống đường để phản đối việc ông Sergei Furgal, Thống đốc vùng Khabarovsk, là thành viên của một phe đối lập chính - đảng Dân chủ Tự do Nga bị bắt hôm 9.7 và đưa đến Moscow với cáo buộc ra lệnh sát hại nhiều lãnh đạo doanh nghiệp 15 năm trước.

Truyền thông địa phương đã đưa tin về cuộc tuần hành có quy mô "lớn nhất lịch sử Khabarovsk" và ước tính số người tham gia có thể lên đến 20.000-30.000. Trong khi đó, các nhóm ủng hộ chính trị gia đối lập Alexei Navalny nói cuộc tuần hành có đến 40.000 người tham gia, phá vỡ kỷ lục của địa phương. Một số cuộc tuần hành khác với quy mô nhỏ hơn cũng được tổ chức ở các thành phố khác trong vùng Khabarovsk.

Được biết, ông Sergei Furgal đắc cử thống đốc vùng Khabarovsk vào năm 2018, một chiến thắng chấn động của đảng Tự do Dân chủ (LPDR) khi đánh bại đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin với 70% phiếu bầu. Ông bị bắt giữ chỉ vài ngày sau khi ông Putin giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp, mở đường cho đương kim tổng thổng Nga tiếp tục lãnh đạo đất nước này đến năm 2036.

Ủy ban Điều tra của Nga cho biết lời khai của các nhân chứng và những "bằng chứng không thể chối cãi" khác cho thấy ông Furgal dính líu đến việc tổ chức sát hại các doanh nhân đối thủ vào năm 2004 và 2005.

Ông Furgal phủ nhận mọi cáo buộc, và những người ủng hộ ông cho rằng việc khởi tố ông có động cơ chính trị. Theo họ, đây là hành động trả thù sau khi ông Furgal giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử thống đốc hồi năm 2018. Những người ủng hộ vị thống đốc vùng Khabarovsk chất vấn rằng nếu ông Furgal thực sự liên quan đến việc giết người, tại sao đến 15 năm sau ông mới bị bắt.

Khi được hỏi về diễn biến ở Khabarovsk có thể được xem là hành động chống lại chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuần trước nói: "Yếu tố cảm xúc của người dân Khabarovsk và toàn vùng là hoàn toàn có thể hiểu được, trong bối cảnh sự việc khá bất thường và liên quan đến người có chức vụ cao. Tuy nhiên, hành vi giết người là một đại tội, và cũng là cáo buộc rất nghiêm trọng”.

Đáng chú ý, hơn 1.000 người Nga đã xuống đường biểu tình hôm 15.7 để phản đối những sửa đổi về hiến pháp được đề xuất, mà qua đó mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin có thể duy trì quyền lực thêm 16 năm nữa. Giữa vòng vây cảnh sát, khoảng 500 người biểu tình tại trung tâm thủ đô Moscow, họ mang khẩu trang in chữ “Không”, hô to khẩu hiệu kêu gọi ông Putin từ chức như “Nga không có Putin" và "Nga sẽ được tự do", đồng thời giơ cao các biểu ngữ chống sửa đổi hiến pháp. Ngoài ra, khoảng 1.000 người cũng đã tập trung cho một sự kiện biểu tình tương tự ở thành phố Saint Petersburg.

Hoàng Vũ (theo Washington Post)

Bài liên quan
Nga và Iran tăng cường hợp tác quốc phòng
Reuters đưa tin ngày 17.1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vừa ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 20 năm, qua đó tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng chục ngàn người Nga tiếp tục xuống đường biểu tình