Ngày 27.9 chính là thời gian cuối cùng mà các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ yêu thích bằng phiếu, tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, các thí sinh cần cân nhắc và cẩn trọng trong việc điều chỉnh trong đợt xét tuyển bổ sung vào ngày 15.10 tới đây.

Hết thời gian điều chỉnh nguyện vọng, các chuyên gia lưu ý thí sinh trong đợt xét tuyển bổ sung sắp tới

28/09/2020, 13:58

Ngày 27.9 chính là thời gian cuối cùng mà các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ yêu thích bằng phiếu, tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, các thí sinh cần cân nhắc và cẩn trọng trong việc điều chỉnh trong đợt xét tuyển bổ sung vào ngày 15.10 tới đây.

Các chuyên gia lưu ý thí sinh điều chỉnh nguyện vọng vào những giây phút cuối cần cẩn trọng

Theo báo cáo nhanh của bộ phận thường trực và theo dõi hệ thống của Bộ GD-ĐT, tính đến chiều 27.9, có gần 30.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, chiếm 40% thí sinh đăng ký xét tuyển. Trong đó, số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến chiếm 70%.

Nên ghi nguyện vọng yêu thích nhất lên trên cùng

Việc điều chỉnh nguyện vọng đã kết thúc, nhưng các thí sinh vẫn còn có cơ hội mở khi mà các trường sẽ có đợt xét tuyển bổ sung vào 15.10 tới đây. Đây là cơ hội mở với tất cả các thí sinh, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng các thí sinh nên cân nhắc cẩn trọng trước khi điền vào phiếu điều chỉnh nguyện vọng.

Chia sẻ với phóng viên, TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó ban quản lý đào tạo Học viện báo chí và tuyên truyền cho biết khi các em đã trúng tuyển 1 nguyện vọng rồi thì tốt nhất không nên thay đổi nguyện vọng nữa. Bởi lẽ sự dịch chuyển của phổ điểm chính là sắp xếp theo sự ưu tiên từ cao đến thấp. "Chính vì thế thí sinh cần sự an toàn, nếu trúng nguyện vọng đầu tiên thì nên dừng lại vì đó chính là ngành học mà thí sinh đó yêu thích nhất. Các em có lựa chọn đi đường vòng đi chăng nữa vì cho rằng đó không phải ngành học các em muốn học thì phải tính đến sự chênh lệch giữa các phổ điểm khác nhau. Ví dụ có em thích ngành báo chí nhưng không đỗ vào trường ở kỳ thi năng khiếu báo chí thì có thể học một ngành khác tại trường, sau đó đăng ký học song ngành. Đây cũng là giải pháp để thí sinh có thể đảm bảo đỗ và thực hiện được ước mơ của mình".

Còn theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - trường ĐH Ngoại thương Hà Nội thì cho rằng các thí sinh có ước mơ gì thì cứ mạnh dạn ghi nguyện vọng đó lên trên cùng. "Việc xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay đầy rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ, khi điểm thi của thí sinh rất cao. Nguyên nhân do nhiều em đạt điểm cao thường có tâm lý chủ quan với điểm số của mình, có xu hướng đăng ký vào những trường tốp trên và thường chọn rất ít nguyện vọng. Nếu năm nay, các em làm như vậy, sẽ rất khó lường vì điểm cao chung. Khi 1 thí sinh trúng tuyển vào 1 nguyện vọng, nếu trượt nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2 sẽ trở thành nguyện vọng 1. Đây là việc "lọt sàng xuống nia. Vì có những em đủ điểm nhưng lại thắc mắc không được nhà trường gọi nhập học, nguyên nhân là do các em đã lựa chọn một ngành khác dễ hơn, điểm trúng tuyển thấp hơn ghi ở trên cùng và nghiễm nhiên trường mà em yêu thích ở dưới sẽ không gửi phiếu nhập học nữa vì theo lý em đã đỗ ở trường khác ở trên. Các em cần nhớ nguyên tắc, những nguyện vọng thích hơn và khó hơn sẽ đặt ở trên, những nguyện vọng dễ hơn để ở dưới” - cô Hiền chia sẻ.

Thí sinh nên kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học một cách cụ thể và suy nghĩ ngành học của mình sau khi ra trường

Học sinh nên lựa chọn trường theo sở thích chứ không theo xu thế

Đưa ra nguyên lý lựa chọn các ngành theo sở thích chứ không nên theo xu thế thị trường tìm ngành hot, TS Lê Thanh Bình - Trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Nhiều khi chúng ta nghĩ ngành này hot ngành kia hot nhưng các bạn phải xem xét kỹ lưỡng ngành đó hot ở thời điểm nào. Có thể thời điểm hiện tại ngành đó đang hot nhưng đến 4 năm sau nhu cầu thị trường sẽ bị bão hoà. Nếu học ngành hot nhưng không tập trung thì ra trường cũng sẽ không được chấp nhận. Trong khi đó, nếu học những ngành khác nhưng nỗ lực thì ra trường chúng ta cũng sẽ có những cơ hội việc làm tốt. Theo tôi, tất cả chỉ mang tính tương đối và cơ hội việc làm vẫn luôn chờ đợi mỗi em học sinh miễn là các em học tập và rèn luyện tốt".

PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, qua phân tích phổ điểm cũng như chỉ tiêu còn lại của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2020 hiện còn lại là 360 (sau khi có 37 thí sinh nộp các giấy tờ liên quan xác nhận tuyển thẳng), tỷ lệ điểm trúng tuyển năm 2020 của ngành Y, Dược có lẽ cũng đạt tiệm cận với điểm kỷ lục cao của năm 2017, tăng từ 2-3 điểm so với ngưỡng điểm chuẩn năm 2019. "Tuy nhiên các thí sinh nên chú ý lựa chọn trường học cho cẩn trọng vì việc lựa chọn ngành hot nhưng chưa đúng trường cũng sẽ làm mình mất cơ hội. Chưa kể rất nhiều ngành dù hot nhưng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu xã hội thời gian ra trường. Cơ hội việc làm thực chất phụ thuộc vào năng lực và nhất là sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Bởi dù có học ngành được coi là hot nhưng kết quả học tập không tốt, người học không có thái độ cầu tiến và thiếu đi ý chí cũng như khả năng không ngừng học hỏi thì thị trường lao động cũng sẽ không chấp nhận" - ông Tùng chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết năm nay, rất nhiều trường đại học bổ sung các phương thức tuyển sinh bên cạnh hai phương thức truyền thống là xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Điều này mở ra thêm cơ hội lựa chọn cách xét tuyển cho thí sinh nhưng vì không đọc đầy đủ thông tin, chủ quan hoặc tìm cách tăng cơ hội cho mình bằng cách không đúng quy định dẫn đến việc nhiều thí sinh mất cơ hội xét tuyển.
"Các em nên cân nhắc theo tiêu chí thứ tự: Ngành nghề yêu thích, phù hợp khả năng, trình độ bản thân, triển vọng của nghề nghiệp rồi mới đến điều kiện của gia đình" - bà Thủy lưu ý.

Bài, ảnh: Dạ Thảo

Bài liên quan
Bổ sung 800 tỉ đồng xây cầu Phong Châu mới
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1389 bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hết thời gian điều chỉnh nguyện vọng, các chuyên gia lưu ý thí sinh trong đợt xét tuyển bổ sung sắp tới