Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị vào thời kỳ “hậu dân số vàng” và chuẩn bị đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Vậy tình trạng này có làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới?
Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị vào thời kỳ “hậu dân số vàng” và chuẩn bị đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Vậy tình trạng này có làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới?
Báo cáo “Sống lâu và giàu có” của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 28.3 chỉ ra tốc độ già hóa nhanh trên quy mô lớn tại các nước Đông Á đang tạo ra thách thức về chính sách, áp lực kinh tế và tài khóa cũng như nhiều rủi ro xã hội khác. Nếu không cải cách thì chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên mức từ 8 - 10% GDP vào năm 2070. Đồng thời, hệ thống y tế của các nước sẽ phảiđối mặt với những khoản chi chữa bệnh, vì các bệnh như ung thư, bệnh tim, tiểu đường và nhiều bệnh mạn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi phí khám chữa bệnh vào năm 2030. Trong khi đó, lớp người cao tuổi hôm nay sẽ nhận được sự chăm sóc từ gia đình ít hơn.
Về phía Việt Nam, báo cáo cho biết vào năm 2040 Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một xã hội già vì số lượng người già được dự báo tăng gấp 3 lần, tăng từ 6,3 triệu người hiện nay tới trên 18 triệu người, chiếm tới hơn 18% số dân. Sự biến đổi dân số này sẽ tác động đến động lực tăng trưởng kinh tế, gây áp lực ngày càng tăng lên hệ thống hưu trí và y tế.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia có mặt tại cuộc họp công bố báo cáo đã nhận định rằng Việt Nam phải có những hành động về chính sách và thay đổi hành vi trong xã hội để làm giảm nhẹ hậu quả của tình trạng già hóa dân số.
Góp mặt tại buổi công bố báo cáo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận: Thiếu hụt về nhân lực đang là thách thức lớn của thị trường lao động Việt Nam vì vấn đề quan trọng trong nền kinh tế hiện nay là tăng năng suất lao động. Trong khi đó, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang rất thấp. Đặc biệt trong nhiều năm tới, mức độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ ngày càng cao, theo đó cần phải tăng năng suất lên cao và đảm bảo bảo hiểm lao động cho người lao động, đặc biệt là những người lao động già để họ có thể trang trải cho cuộc sống, điều này cũng sẽ làm giảm gánh nặng cho nền kinh tế.
Ông Giang Thanh Long, Giám đốc Viện Chính sách công và Quản lý (IPPM), thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định rằng: “Già hóa dân số không còn là vấn đề mới với Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta nhìn già hóa dân số với con mắt thế nào. Trên thực tế, Việt Nam vẫn nhìn vấn đề già hóa bằng con mắt rất tối, dù cho đó là thách thức hay cơ hội”.
“Nếu nhìn vào người già hiện nay, cách đây mấy chục năm họ đã trải qua chiến tranh, cuộc sống vất vả và không có điều kiện để tích lũy thu nhập. Nếu chỉ nhìn như vậy sẽ thấy một bức tranh tối về người già ở Việt Nam. Việt Nam đang bước vào thời kỳ cải cách dân số vàng, và chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị rất tốt với thời kỳ dân số già trong vào 3-4 thập niên tới”, ông Long cho hay.
Qua đó, ông Long cũng cho rằng cần nhìn nhận vấn đề dân số già trong bối cảnh “động” và vòng đời những người già đã phải trải qua để từ đó có được chính sách phù hợp.
“Già hóa dân số không thực sự là cái gì đó be bét, đó chỉ là do chính sách, vấn đề già hóa là đương nhiên, xảy ra nhiều nước. Theo đó, các nước cần phải có chính sách thiết thực cho tình trạng này để trong thời gian tới, dù Việt Nam là một xã hội già thì nền kinh tế vẫn không bị đả thương nghiêm trọng”, ông Long nói.
Đưa ra giải pháp giảm tác động tiêu cực của vấn đề già hóa dân số, Ngân hàng Thế giới cho biết giải pháp tăng lực lượng lao động nghĩa là kéo dài thời gian lao động của người lao động cao tuổi. Đặc biệt ở Việt Nam, khả năng tăng tuổi lao động đối với người dân đô thị vẫn còn lớn. Bên cạnh đó cũng phải tăng cường cải cách hệ thống hưu trí.
WB cho rằng nếu có sức khỏe tốt thì tỷ lệ người cao tuổi lệ tham gia lực lượng lao động sẽ vẫn nhiều. Về mặt lý thuyết, sức khỏe tốt sẽ giúp kéo dài thời gian lao động nhưng không tăng theo tỷ lệ do bị ảnh hưởng của thu nhập. Các xu thế tham gia lực lượng lao động và mức tăng độ tuổi trung bình có sức khỏe tốt cho thấy có thể tăng thời gian lao động tại các nước trong khu vực, nhất là đối với nữ.
Ngoài ra, việc tăng cường giáo dục cũng góp phần chống đỡ già hóa dân hóa, đóng một vai trò trong việc nâng cao tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đối với tất cả các độ tuổi. WB cũng đề xuất cần thực hiện cải cách bảo hiểm xã hội, chính sách lao động và chính sách di trú đề kéo dài thời gian lao động của người cao tuổi.
Tuyết Nhung