Thiên tai hạn mặn được đánh giá là lớn nhất trong vòng 100 năm qua này không chỉ đang đe dọa đè nặng thêm lên ngân sách quốc gia mà còn có khả năng kéo lùi nền kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2016 và cả những năm sau đó.



Tác động do hạn mặn đang vượt xa sức tưởng tượng của Việt Nam

Nhàn Đàm | 29/03/2016, 14:24

Thiên tai hạn mặn được đánh giá là lớn nhất trong vòng 100 năm qua này không chỉ đang đe dọa đè nặng thêm lên ngân sách quốc gia mà còn có khả năng kéo lùi nền kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2016 và cả những năm sau đó.



Câu chuyện nóng nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong những ngày nàykhông gì khác ngoài thiên tai, hạn hán và xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Nó đã sớm vượt ra khỏi câu chuyện thiên tai đơn thuầnmà đang dần trở thành một tác nhân có tầm ảnh hưởng lớn, có thể làm thay đổi lộ trình đã vạch ra cho nền kinh tế Việt Nam trong cả năm 2016.

Những hậu quả mà tình trạng hạn hán và xâm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long quả thực đang vượt xa sức tưởng tượng của người Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc tàn phá nền nông nghiệp của 8/13 tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân tại các tỉnh này qua việc cướp đoạt nguồn thu chủ yếu đến từ nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt, nó còn gây ra những tác động trầm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Thảm họa thiên tai được đánh giá là lớn nhất trong vòng 100 năm qua này không chỉ đangđe dọa đè nặng thêm lên ngân sách quốc giamà còn có khả năng kéo lùi nền kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2016 và cảnhững năm sau đó.

Cụ thể, theo báo cáo của viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tình trạng hạn mặn có thể sẽ kéo dài đến hết mùa khô năm nay (tháng 4.2016)và sẽ có khoảng 400.000 ha lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị mất 50% năng suất, trong đó có 160.000 ha coi như mất trắng. Nếuhạn mặn kéo dài đến hết tháng 4 như dự báo, sẽ có thêm khoảng 50.000 ha lúa nữa mất trắng. Ngoài diện tích trồng lúa, diện tích trồng cây ăn trái tại các tỉnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cùng chung hậu quả là các hộ nuôi tôm và cá trên sông cũng có thể bị cuốn trôi tất cả thành quả.

Theo ước tính của bộ NN&PTNT, tổng thiệt hại của đợt hạn mặn lần này có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nếu như kịch bản xấu nhất là hạn hán sẽ kéo dài đến tháng 6 thì toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ rơi vào tình trạng không thể xuống giống đúng thời vụ. Khi đó tổng thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiềuvàcó ít nhất là 300.000 hộ dân (tương đương 1,5 triệu người)rơi vào cảnh không có thu nhập từ việc trồng lúa.

Những hậu quả này tất yếu kéo theo những gánh nặng tài chính rất lớn để khắc phục hậu quả. Ngoài khoản tiền hơn 500 tỷ đồng và 10.000 tấn lúa cứu trợ khẩn cấp cách đây ít lâu,ước tính sẽ cần một khoản kinh phí khổng lồ để khắc phục tình trạng hiện tại cũng như ngăn chặn thảm kịch hạn mặn tái diễn.

Theo tính toán của bộ NN&PTNT thì Chính phủ có thể sẽ phải chi khoảng 10.500 tỷ đồng để tạm thời khắc phục hậu quả cho các địa phương, trong đó 620 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của hạn mặn, 200 tỷ để người dân khôi phục sản xuất, số còn lại để các địa phương tạm ứng để hỗ trợ khẩn cấp kinh phí phòng chống thiên tai. Điều này có nghĩa là, khoản tiền hơn 10.000 tỷ đồng cứu trợ mới chỉ mang ý nghĩa tạm thời khắc phục, chứ chưa bao gồm việc giải quyết cơ bản và dứt điểm vấn đề hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Các chuyên gia nước ngoài nhận định, để chấm dứt hoàn toàn vấn đề hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới, số tiền mà Việt Nam cần bỏ ra để xây dựng hệ thống thủy lợi, bao gồm các hồ chứa nước và kênh ngăn mặn, có thể lên đến hàng tỷ USD. Đây rõ ràng là một khoản chi không nhỏ, có thể tác động tới tăng trưởng nền kinh tế trong nhiều năm liền.

Tuy nhiên, những hậu quả của hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long với nền kinh tế chưa dừng lại ở đó. Trên thực tế nó đang có một tác động lớn, toàn diện và sâu rộng đối với nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Trước hết, nó đang là yếu tố chủ đạo kéo lùi tăng trưởng của cả nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn so với mức 6,12%cùng kỳ năm 2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tình trạng hạn mặn và tình trạng tàn phá nền nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long có thể kéo lùi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong cả năm 2016 xuống còn khoảng 5,5-5,6%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 6,7-6,9%. Ngoài ra, nó còn gây ra hậu quả trên một loạt các lĩnh vực, như tăng giá lương thực ở các tỉnh phía Nam sẽ đẩy mức lạm phát vốn cũng đang được dự báo sẽ vượt mức đặt ra là 5% trong năm nay.

Nhưng trên hết, tình trạng hạn mặn hiện tại đang tạo ra một áp lực lớn chưa từng có lên tình trạng ngân sách của Việt Nam vốn cũngcăng như dây đàn. Việc khắc phục hậu quả tại đồng bằng sông Cửu Long không khác gì một vết thương rỉ máu không được băng bó. Ngoài việc sản xuất nông nghiệp tại khu vực này bị thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng, số tiền Chính phủ phải chi để cứu trợ ngắn hạn dự kiến lên đến hơn 10.000 tỷ đồng,nhiều khả năng còn tăng thêm không ít trong thời gian tới. Đó là chưa kể những khoản chi khổng lồ lên đến cả tỷ USD cho hệ thống thủy lợi ngăn mặn nhiều khả năng bắt đầu tiến hành trong thời gian tới để ngăn chặn khả năng hạn mặn sẽ quay trở lại vào năm sau.

Và trong bối cảnh ngân sách Việt Nam cũng đang chịu sức ép lớnthì những khoản chi khổng lồ này quả thực là một vấn đề nghiêm trọng.

Không có tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long thì ngân sách quốc gia cũng vẫn ở trong tình thế hiểm nghèo. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tiền trả nợ của Việt Nam trong năm 2016 sẽ chiếm khoảng 26% tổng thu ngân sách, trong khi nhu cầu tài chính dành cho phát triển kinh tế đang tăng lên đáng kể,nhất là gần đây ngân hàng thế giới (WB) cho biết kể từ giữa năm 2017 Việt Nam sẽ không còn được tiếp tục các khoản vay ODA ưu đãi lãi suất thấp như trước nữa.

Nói cách khác, ở thời điểm hiện tại, ngân sách quốc gia đang lâm vào cảnh đã nghèo còn vướng cái eo, vừa hụt thu một khoản lớn do hạn mặn đã tàn phá nông nghiệp miền Nam,vừa phải chi ra những khoản tiền lớn để khắc phục hậu quả cũng như tránh tình trạng hạn mặn tái diễn vào năm sau. Như trường hợp của Thái Lan đã chỉ ra, hệ thống thủy lợi quy mô ở Đông Bắc nước này mất tới vài năm để hoàn thành,Việt Nam cũng sẽ cần một khoảng thời gian tương tựvà việc chi một khoản tiền lớn trong nhiều năm liên tiếp như vậy sẽ có tác động không nhỏ tới nền kinh tế các năm sắp tới.

Tình trạng căng thẳng và khó khăn về ngân sách quốc gia khá rõ ràng, khi mà các bộ ngành bắt đầu triển khai các kế hoạch để cứu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2016.

Theo ông Hà Quang Tuyến, vụ trưởng vụ thống kê tài khoản Quốc gia (Tổng cục thống kê), để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt 6,7% cần thực hiện ngay một số giải pháp, nổi bật là khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô nhằm cứu tăng trưởng cho năm nay. Nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ đang ngày càng có xu hướng giảm, chỉ chiếm 6% tổng thu ngân sách trong năm 2015,theo kế hoạch sẽ còn giảm nữa trong các năm tiếp theo. Vì thế, việc Việt Nam một lần nữa phải dựa vào dầu mỏ để cứu tăng trưởng bất chấp giá dầu vẫn ở mức thấp đang cho thấy sức ép lên ngân sách đang lớn đến mức nào.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)
Bài liên quan
Chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động đến xuất khẩu cá tra Việt Nam
Với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết" hay là "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác động do hạn mặn đang vượt xa sức tưởng tượng của Việt Nam