Suốt thời gian qua, nhiều địa phương vẫn xem ODA là "của trời cho" mà không hiểu được bản chất đây là khoản vay phải trả trong khoảng 20-30 năm sau. Do đó, áp lực và trách nhiệm phải trả khoản vay này vẫn chưa được đề cao.

Hết thời lầm tưởng ODA là 'của trời cho'

04/10/2018, 18:30

Suốt thời gian qua, nhiều địa phương vẫn xem ODA là "của trời cho" mà không hiểu được bản chất đây là khoản vay phải trả trong khoảng 20-30 năm sau. Do đó, áp lực và trách nhiệm phải trả khoản vay này vẫn chưa được đề cao.

Thời gian qua, vốn ODA và vay ưu đãi đang bộc lộ những điểm hạn chế nhất định - Ảnh: Internet

Bẫy ODA và hàng loạt dự án đội vốn

ODA và vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp, thời hạn vay dài (25-40 năm) và thời gian ân hạn hợp lý (thường 5-10 năm). Tuy nhiên, thời gian qua, vốn ODA và vay ưu đãi cũng bộc lộ những điểm hạn chế nhất định.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư từng cảnh báo, cùng với quá trình phát triển của quốc gia nhận viện trợ, lãi suất vay có xu hướng tăng dần, nếu không cân nhắc kỹ, có thể Việt Nam sẽ rơi vào bẫy "ODA và vay ưu đãi" khi lãi suất và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên đại học Fulbright Việt Nam tính toán hiện tại lãi vay ODA 1-2%/năm. Nếu cộng thêm các khoản ngoài lãi như phí tư vấn, dàn xếp vốn, chi phí đội vốn… tổng chi phí vay ODA không rẻ hơn các khoản vay thương mại hiện có với lãi suất khoảng 7%/năm. Thậm chí, chi phí vay ODA thực tế ở một số dự án phải trả có thể lên đến 10%/năm.

Một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu... khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh. Ngoài ra, rủi ro do tác động bất lợi của biến động tỷ giá, đặc biệt là việc lên giá của đồng tiền ODA và vay ưu đãi so với đồng Việt Nam có thể làm tăng nghĩa vụ trả nợ và tăng nợ công.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị.

Đơn cử như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tăng từ 19.555 tỉ đồng lên 51.750 tỉ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống 33.568 tỉ đồng; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 17.387 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng; dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM tuyến Bến Thành -Tham Lương vay nguồn Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỉ đồng lên 47.603 tỉ đồng

Đáng chú ý là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đội vốn tăng từ 8.769 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian dài vừa qua.

Chính thức kiểm soát chi ODA

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16.3.2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó bổ sung quy định kiểm soát chi nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Nghị định của Chính phủ nêu rõ việc kiểm soát và thanh toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi, hay còn gọi là kiểm soát chi áp dụng theo các quy định hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, kho bạc nhà nước các cấp thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của hai loại dự án.

Loại dự án thứ nhất là dự án hoặc hợp phần dự án được ngân sách nhà nước cấp phát; loại thứ hai là dự án áp dụng cơ chế cấp phát một phần, vay lại một phần theo tỷ lệ và dự án vay lại của ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của dự án hoặc hợp phần dự án áp dụng cơ chế vay lại toàn bộ.

Đối với các chương trình, dự án khác chưa được xác định theo các loại dự án trên, thì Bộ Tài chính xác định cơ quan kiểm soát chi phù hợp, đảm bảo nguyên tắc không có hai cơ quan kiểm soát chi cùng kiểm soát một hoạt động chi tiêu của dự án.

Nghị định cũng nêu rõ về hình thức kiểm soát chi, kiểm soát chi trước là việc cơ quan kiểm soát chi kiểm tra, xác nhận tính hợp pháp, hợp lệ của khoản chi trước khi chủ dự án rút vốn thanh toán cho nhà thầu, người thụ hưởng.

"Trong vòng 30 ngày kể từ ngày rút vốn thanh toán, chủ dự án phải hoàn tất hồ sơ thanh toán gửi cơ quan kiểm soát chi xác nhận để làm cơ sở thực hiện lần thanh toán kế tiếp. Trường hợp thấy cần thiết, chủ dự án có quyền thỏa thuận với nhà thầu áp dụng hình thức kiểm soát chi trước đối với các khoản chi và gửi cơ quan kiểm soát chi để phối hợp thực hiện", Nghị định nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hết thời lầm tưởng ODA là 'của trời cho'