Hơn hai mươi năm qua, ông đã xây dựng hàng trăm cây cầu, cất hàng trăm căn nhà cho người dân ở khắp nơi, làm những việc có ích cho đời, cho mọi người.

Hiến cuộc đời cho... những chiếc cầu

Quốc Trung | 27/09/2016, 15:54

Hơn hai mươi năm qua, ông đã xây dựng hàng trăm cây cầu, cất hàng trăm căn nhà cho người dân ở khắp nơi, làm những việc có ích cho đời, cho mọi người.

Chúng tôi được cán bộ xã đưa đến gặp ông Võ Văn Út (Út Ngô, 83 tuổi, Tổ trưởng Tổ từ thiện Phật giáo Hòa Hảo, ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành tỉnh An Giang), tìm hiểu về hoạt động của tổ Từ thiện Phật giáo Hòa Hảo, nhưng lúc đó ông Út đi làm từ thiện chưa về.

Con gái thứ 2 của ông Út - chị Võ Thị Sang, kể: “Mẹ tôi mất lâu rồi, chaở với chúng tôi lâu nay. Tôi là con thứ 2, hiện còn 2 đứa em trai nữa, mấy đứa cũng sống xung quanh đây”.

Nhắc đến chuyện làm từ thiện của ông, chị Sang tự hào lắm, vì là con của ông Út nên cũng được thơm lây. Vì vậy mà thời gian qua, chị và mấy anh em trong gia đình cũng thường xuyên đi với ông nay đây mai đó làm từ thiện. Phần vì theo ông để lo cho sức khỏe của ông, phần vì giúp ông làm cầu, làm nhà cho người dân…

Chị Sang tâm sự: “Cha tôi phát tâm từ nhỏ. Thời còn bà nội, ông lo báo hiếu cho mẹ. Sau khi bà mất ông chuyển sang làm từ thiện, chỉ đi làm từ thiện thôi, nhiều lúc nghĩ không biết kiếp trước ông mắc nợ gì mà kiếp này ông trả dữ vậy.

Cứ sáng dậy là ông lại đi, ông không ngồi yên ở nhà được, ông sợ thời gian trôi. Ông đã muốn làm gì thì khó mà cản được ông, con cái chúng tôi chỉ biết làm theo và ủng hộ ông tuyệt đối. Từ việc ông bán đất hùn tiền mua xe ô tô để chở người bệnh không lấy tiền, đến hiến đất để xây nghĩa trang từ thiện, rồi lâu lâu ông lại cho nhà này ít, thấy nhà kia khó khăn thiếu thốn cái này cái nọ ông lại xuất tiền túi của ông ra mua cho người ta…

Con cái giờ lo nhất là sức khỏe của ông, 83 tuổi rồi nhưng ngày nào ông cũng đi, ông thích đi xe gắn máy 1 mình không chịu đểai chở, có lúc 1 mình ông chạy xe 50 - 60km để đi làm cầu, làm nhà từ thiện...”.

Chuyển vật liệu xây cầu

Lát sau thì ông Út về, ông cho biết vừa đi mua cây để chuẩn bị cất nhà cho 1 người dân nghèo. Theo lời ông Út, lúc đầu tổ Từ thiện Phật giáo Hòa Hảo chỉ mình ông đứng ra làm. Dần dà, vài người làm theo phát tâm, chỉ trong thời gian ngắn số lượng người tham gia lên tới hàng chục người. Hiện nay số lượng thành viên “cứng” có khoảng 40 người.

Ông Út kể: “Tôi làm cầu, cất nhà từ thiện, làm đường chắc cũng được hơn 25 năm rồi. Bắt đầu làm cầu từ năm 1990. Tôi luôn tâm niệm làm được gì cho người dân cho địa phương thì làm không tính toán, không ngần ngại. Tôi muốn ai cũng có nhà để ở. Giàu có nhưng khi chết rồi cũng đâu có mang theo được...”.

Ông Út nhớ lại cái thời mà ông còn cầm cái búa, cái cưa đi hết nơi này đến nơi khác để bắc cầu gỗ cho người dân. Đầu tiên là xin tre, không có thì kêu gọi mọi người hùn tiền mua rồi đi bắc cầu, giống cầu khỉ ngày xưa. Được vài tháng thấy cầu gỗ yếu quá, ông chuyển qua bắc cầu trụ bê tông, nhưng lại ảnh hưởng cho việc đi lại của ghe thuyền vì ở cái xứ này phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng.

Thế là ông bàn bạc với các thành viên chuyển qua bắc cầu sắt. Ông Út cho biết, hồi đó khó khăn lắm, khi chuyển qua bắc cầu sắt vốn rất nặng, nên mãi mới bắc được 1 cây, rồi phải tính kỹ thuật, kết cấu, nền hạ rồi độ cao của cầu làm sao đảm bảo cho các loại ghe thuyền đi qua…

Tiền ở đâu mà ông làm từ thiện nhiều vậy? Ông Út cười: Trước đây ông bà để lại gần 30 công đất ruộng, làm từ thiện riết rồi hiện còn lại khoảng 15 công. Số đất còn lại ông giao hết cho con cái làm, đến cuối vụ thì chia lời cho ông để có tiền làm từ thiện và chi tiêu lặt vặt chứ có tiền đâu, mỗi lần ai có nhu cầu lại đi xin, xin ít thì làm ít.

Ông Út không nhớ nổi đến nay ông và các thành viên trong tổ cất được bao nhiêu cây cầu. Ông chỉ nhớ số liệu của năm 2015, tổ Từ thiện của ông cất được 30 cây cầu lớn nhỏ, cây dài nhất khoảng 80 mét có giá gần 800 triệu đồng. Còn lại trung bình khoảng 400- 500 triệu đồng mỗi cây cầu.

Các thành viên trong tổ đa phần là có tay nghề thợ xây dựng, gỗ, thợ sắt nên ai có nhu cầu làm gì tổ đáp ứng ngay. Ngoài làm cầu, đường, nếu ai có nhờ làm nhà cũng làm luôn. Năm 2016 đến nay tổ đã cất được 30 căn nhà thiếc, giúp cho người dân an cư yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.

Chung tay làm cùng nhau

Câu chuyện về việc ông Út đổi đất của người khác để hiến 2.000m2 để làm nghĩa trang từ thiện người dân ở đây ai cũng nhắc. Nghĩa trang dành cho tất cả những người khó khăn, ai không có điều kiện đều được chôn ở đây, không nhất thiết phải là người theo đạo Hòa Hảo.

Ông Út cho biết: “Đất ở khu vực định xây nghĩa trang tôi không có, nên tôi đã đổi đất của người dân ở gần đó lấy đất của tôi rồi hiến cho nghĩa trang. Hiến đất xong tôi còn hiến 500 bao xi măng, đồng thời kêu gọi bà con đóng góp, vì vậy người dân ở đây rất đồng tình, vì vậy mà nghĩa trang được hoàn thiện nhanh chóng chỉ vài tháng...”.

Hiện tổ Từ thiện của ông Út đang sở hữu 3 chiếc xe ô tô, 1 xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng để đi cất cầu, đường và làm nhà từ thiện và 2 xe cứu thương. Trong xã nhà, thậm chí các xã lân cận nếu ai cần xe chở người bị thương đi cấp cứu là đội xe của ông có mặt ngay.

Thường xe cấp cứu thì không lấy tiền, nhưng nếu ai có điều kiện đóng góp thì ông nhận để sung quỹ. Là địa bàn thuộc vùng sâu, xa từ khi có xe cứu thương từ thiện của tổ từ thiện nhiều trường hợp đau ốm bất tử được chở đi cứu chữa kịp thời…

Bức tường nhà ông và trong tủchứa không biết bao nhiêu là giấy khen, bằng khen... Ông Út còn khoe, ông còn được bằng khen của Trung ương MTTQ Việt Nam và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên điều mà ông Út cảm thấy mãn nguyện nhất chính là… “bằng lòng”. Đi tới đâu, làm được cái gì cho mọi người là ông thấy vui và làm một cách hăng say…

Anh Lê Quang Trung, Phó chủ tịch UBMTTQ xã Vĩnh An cho biết: “Hoạt động của tổ Từ thiện phật giáo Hòa Hảo rất ý nghĩa, các thành viên làm việc với cái tâm và sự chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn. Những cây cầu từ thiện, ngôi nhà mang đến mái ấm cho người dân, là nguồn động viên lớn lao giúp người dân vươn lên làm ăn phát triển kinh tế…”.

Minh Hạnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiến cuộc đời cho... những chiếc cầu