Theo đại biểu Phạm Hồng Phong, Hiến pháp quy định "mọi người sở hữu thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sản xuất" thì phải hiểu rằng tài sản phải là hợp pháp thì pháp luật mới bảo vệ, còn không thì phải tịch thu.
Thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 13.6, các đại biểu vẫn có những quan điểm trái chiều về việc xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
Nộp thuế vài triệu nhưng vẫn mua nhà, xe
Ủng hộ phương án 1, theo lập luận của ĐB Mùa A Vàng (Điện Biên), có trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như thừa kế tài sản, cho, tặng. Người kê khai đã giải trình nguồn gốc tài sản hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát cũng có thể không chấp nhận vì thiếu giấy tờ chứng minh. Như vậy, nộp thuế thu nhập cá nhân như phương án 1 là phù hợp.
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề nghị cần làm rõ thế nào là không giải trình một cách hợp lý, do việc đánh giá hợp lý hay không hợp lý phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người đánh giá. Đồng thời, nếu sau này phát hiện ra người này tham nhũng thì số thuế đã nộp trước đó xử lý ra sao cần quy định rõ.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. Vậy tại sao không yêu cầu có thêm một điều kiện phải khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm bổ sung vào Điều 38 dự thảo luật?
“Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi, không có lý do gì mà thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ có khoảng 1 đến 2 triệu mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) không đồng ý với 2 phương án như dự luật. Lý do là với tài sản không giải trình được thì nghĩa vụ chính là của người kê khai, còn nếu không kê khai, kê khai không hợp lý, không hợp pháp thì phải sung vào công quỹ.
Theo đại biểu này, Hiến pháp quy định "mọi người sở hữu thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sản xuất" thì phải hiểu rằng tài sản phải là hợp pháp thì pháp luật mới bảo vệ, còn không thì phải tịch thu.
“Nếu ban soạn thảo dùng nguyên tắc suy đoán, đưa ra 2 phương án theo phương án là suy đoán vô tội thì càng không đúng, bởi lẽ nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ quy định cho chủ thể là con người chứ không quy định là khách thể, là tài sản”, ông Phong nhấn mạnh.
ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cũng nêu, về nguyên tắc thu nhập chịu thuế chỉ là các thu nhập hợp pháp. Đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được về nguồn gốc tài sản thì về nguyên tắc phải tiến hành điều tra, xác minh về nguồn gốc tài sản và xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, dù lựa chọn theo phương án nào thì đều cần có sự phân biệt rạch ròi 2 trường hợp nêu trên, không thể đánh đồng hai loại này với nhau.
“4 không” trong chống tham nhũng
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), nếu ví chống tham nhũng như là một phương trình 4 ẩn số thì các ẩn lần lượt phải giải cho bằng được, đó là không dám, không thể, không cần và không được tham nhũng, ví dụ như của Singapore. Phương pháp của họ là phải đúng ngay từ đầu, làm công khai, minh bạch, nghiêm minh và đồng bộ trong toàn hệ thống.
Trước hết là không dám tham nhũng, theo ông Nhân, chế định này phải được xem là quan trọng nhất nhằm thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật làm cho người biết run sợ khi nhen nhóm ý định nhúng chàm.
“Khi cuộc chiến chống tham nhũng bước vào giai đoạn cao trào thì 5 cán bộ hải quan thành phố Hải Phòng nhận mức kỷ luật, khiển trách cho hành vi nhận hối lộ như cái tát vào cuộc chiến chống tham nhũng. Mức kỷ luật đầy tình người và nhiều ẩn ý đó chẳng khác nào là sự dung dưỡng cho cái ác, cái xấu tiếp tục lộng hành và gặm nhấm niềm tin của người dân”, ông Nhân nói.
Về không thể tham nhũng, linh hồn của dự luật là kiểm soát dòng tiền của xã hội, kiểm soát nguồn hình hành và dịch chuyển của tài sản, giám sát nguồn chi tiêu và biến động bất thường ngoài thu nhập. Nếu chỉ kiểm soát tài sản của các đối tượng theo dự luật quy định mà bỏ qua kiểm soát tài sản của những người thân thích, họ hàng và rộng hơn là trong toàn xã hội thì sẽ còn nhiều lỗ hổng chưa thể bịt hết được.
“Một trong những mặt tích cực của dự luật là chế định xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên cách thiết kế cơ chế vận hành của việc kê khai thu nhập và xử lý tờ khai lại hoàn toàn theo phương pháp thủ công trước đây, thậm chí việc xác minh vẫn theo hình thức ngẫu nhiên thì hết sức vô lý”, ông Nhân nói.
Thứ ba là không cần tham nhũng. Hiện tại nếu làm được 10 đồng đã dùng hơn 7 đồng để trả lương bộ máy, 2 đồng còn lại không thấm vào đâu so với cơ thể kinh tế quốc gia đang cần sức ăn, sức lớn. Theo đó, cần có hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết trước khi bước vào chặng đường mới, nhất là phải đảm bảo mức lương để người thực thi công vụ chỉ chuyên tâm phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về không được tham nhũng. Mặc dù Điều 40 luật hiện hành đã quy định khá rõ nhưng không hiếm trường hợp doanh nghiệp tặng nhà, xe sang tiền tỉ diễn ra. Đáng suy nghĩ là những vụ việc này chỉ phát hiện ra bởi báo giới và người dân mà không phải bằng cơ chế của luật hiện hành. Tuy nhiên, một cơ chế được xem là tai mắt của người dân trong dự thảo Luật Tố cáo trình Quốc hội vừa được thông qua với nội dung mở rộng hình thức tố cáo thì lại không được thông qua.
Tranh luận lại, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, để "không thể, không muốn, không dám" thì phải bằng thể chế, ví dụ để chống chạy chức chạy quyền, một vấn nạn xã hội đang bức xúc thì nhà nước phải có quy định trọng dụng nhân tài thì người thực đức, thực tài không cần phải chạy chức chạy quyền. Để không chạy chức chạy quyền phải cắt bỏ các ưu đãi đặc quyền đặc lợi với quan chức, họ sẽ không muốn nữa.
Bên cạnh đó, phải đặt ra quy định với từng chức danh có định lượng cụ thể, có trách nhiệm và hình phạt thì những người bất tài vô hạnh nhìn thấy mà không với tới, không nhảy qua vì nhảy qua là rơi xuống bẫy pháp luật.
“Cái "không dám" là phải có hình phạt trừng trị nghiêm khắc đối với quy trình cán bộ từ tiến cử, đề cử, thẩm định, bổ nhiệm cán bộ. Nếu trừng trị thật nghiêm khắc sẽ "cả kinh thất sợ" mà không dám làm liều”, ông Vân nói.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng):Nhận trách nhiệm nhưng... không thấy chịu gì!
Mặc dù, từ chức là một chuyện bất đắc dĩ nhưng trong rất nhiều trường hợp là việc nên làm, thể hiện lương tâm của cán bộ, công chức nhận trách nhiệm và rút lui trong danh dự. Tuy nhiên, không ít quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể, tính khả thi không cao.
Do sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn. Không thể đòi hỏi người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những việc mà người đó không có quyền quyết định. Không phải người đứng đầu nào cũng có quyền lựa chọn nhân sự quan trọng cho mình. Không hiếm trường hợp nhân sự được đề bạt do ý muốn của cấp trên, quy trình xét duyệt chỉ nhằm hợp thức hóa.
Bên cạnh đó, chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng khó có thể xác định được một cách rõ ràng là khó xác định phạm vi liên đới trách nhiệm.
Ví dụ, ở cấp phòng một công chức tham nhũng thì trưởng phòng phải chịu trách nhiệm, nhưng phòng lại thuộc sở, vậy giám đốc sở có phải chịu trách nhiệm không? Hay bao nhiêu phòng xảy ra tham nhũng thì giám đốc sở mới phải chịu trách nhiệm? Đó là chưa nói đến cơ chế song trùng trực thuộc, vừa có thủ trưởng theo chiều ngang, vừa có thủ trưởng theo chiều dọc.
Cơ chế tập trung quan liêu chậm được khắc phục. Nét đặc trưng của cơ chế này là quyền hạn tập trung cho cấp trên, đồng thời trách nhiệm cũng đẩy hết lên cho cấp trên. Quốc hội chất vấn về những bê bối xảy ra trong một bộ nào đó thì vị Bộ trưởng có liên quan thường trả lời là xin chịu trách nhiệm. Các vị đại biểu có vẻ hài lòng với câu trả lời này nhưng rồi hết năm này, sang năm khác vẫn không thấy vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm gì