Quy định buộc thôi học một tuần nếu học sinh liên tục tái diễn hành vi vi phạm giao thông của Sở GD-ĐT nhận được sự ủng hộ của các giáo viên và phụ huynh có con đang theo học tại các trường trên địa bàn Hà Nội.

Học sinh vi phạm giao thông: Lỗi một phần thuộc về người lớn

Một Thế Giới | 14/03/2016, 12:40

Quy định buộc thôi học một tuần nếu học sinh liên tục tái diễn hành vi vi phạm giao thông của Sở GD-ĐT nhận được sự ủng hộ của các giáo viên và phụ huynh có con đang theo học tại các trường trên địa bàn Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về hình thức răn đe này, giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết ông hoàn toàn ủng hộ quy định trên. Ông cho rằng trong khi toàn trường cùng phấn đấu để hoàn thành những thành tích được giao từ xã hội cho đến các nội quy trong trường, không thể vì một vài cá nhân mà ảnh hưởng tới thành tích thi đua. Huống gì những vấn đề đó lại có lợi cho chính bản thân học sinh. Những học sinh liên tiếp vi phạm thì cần có những biện pháp, chế tài đủ mạnh để quản lý, răn đe.
"Ngay cả ở trường tôi, sau khi đội quản lý cờ đỏ đi nhắc nhở, nếu các em học sinh không chấp hành là đã phạt rồi. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ quy định này của Sở GD-ĐT", GS Văn Như Cương khẳng định.
Cô Nguyễn Hoài, giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cũng cho hay: "Trường Nguyễn Tất Thành là một trường điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội nên mọi quy định dành cho học sinh đều được các em chấp hành rất nghiêm túc. Ngoài việc các em bị phạt ở ngay chốt cảnh sát giao thông khi vi phạm thì các thông tin đó cũng sẽ được gửi tới nhà trường để nhà trường có các hình thức nhắc nhở, răn đe hoặc kỷ luật".
"Tất nhiên là lần 1, lần 2 sẽ chỉ nhắc nhở các em, nhưng nếu các em vẫn cố tình vi phạm nhiều lần thì cần có những biện pháp nghiêm khắc hơn. Nếu không thực hiện thì chúng ta đề ra luật giao thông làm gì? Mỗi năm có biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, trong đó những vụ tai nạn bắt nguồn từ các em học sinh cũng không phải là ít. Nếu các em không ý thức được khi ngồi trên ghế nhà trường thì làm sao khi ra ngoài xã hội các em có thể chấp hành các điều luật khác? Việc buộc thôi học 1 tuần chỉ áp dụng đối với các học sinh vi phạm nhiều lần, tức là “nhờn” luật nên quy định như thế là chính xác, không thể để các em “vô tư” vi phạm hết lần này đến lần khác", cô Hoài thẳng thắn đề nghị.
hoc sinh, khong doi mu bao hiem, duoi hoc, an toan giao thong, Nguyen Hiep Thong
Các em học sinh nếu vi phạm giao thông nhiều lần sẽ bị buộc thôi học 1 tuần
Khi được hỏi về quy định trên, Thu Trà, một học sinh lớp chuyên Văn Trường THPT Amsterdam (Hà Nội) cũng chia sẻ: "Lớp em có rất nhiều bạn gia đình có điều kiện nên để các bạn tự đi xe máy phân khối lớn đi học. Đi học chính thì bố mẹ vẫn đưa đi nhưng khi đi học thêm, các bạn thường hay chở 3, thậm chí có bạn không đội mũ bảo hiểm, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông và có thể gây tai nạn cho người khác. Em hoàn toàn ủng hộ việc kỷ luật nặng với những bạn như vậy".
Chị Quách Thị Hiệu có con đang theo học Trường tiểu học Nghĩa Tân cũng thẳng thắn góp ý: "Các bé trong lớp con trai chị đang học, mỗi lần đi ra khỏi lớp đều được giáo viên nhắc nhở việc đội mũ bảo hiểm cẩn thận. Tôi chỉ góp ý với Sở GD-ĐT là cần nghiêm túc với các em trong tất cả các năm học, để thành quy định trong ngành giáo dục, từ phụ huynh đến học sinh đều phải chấp hành như vậy. Khi chở con trên xe, bản thân phụ huynh cũng cần có ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ con mình. Hình thức “cảnh cáo trước toàn trường hay đuổi học 1 tuần” khi tiến hành cũng phải góp ý với các em trước. Suy nghĩ của các em bây giờ rất nông nổi, dễ bị tác động khi bị chế giễu. Chúng ta vừa giáo dục ý thức cho học sinh từ trong nhà trường, gia đình nhưng cũng phải có biện pháp răn đe đủ mạnh để nâng cao ý thức cho các em", chị Hiệu nói.
Đồng tình với các quan điểm trên, anh Mạnh Hà, giáo viên Trường Đại học Mỏ địa chất cho hay: "Ngoài việc phạt các em học sinh thì ngay cả các phụ huynh tham gia giao thông mà để con không đội mũ bảo hiểm thì cũng nên có hình thức nhắc nhở trong nhà trường, thông qua các buổi họp phụ huynh hoặc cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở trực tiếp. Đa số các em vi phạm giao thông phần lớn đều bắt nguồn từ ý thức của người lớn. Các quy định dù khả thi thế nào, nhưng nếu các em học sinh khi nhìn vào phụ huynh mà không thấy họ chấp hành thì cũng dễ tạo cho các em tính "coi thường pháp luật" khi sống trong cộng đồng".
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Văn bản số 932 là hình thức kỷ luật đã được quy định rõ trong Điều 42 của “Điều lệ trường THPT” do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành từ năm 2011. Các bậc phụ huynh cần nhìn nhận quy định đưa ra nghiêm khắc nhưng mục đích là để bảo vệ các em học sinh được an toàn khi tham gia giao thông. Khi xây dựng văn bản này, chúng tôi cũng dựa vào quy định tại “Điều lệ trường THPT” do Bộ GD-ĐT ban hành về xử lý kỷ luật với học sinh. Mức chế tài cao nhất trong văn bản vừa công bố cũng phù hợp với mức chế tài quy định tại điều lệ này với các hành vi tương tự.

Chúng tôi không dùng từ “đuổi học” mà buộc thôi học từ ba ngày đến một tuần, tùy theo mức độ vi phạm. Việc buộc thôi học đối với học sinh nhiều lần vi phạm là hình thức kỷ luật cần để các em ý thức được việc phải chịu trách nhiệm về lỗi mình gây ra. Trong thời gian đình chỉ, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh phải có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh".
Dạ Thảo
Bài liên quan
Mưa lớn khiến nhiều nơi trong TP.Huế bị ngập sâu, học sinh nghỉ học
Trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có mưa lớn. Từ sáng sớm nay (25.11), nước sông Hương dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi trong TP.Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh vi phạm giao thông: Lỗi một phần thuộc về người lớn