Nói đến Tiến Sỹ, mọi người thường có cảm giác rất cao siêu và xa vời nhưng thực chất việc tham gia học chương trình tiến sỹ ở Mỹ không hề quá khó khăn và phải trải qua nhiều năm như vẫn tưởng.Chương trình học tiến sỹ tại Hoa Kỳ có những điểm đặc biệt sau đây:
Gần như không phải mất học phí:
Chúng tôi đã khá bất ngờ khi nhiều người ở Việt Nam không biết rằng học Thạc sỹ, Bác sỹ, Dược sỹ, Luật sư... tốn rất nhiều tiền của trong khi học Tiến sỹ thì... miễn phí. Không chỉ được miễn phí mà nghiên cứu sinh còn được nhận một khoản tiền nhỏ để hỗ trợ cuộc sống từ trường đại học. Ví dụ một trường ở những bang “không hưng thịnh” nghiên cứu sinh sẽ được nhận khoảng 15-18000USD một năm để lo cho cuộc sống, còn ở những bang khá giả hơn, nghiên cứu sinh sẽ nhận khoảng 24-30000 cho một năm học. Số tiền này gọi là “stipend” có thể cao hơn nếu nghiên cứu sinh có học bổng hoặc quỹ nghiên cứu tài trợ.
Bên cạnh đó, trong quá trình học Tiến sỹ, nghiên cứu sinh có thể nộp đơn xin lấy văn bằng Thạc sỹ rồi… nghỉ học nếu họ muốn ra đi làm. Điều này có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người nếu họ không hiểu phương châm giáo dục của Hoa Kỳ. Nước Mỹ ( và các nước Phương Tây, Nhật Bản, Singapore và Hongkong) coi trọng nghiên cứu khoa học cơ bản (basic research). Họ có các ngân quỹ để hỗ trợ cho việc nghiên cứu này. Để làm nghiên cứu thì cần các chuyên gia, cho nên hầu hết các chương trình đào tạo Tiến sỹ tại Mỹ hỗ trợ sinh viên học phí và chi phí ăn ở để nghiên cứu sinh có thể nghiên cứu những chủ đề họ thích và có giá trị khoa học cao. Một lý do nữa giải thích vì sao đào tạo Tiến sỹ được phụ cấp trong khi các chương trình khác thì không là vì thu nhập của những sinh viên học làm luật sư hay bác sỹ khi ra trường đều cao hơn các nhà nghiên cứu khoa học. Việc miễn học phí coi như một đền bù thỏa đáng cho những ai chọn con đường này.
Không cần học Thạc sỹ vẫn có thể học Tiến sỹ:
Một điều gây ngạc nhiên nữa cho nhiều người là sinh viên chỉ cần tấm bằng cử nhân có thể nộp đơn cho chương trình Tiến sỹ. Tất nhiên là sự cạnh tranh sẽ cao hơn cho những bạn mới có bằng cử nhân nhưng các bạn hãy yên tâm là bộ phận tuyển sinh không ưu tiên gì cho những ứng viên có bằng Thạc sỹ.
Cơ hội nghiên cứu khoa học với những học giả hàng đầu thế giới và cơ hội trở thành giáo sư đại học:
Điều này quan trọng với các bạn có đam mê nghiên cứu vì cơ sở hạ tầng, điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam chưa thể đáp ứng được nhiều chuyên ngành nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, nếu bạn muốn trở thành một giáo sư đại học tại các trường đại học ở các nước phát triển, bạn cần phải có bằng Tiến sỹ.
Tất nhiên việc theo đuổi chương trình Tiến sỹ không phải phù hợp với tất cả mọi người, nhưng đấy cũng là một lựa chọn mà các bạn nên cân nhắc. Về mặt quy định tuyển sinh, các điều kiện đã được giải thích ở kỳ trước (Giáo dục sau đại học tại Hoa Kỳ). Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một số điểm quan trọng sau. Trước hết, bạn phải có đam mê khoa học và ngành nghề mà bạn yêu thích. Quá trình đào tạo Tiến sỹ ở Hoa Kỳ rất khá với ở Việt Nam. Bạn cần làm việc độc lập, kỹ năng viết phải thật xuất sác (vì bạn cần phải xuất bản bài báo ở tạp chí khoa học). Bên cạnh đó các bạn cũng nên nhận thức rằng chương trình Tiến sỹ thường kéo dài 5 năm. Trong khi các bạn khác có thể chọn đi làm và được thăng tiến, bạn vẫn có thể phải đi học và nhận một đồng lương không khá khẩm gì (theo mức thu nhập bình quân của Hoa Kỳ).
Người Việt Nam hay quan niệm học Tiến sỹ như học thêm vài lớp nâng cao. Nhưng sự thật là bạn phải làm việc rất nhiều (60-80 tiếng một tuần). Thông thường bạn phải làm trợ giảng cho một lớp cho mỗi học kỳ (10-20 tiếng một tuần), dành thời gian lên lớp riêng của bạn (20 tiếng một tuần), và dành thời gian cho các dự án nghiên cứu riêng của mình (20-40 tiếng một tuần). Điểm số sẽ không quan trọng bằng các bài viết nghiên cứu của bạn, và quan trọng nhất là hầu như bạn phải tự học. Giáo sư khi lên lớp chỉ nói chuyện và trao đổi vài vấn đề chuyên môn, điều gì không biết phải… tự học. Điều thứ hai liên quan đến vấn đề tuyển sinh. Nếu bạn có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực của mình, bạn sẽ có cơ hội tốt để được chấp nhận vào học. Nếu bạn chưa biết hoặc chưa có kinh nghiệm nghiên cứu, các bạn nên tìm kiếm cơ hội nghiên cứu về một lĩnh vực cụ thể. Bởi vì điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tìm trường học cũng như tìm kiếm người thầy (cô) đỡ đầu cho mình. Khác với những chương trình đào tạo khác, khi là nghiên cứu sinh, bạn sũ có một người đỡ đầu (advisor). Cho nên nếu bạn và advisor cùng chung đam mê, chí hướng thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khá nhiều. Thực tế là đa phần giáo sư đại học sẽ không chấp nhận làm advisor cho bạn nếu không cùng đam mê nghiên cứu với họ.
Mọi thắc mắc chi tiết xin liên hệ tuvanduhoc@motthegioi.vn để được tư vấn miễn phí và đầy đủ.
Chúc các bạn du học thành công.
Đôi nét về tác giả:
Kenneth Nguyen hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ năm 2 chuyên ngành Tâm lý học định lượng (quantitative Psychology) tại trường đại học Nam California (University of Southern California). Kenneth tốt nghiệp trường cao đẳng cộng đồng Santa Ana (Santa Ana College) và học đại học California tại Irvine ( University of California, Irvine) năm 2013.
Kenneth Nguyen