Chiều 14.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng).
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với nhiều điểm cầu tại các quận, huyện và TP Thủ Đức về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM từ sau ngày 15.9.
Để hội nghị tập trung thảo luận có trọng tâm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên gợi ý một số nội dung chính:
Sau hơn 3 tuần TP.HCM tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, các lực lượng của toàn hệ thống chính trị TP.HCM và nhân dân cùng nhiều lực lượng chi viện từ các bộ, ngành, tỉnh thành bạn đã nỗ lực thực hiện cao nhất các biện pháp phòng chống dịch. TP.HCM đã và đang thực hiện các nội dung phòng chống dịch.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đại biểu tham dự tập trung đánh giá sâu và kỹ, sát với tình hình TP.HCM. Cụ thể là những gì đã làm được, những gì làm chưa được và đề nghị các đại biểu cho ý kiến các nhiệm vụ trọng tâm trong những ngày tới.
Đến nay, TP.HCM đã đạt những kết quả trong việc thực hiện giãn cách xã hội: Xét nghiệm diện rộng và triển khai “thần tốc”; điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 - nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong; đảm bảo an sinh xã hội, nhiệm vụ trọng yếu; vắc xin, thuốc điều trị, nhiệm vụ chiến lược trong phòng chống dịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị xem xét vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM; trách nhiệm của các quận huyện và TP Thủ Đức; vai trò của các “pháo đài” ở xã, phường thị trấn; vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tăng cường, chi viện.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu các đại biểu đối chiếu, rà soát từng kết quả với các tiêu chí để thực hiện kiểm soát dịch bệnh theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế. Theo ông Nên, khi toàn thành phố đối chiếu lại các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, nhìn chung là chưa đạt. Tuy nhiên, từng địa phương có thể chia làm 3 nhóm. Trong đó nhóm 1 là những địa phương có khả năng cơ bản đạt tiêu chí đề ra. Nhóm 2 những địa phương gần đạt tiêu chí đề ra và nhóm 3 là những địa phương cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu thêm một thời gian nữa.
Ông Nguyễn Văn Nên gợi mở đại biểu tập trung thảo luận những nguyên nhân, điều kiện và yếu tố giúp các địa phương đạt được và chưa đạt được những mục tiêu đề ra. Từ đó nghiên cứu, cho ý kiến xác đáng, phù hợp với thực tiễn TPHCM, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Nên chỉ rõ, nguyên nhân có khách quan, có chủ quan, kể cả những bài học kinh nghiệm cũng cần phân tích, mổ xẻ, nhất là những cách làm hay, chủ động linh hoạt sáng tạo, mô hình mang lại hiệu quả… Qua đó tìm giải pháp quyết tâm trong thời gian tới, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hay và khắc phục những mặt hạn chế yếu kém.
Theo Nghị quyết 86 của Chính phủ giao TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15.9, đồng thời, giao Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên khi đối chiếu những kết quả TP.HCM đạt được thì chỉ có một số địa phương cơ bản đạt được, đa số còn lại chưa đạt.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, trong tình hình hiện nay, quan điểm của TP.HCM, những nơi chưa đạt theo tiêu chí kiểm soát dịch đã đề ra thì tiếp tục phấn đấu thực hiện; những nơi đã kiểm soát dịch được thì nới dần từng bước chắc chắn trên cơ sở an toàn là trên hết. Vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay, thực hiện giãn cách trong giai đoạn tới có giống như giai đoạn đầu hay thực hiện ở mức độ nào? Ông Nên đề nghị hội nghị làm rõ vấn đề này để thống nhất thực hiện đồng bộ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu vấn đề thứ 2 để gợi mở hội nghị thảo luận. Đó là những nơi có thể mở được thì cần chủ động thực hiện theo thẩm quyền được giao, cấp quận huyện là cấp quyết định nới giãn cách theo thẩm quyền. Còn những địa phương chủ động thực hiện “bình thường mới” sau 15.9, cần nghiên cứu thực hiện theo thẩm quyền thế nào, còn đề xuất những vướng mắc ra sao?
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cấp quận, huyện là cấp trực tiếp và toàn diện rà soát, đánh giá lại toàn bộ tình hình trên địa bàn, vẽ lại bản đồ Covid, bản đồ vắc xin, bản đồ an sinh xã hội.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thảo luận và đi đến thống nhất, quyết nghị, đánh giá những kết quả đã làm được trong chặng đường thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện các công việc trong giai đoạn tiếp theo. TP.HCM nỗ lực thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và chuẩn bị các chiến lược phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM từ sau ngày 15.9.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo kết quả nổi bật về công tác phòng chống dịch COVID-19 và trình bày tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TPHCM về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM từ sau ngày 15.9.
Trong đảm bảo cung ứng hàng hóa và chăm lo đời sống người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, thành phố đã có nhiều nỗ lực và kịp thời điều chỉnh khi triển khai các hoạt động. Trong quá trình điều chỉnh, cơ bản đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu của người dân. Sau tuần đầu tiên tăng cường siết chặt giãn cách, TP.HCM đã điều chỉnh nới lỏng cho shipper hoạt động, sau đó cho rộng thời gian hoạt động của hệ thống siêu thị, mở cửa một số dịch vụ sau ngày 6.9. Một số địa phương có sáng kiến, mô hình hay trong cung ứng hàng hóa cho người dân. Những việc này đã góp phần làm giảm áp lực trong cung ứng hàng hóa và đáp ứng nhu cầu tiếp cận hàng hóa của người dân.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho rằng, quá trình cung ứng hàng hóa và đảm bảo an sinh cho người dân vẫn còn một số hạn chế cần được phân tích để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Về gói an sinh, ông Phan Văn Mãi thông tin, đến nay các xã, phường, thị trấn đã chi xong gói 1 và đạt 98% gói 2 theo danh sách. Những trường hợp chưa nhận gói 2 là các trường hợp đang cách ly tập trung, và một số người trong danh sách đi về quê, đi khỏi địa bàn… Các địa phương đã nhận và phát 14.100 tấn gạo hỗ trợ đợt 1 của Chính phủ và cấp phát gần 1,8 triệu túi an sinh do TP.HCM vận động cũng như phát nhiều túi an sinh khác do quận, huyện, xã, phường triển khai. Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện là rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh, đảm bảo đời sống cho người dân trong lúc giãn cách xã hội.
Về an sinh xã hội, việc ban hành chính sách được tiến hành trong thời gian ngắn nên chưa tính toán đầy đủ, gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện. Việc thống kê danh sách người cần được hỗ trợ, cũng như tổ chức cấp phát các gói chính sách ở cơ sở cũng có một số sai sót gây bức xúc cho người dân, và một số trường hợp sai sót đã được xử lý. Việc lập danh sách gói hỗ trợ lần thứ ba – gói chuẩn bị triển khai, vẫn còn chậm, nhiều nơi còn lúng túng trong xác định đối tượng, chậm lập danh sách.
Ông Phan Văn Mãi nêu rõ, trong việc cung hàng hóa và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục mở rộng hệ thống cung ứng hàng hóa, phát huy hoạt động của lực lượng shipper. Trước mắt là từ nay đến cuối tháng 9.2021, shipper sẽ hoạt động liên quận và người dân ở các vùng kiểm soát được dịch sẽ trực tiếp đi chợ theo quy định của địa phương. Về gói an sinh, sẽ tập trung phát dứt điểm cho các hộ còn lại trong danh sách gói 1, gói 2 và chuẩn bị triển khai gói 3.