Con số 1.400 tỉ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội gần như không thể thu hồi được đã khiến 193.661 người lao động bị mất quyền lợi.
Chia sẻ về thực trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay và khả năng thu nợ tại tọa đàm "Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội" chiều 8.5, ông Đào Việt Ánh - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết quý 1/2017, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 14.019 tỉ đồng (bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH là 10.001 tỉ đồng, nợ BHTN 552 tỉ đồng, nợ BHYT 3.466 tỉ đồng.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thuế, ông Việt Ánh cho biết thêm, có khoảng gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 235.000 doanh nghiệp đóng BHXH, đạt khoảng 47%.
Còn theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cả nước có khoảng 15 triệu người lao động làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng mới có 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm khoảng 86%.
Theo ông Việt Ánh, tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nguyên nhân chính là do tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động.
"Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có khoảng 1.400 tỉ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm.Đây là dạng nợ treo hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị treo, chưa được giải quyết. Trong số 1.400 tỉ đồng tiền nợ có 193.661 người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi", ông Việt Ánh cho hay
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng tình trạng nợ đọng BHXH đáng báo động như hiện nay là do sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật.
Hiện nay, theo Luật BHXH và Luật Công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra toà.
Tuy nhiên, việc khởi kiện đòi hỏi phải do công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc phải có giấy ủy quyền của người lao động. Đây là một khó khăn khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra ở nhiều nơi, còn có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp khi bản thân người lao động cần có công ăn việc làm.
"Đây là những nguyên nhân mang tính hệ thống và là thực tế không thể thay đổi một sớm một chiều", ông Chính nhận định.
Do đó, để việc khởi kiện thành công, ông Chính cho rằng, ngoài việc để tổ chức công đoàn khởi kiện, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ quan BHXH (với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH) cũng có quyền khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi không chỉ cho người lao động mà còn cho lợi ích của cả xã hội.
Trong khi đó, ông Việt Ánh cũng đưa ra đề nghị điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH (hiện nay đang quy định cho công đoàn cơ sở thực hiện).
Đồng thời tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của hệ thống cán bộ công đoàn đảm nhiệm công tác khởi kiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ thực hiện việc khởi kiện. Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, tập thể người lao động.
Tuyết Nhung