Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc COVID-19, đồng thời cho rằng thế giới đang "mù tịt" về cách loại vi rút này lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm.

Hơn 193 triệu người Mỹ mắc COVID-19, WHO nói thế giới đang mù tịt về sự tiến hóa SARS-CoV-2

Sơn Vân | 27/04/2022, 09:27

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc COVID-19, đồng thời cho rằng thế giới đang "mù tịt" về cách loại vi rút này lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm.

Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở cơ quan của Liên Hợp Quốc ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ): “Khi nhiều quốc gia giảm xét nghiệm, WHO ngày càng nhận được ít thông tin hơn về sự lây truyền và xác định trình tự. Điều này khiến chúng ta ngày càng mù tịt trước các kiểu lây truyền và tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2".

Bill Rodriguez, Giám đốc điều hành của FIND - nhóm viện trợ toàn cầu làm việc với WHO về việc mở rộng khả năng tiếp cận với xét nghiệm, cho biết "tỷ lệ xét nghiệm đã giảm mạnh từ 70 đến 90%".

Ông nói: "Chúng ta từng có khả năng để biết điều gì đang xảy ra. Tuy nhiên ngày nay, bởi xét nghiệm giảm nên chúng ta đang trở nên mù tịt trước những gì đang xảy ra với loại vi rút này".

Nước tích cực xét nghiệm nhất thời gian qua chính là Trung Quốc, do tuân theo chính sách Zero COVID. Mới đây, Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) lên kế hoạch xét nghiệm cho 20 triệu người và làm dấy lên lo lắng về việc phong tỏa sắp xảy ra.

who-noi-the-gioi-dang-mu-tit-ve-su-tien-hoa-sars-cov-2.jpg
Nhiều người xếp hàng bên ngoài một địa điểm xét nghiệm axit nucleic tạm thời trong cuộc xét nghiệm COVID-19 hàng loạt  ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26.4 - Ảnh: Reuters

"58% dân số Mỹ mắc COVID-19, BA.2.121 lây truyền nhanh hơn BA.2 đến 25%"

Sau sự gia tăng kỷ lục các ca mắc COVID-19 trong làn sóng dịch do Omicron gây ra, khoảng 58% dân số Mỹ nói chung (hơn 193 triệu người) và hơn 75% trẻ em đã nhiễm SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo cuộc khảo sát về máu trên toàn quốc của Mỹ được công bố hôm 26.4.

Theo trang WorldOmeters, Mỹ mới ghi nhận 82.789.716 ca mắc COVID-19, tức thấp hơn thực tế rất nhiều. 

Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hơn một nửa dân số Mỹ đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ít nhất một lần và cung cấp một cái nhìn chi tiết về tác động do Omicron gây ra ở Mỹ.

Trước khi Omicron xuất hiện vào tháng 12.2021, 1/3 dân số Mỹ đã có bằng chứng về việc nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.

Theo dữ liệu mới, Omicron làm gia tăng các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên với nhiều người trong số đó vẫn chưa được tiêm vắc xin, có tỷ lệ nhiễm vi rút cao nhất, trong khi những người từ 65 tuổi trở lên (nhóm dân số được tiêm vắc xin nhiều) có tỷ lệ thấp nhất.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12.2021 đến tháng 2.2022, khi Omicron hoành hành ở Mỹ, 75,2% trẻ em từ 11 tuổi trở xuống có kháng thể liên quan đến nhiễm SARS-CoV-2 trong máu, tăng từ 44,2% trong giai đoạn ba tháng trước đó. Trong số người 12-17 tuổi, 74,2% mang kháng thể, tăng từ 45,6% ở giai đoạn tháng 9 đến tháng 12.2021.

Các nhà khoa học đã tìm kiếm các kháng thể cụ thể được tạo ra để đáp ứng với SARS-CoV-2 chỉ xuất hiện sau khi nhiễm vi rút và không được tạo ra bởi vắc xin COVID-19. Một lượng dấu vết của những kháng thể này có thể tồn tại trong máu đến 2 năm.

Kristie Clarke, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Có các kháng thể được tạo ra do nhiễm SARS-CoV-2 không nhất thiết bạn được bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trong tương lai. Chúng tôi không xem xét liệu mọi người có mức độ kháng thể giúp bảo vệ chống lại sự tái nhiễm hoặc bệnh nặng hay không".

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC, nói Mỹ gia tăng 22,7% ca mắc COVID-19 trong tuần qua lên 44.000 trường hợp mỗi ngày. Số ca nhập viện do COVID-19 tăng tuần thứ hai liên tiếp (tăng 6,6%), phần lớn là do nhiễm các biến thể phụ của Omicron.

Trong khi số ca tử vong do COVID-19 giảm 13,2% so với tuần trước, Mỹ đã vượt cột mốc nghiệt ngã với hơn 1 triệu ca tử vong liên quan đến SARS-CoV-2.

Rochelle Walensky cho biết biến thể BA.1, nguyên nhân gây ra làn sóng dịch Omicron ban đầu, hiện chỉ chiếm 3% ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ. Bà cho biết BA.2.121, biến phụ lần đầu tiên được phát hiện ở ngoại ô New York, chiếm gần 30% các ca COVID-19 mới ở Mỹ và dường như có khả năng lây truyền cao hơn 25% so với BA.2, vốn đã lây lan rất nhanh.

Ở một số quận nhất định có mức độ lây lan SARS-CoV-2 cao, CDC hiện khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà. CDC trích dẫn khu vực ngoại ô New York và Đông Bắc là những khu vực có số ca nhập viện do COVID-19 ngày càng tăng.

Rochelle Walensky nói CDC tiếp tục khuyến nghị đeo khẩu trang trong tất cả cơ sở giao thông công cộng trong nhà và nhấn mạnh rằng tiêm vắc xin vẫn là chiến lược an toàn nhất để ngăn ngừa các biến chứng do COVID-19.

Hơn 66% dân số Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ và gần 46% nhận mũi tăng cường, theo dữ liệu liên bang.

Bài liên quan
WHO: Tổng ca COVID-19 toàn cầu hơn 16 lần số ghi nhận, hơn 2/3 người châu Phi nhiễm SARS-CoV-2
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 7.4, hơn 2/3 số người châu Phi đã mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, gấp 97 lần so với số ca được ghi nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 193 triệu người Mỹ mắc COVID-19, WHO nói thế giới đang mù tịt về sự tiến hóa SARS-CoV-2