Tổ chức Y tế Thế giới hôm 21.4 xác nhận việc sử dụng phương pháp điều trị kháng vi rút SARS-CoV-2 đường uống của Pfizer ở những bệnh nhân có nguy cơ cao đã giảm đáng kể trường hợp nhập viện.

WHO tiết lộ phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả nhất

Sơn Vân - Ảnh: Reuters | 22/04/2022, 09:10

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 21.4 xác nhận việc sử dụng phương pháp điều trị kháng vi rút SARS-CoV-2 đường uống của Pfizer ở những bệnh nhân có nguy cơ cao đã giảm đáng kể trường hợp nhập viện.

Khuyến cáo được đưa ra khi hàng ngàn người chết vì COVID-19 mỗi tuần, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 toàn cầu đang giảm dần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong số các phương pháp điều trị COVID-19 hiện có, thuốc kháng vi rút Paxlovid của Pfizer đến nay là hiệu quả nhất.

Các liệu pháp tương tự khác là molnupiravir - thuốc uống kháng vi rút của Merck & Co và remdesivir - thuốc kháng vi rút tiêm tĩnh mạch của Gilead Sciences.

Một phân tích của WHO về hai thử nghiệm lâm sàng Paxlovid với gần 3.100 bệnh nhân cho thấy thuốc này làm giảm nguy cơ nhập viện đến 85%. Theo WHO, ở những người có nguy cơ cao (hơn 10% nguy cơ phải nhập viện) sử dụng Paxlovid có thể dẫn đến ít hơn 84 trường hợp nhập viện trên 1.000 bệnh nhân COVID-19.

Janet Diaz, trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, nói: "Những phương pháp điều trị này không thay thế cho việc tiêm vắc xin COVID-19. Chúng chỉ cung cấp một lựa chọn điều trị khác cho những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ cao hơn”, đề cập đến người mắc COVID-19 có các bệnh nền mãn tính, suy giảm miễn dịch hoặc chưa được tiêm vắc xin.

Song vẫn có những thách thức dẫn đến hạn chế việc sử dụng Paxlovid. Do cần uống Paxlovid trong giai đoạn đầu sau khi có triệu chứng để đạt hiệu quả, việc tiếp cận với xét nghiệm nhanh và chính xác là điều bắt buộc để xác định người dương tính với COVID-19. Ngoài ra, Paxlovid chưa được nghiên cứu sử dụng cho phụ nữ mang thai, người đang cho con bú hoặc trẻ em.

Ngay cả trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt thời gian trước, nguồn cung Paxlovid đã vượt xa nhu cầu ở Mỹ, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo dữ liệu từ các bộ y tế và cuộc phỏng vấn của Reuters với các bác sĩ và dược sĩ. Nhu cầu sử dụng Paxlovid bị cản trở bởi nhận thức rằng nhiễm Omicron không quá nghiêm trọng.

Tiến sĩ Timothy Hendrix, Giám đốc Y tế cấp cao của AdventHealth Centra Care ở bang Florida (Mỹ), nơi có hơn 40 địa điểm chăm sóc khẩn cấp, cho biết: “Chúng tôi không thấy nhiều người đến xét nghiệm”.

Timothy Hendrix nói ông đã không kê đơn Paxlovid trong một vài tuần. Những bệnh nhân COVID-19 đủ điều kiện đã từ chối sử dụng thuốc uống kháng vi rút của Pfizer vì họ tin rằng biến thể Omicron gây ra bệnh nhẹ. "Hầu hết bệnh nhân của chúng tôi nói: Tôi chỉ cần về nhà và giải quyết vấn đề này", Timothy Hendrix cho biết.

who-cong-bo-phuong-phap-trieu-tri-covid-19-hieu-qua-nhat.jpg
Paxlovid được sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Freiburg, Đức
who-cong-bo-phuong-phap-trieu-tri-covid-19-hieu-qua-nhat-1.jpg
Hộp đựng Paxlovid

Pfizer đã và tiếp tục thực hiện các thỏa thuận để bán Paxlovid ở một số quốc gia, nhưng thông tin chi tiết về giá cả phần lớn vẫn được giữ bí mật.

Đầu năm nay, hãng dược Mỹ dự kiến ​​Paxlovid sẽ mang lại doanh thu 22 tỉ USD vào năm 2022. Pfizer đã đồng ý bán tới 4 triệu liệu trình Paxlovid cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) để sử dụng tại 95 quốc gia có thu nhập thấp, chiếm hơn một nửa thế giới dân số. Thương vụ này chỉ chiếm hơn 3% tổng sản lượng 120 triệu liệu trình Paxlovid dự kiến ​​của Pfizer trong năm nay.

Hơn 30 nhà sản xuất thuốc generic cũng đã được phép sản xuất phiên bản rẻ hơn của Paxlovid để bán ở 95 quốc gia, nhưng WHO cho biết các thuốc này từ các nguồn đảm bảo chất lượng sẽ khó có thể sẵn sàng trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, WHO cũng cập nhật khuyến cáo về remdesivir, nói rằng thuốc kháng vi rút này nên được sử dụng cho những bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình có nguy cơ nhập viện cao. Trước đây, WHO đã khuyến cáo sử dụng remdesivir cho tất cả người mắc COVID-19, bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Theo Reuters, báo cáo mới đây về hai bệnh nhân thuyên giảm trình trạng COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19) sau khi dùng Paxlovid, bao gồm cả một nhà nghiên cứu thử nghiệm trên chính mình, cung cấp bằng chứng hấp dẫn cho các thử nghiệm lâm sàng. Nhà nghiên cứu cho biết các triệu chứng mệt mỏi mãn tính "cảm giác như bị xe tải tông vào" đã biến mất sau khi dùng Paxlovid. Xem chi tiết tại đây.

COVID-19 kéo dài là một cuộc khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra, ước tính ảnh hưởng đến 30% số người nhiễm SARS-CoV-2. Nó có thể kéo dài hàng tháng, khiến nhiều người mệt mỏi và không thể làm việc. Hơn 200 triệu chứng có liên quan đến tình trạng này, bao gồm cả đau nhức, mệt mỏi, sương mù não, khó thở và kiệt sức sau hoạt động thể chất tối thiểu.

Nghiên cứu của Pfizer đã phát hiện ra 5 trường hợp nhập viện và không có trường hợp tử vong nào trong số 697 người dùng thuốc Paxlovid trong vòng 3 ngày đầu kể khi có triệu chứng COVID-19. Trong số 682 người dùng giả dược, 44 người phải nhập viện, trong đó có 9 người tử vong. Tất cả những người trưởng thành trong nghiên cứu này đều chưa tiêm vắc xin.

Nếu uống Paxlovid trong vòng 5 ngày đầu khi có triệu chứng, hiệu quả là 89%. Nghiên cứu cũng cho thấy lượng vi rút giảm khoảng 10 lần ở ngày thứ 5, so với giả dược.

"Điều này nhấn mạnh tiềm năng cứu sống bệnh nhân trên khắp thế giới của phương pháp điều trị này, dù họ đã được tiêm vắc xin hay chưa. Các biến thể mới nổi đáng lo ngại, như Omicron, đã làm trầm trọng thêm nhu cầu về các lựa chọn điều trị có thể tiếp cận được với những người nhiễm vi rút. Chúng tôi tin tưởng rằng nếu được cấp phép, phương pháp điều trị tiềm năng này có thể là một công cụ quan trọng giúp dập tắt đại dịch", tiến sĩ Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer, tuyên bố.

Pfizer cho biết Paxlovid duy trì hoạt tính chống lại biến thể Omicron trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm, vì thuốc ngăn chặn một loại enzyme liên quan đến quá trình nhân lên của vi rút. Điều này khác với protein gai trên bề mặt vi rút SARS-CoV-2, có rất nhiều đột biến làm gia tăng mối quan tâm toàn cầu về biến thể mới.

Mỹ đang trả khoảng 530 USD cho mỗi liệu trình Paxlovid và 700 USD cho mỗi liệu trình molnupiravir.

Bài liên quan
Lý do Pfizer mất đến 7 tháng để sản xuất Paxlovid, thuốc kháng vi rút hiệu quả 89%
Paxlovid, thuốc uống kháng vi rút SARS-CoV-2 của Pfizer, đã gặp phải khó khăn khi ra mắt vào cuối năm ngoái: Nguồn cung có hạn và mất nhiều tháng để sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO tiết lộ phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả nhất