Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo chi tiết về kết quả sau 9 tháng Nghị định 81 đi vào đời sống. Theo quy định, doanh nghiệp Nhà nước phải công khai thông tin về tình hình doanh nghiệp, tuy nhiên, trong số 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước không có một doanh nghiệp nào thực hiện nghiêm túc quy định này.

Hơn 30 “ông lớn” Nhà nước cố tình ém thông tin làm ăn lời lỗ

Trí Lâm | 30/08/2016, 13:59

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo chi tiết về kết quả sau 9 tháng Nghị định 81 đi vào đời sống. Theo quy định, doanh nghiệp Nhà nước phải công khai thông tin về tình hình doanh nghiệp, tuy nhiên, trong số 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước không có một doanh nghiệp nào thực hiện nghiêm túc quy định này.

Theo Nghị định 81, cả nước mới chỉ có 110/432 doanh nghiệp Nhà nước trong diện phải công khai thông tin thực hiện nghĩa vụ này. Thời hạn công bố báo cáo tài chính năm 2015 là 31.5.2016 nhưng đến nay mới có 44 doanh nghiệp thực hiện. Tương tự, việc công khai báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo quản trị cũng có tỷ lệ hoàn thành thấp…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những doanh nghiệpcố tình phớt lờ Nghị định 81 của Chính phủ cóTập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công Thiết bị y tế Việt Nam...

Một số doanh nghiệp có thực hiện nhưng không đầy đủ có thể kể đến như Tập đoàn Điện lực (EVN), Hàng hải (Vinalines), Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) hay 3 ông lớn viễn thông là Viettel, Mobifone, Vinaphone...

Bày tỏ quan điểm về điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc chậm công bố thông tin đã ảnh hưởng đến việc giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng công bố thông tin là về tình hình tài chính, cơ cấu và sắp xếp lại DNNN, do đó việc chậm trễ công bố thông tin ảnh hưởng đến kế hoạch tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và các DNNN trực thuộc bộ, ngành.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ, văn phòng Luật sưLê Nguyễn cho hay,Nghị định 81/2015/NĐ-CP quy định của pháp luật về công bố thông tin của DNNN là nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với DNNN. Theo đó, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Nghị định 81 có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố thông tin bằng văn bản, dữ liệu gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã quá hạn 3 tháng.

Do vậy, theo ông Vũ, có thể hiểu rằng việc công bố thông tin bất thường của DNNN về một quyết định đầu tư vào doanh nghiệp khác cần phải công bố thông tin đầy đủ, bao gồm thông tin về giá trị thương vụ, để đáp ứng yêu cầu “giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước” như quy định của luật.

“Nếu chỉ công bố thông tin nhỏ giọt, nửa vời thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu về giám sát. “Nửa ổ bánh mì là nửa ổ bánh mì nhưng một nửa sự thật là sự giả dối” – ông Vũ nói.

Về công khai thông tin, ông Vũ cũng cho hay, không chỉ mình Nghị định 81 quy định điều này. Theo điểm h khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty nhà nước phải công bố thông tin bất thường trên trang thông tin điện tử và ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của công ty về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện như: Có quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác.

Bên cạnh đó, Điều 20, khoản 1 Điều 21 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ về công bố thông tin của DNNN cũng quy định doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và công bố công khai các thông tin bất thường khi xảy ra một trong các sự kiện nêu trên; thời hạn báo cáo không muộn hơn 24 giờ và thời hạn công khai các thông tin bất thường là không muộn hơn 36 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.

Nghị định 81/2015/NĐ-CP được ban hành tháng 9.2015 và chính thức có hiệu lực vào tháng 11.2015. Tại Nghị định này, các DNNN là các tập đoàn, tổng công ty đều phải có trách nhiệm công bố thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình đầu tư phát triển của năm hiện tại hoặc các năm trước đó. Báo cáo tài chính của năm hoạt động hoặc kế hoạch đổi mới sắp xếp theo chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa...

Về quy định xử phạt, Nghị định nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp vi phạm các quy định như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại nghị định

Trong trường hợp người đại diện vốn Nhà nước, Chủ tịch tập đoàn, Tổng công ty không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý doanh nghiệp.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 30 “ông lớn” Nhà nước cố tình ém thông tin làm ăn lời lỗ