Lãnh đạo của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khẳng định, bà Đoàn Thị Thúy Hằng không phải là người đứng tên mua séc của Công ty Quang Huân mà chỉ đứng tên nhận hộ séc theo chỉ định của công ty này.
Liên quan đến vụ việc khách hàng phản ánh mất 26 tỉ đồng trong tài khoản tại VPBank, lãnh đạo của ngân hàng này vừa cung cấp thêm một số tình tiết mới.
Theo đó, về ý kiến cho rằng bà Đoàn Thị Thúy Hằng (từng là cán bộ của VPBank hiện đã nghỉ việc) đứng tên mua séc của Công ty Quang Huân, Phó tổng giám đốc VPBank Nguyễn Thành Long khẳng định rằng bà Hằng không đứng tên mua séc mà chỉ đứng tên nhận hộ séc theo chỉ định của Công ty Quang Huân, còn việc mua séc của Công ty Quang Huân được chính công ty này thực hiện.
"Theo chứng từ, tài liệu lưu trữ tại VPBank thì Công ty Quang Huân có văn bản đề nghị mua séc vào ngày 28.3.2015. Đề nghị mua séc này được ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công Ty Quang Huân, trên đó ghi rõ người nhận séc là bà Đoàn Thị Thúy Hằng, thời điểm đó là cán bộ VPBank", lãnh đạo VPBank cho biết.
Cũng theo ngân hàng này, trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu chữ ký, dấu trên đề nghị mua séc khớp đúng với chữ ký, dấu mẫu được đăng ký, lưu trữ tại VPBank, VPBank đã chấp thuận bán quyển séc cho Công ty Quang Huân theo đúng quyđịnh của Ngân hàng nhà nước.
"Để làm rõ lý do bà Hằng đứng tên nhận séc hộ Công ty Quang Huân, VPBank đã kiểm tra, xác minh và bà Hằng đã giải thích là do kế toán Công ty Quang Huân là ông Phạm Văn Trinh đề nghị nhận hộ và trao lại cho ôngTrinh sau đó.
Xác minh thêm với kế toán Trinh, tại biên bản làm việc ngày 4.11.2015, ông Phạm Văn Trinh đã xác nhận toàn bộ số séc mà bà Hằng nhận hộ trên đề nghị mua séc đã được chuyển lại cho ông Trinh và sau đó ông đã chuyển lại cho bà Xuân", Phó tổng giám đốc VPBank cho biết.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định việc VPBank bán séc cho Công ty Quang Huân là tuân thủ đúng quyđịnh tại Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11.7.2006 của Ngân hàng Nhà nước.Đồng thời, VPBank cũng cho rằng, việc kiểm soát yêu cầu đề nghị mua séc được thực hiện theo đúng quyđịnh - chữ ký, dấu trên Đề nghị mua séc khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu của Công ty Quang Huân tại VPBank.
Trước đó, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân đã phản ánh về việc hơn 26 tỉ đồng gửi trong tài khoản VPBank bị biến mất nhưng ngân hàng thoái thác trách nhiệm với lý do nhân viên làm sai đã nghỉ việc.
Cụ thể, bà Xuân cho biết, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở ở Củ Chi, chuyên mua bán nông sản) mở tài khoản tại VPBank từ cuối tháng 3.2015. Trong mùa mua bán nông sản, khách hàng thanh toán tiền hàng vào tài khoản này ước tính khoảng 26 tỉ đồng.
Cuối vụ, khoảng tháng 7, bà Xuân đến rút tiền thì tá hỏa bởi 26 tỉ đồng trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn lại vài trăm ngàn đồng đủ “giữ” tài khoản. Bà Xuân muốn kiểm tra tài khoản thì nhân viên ngân hàng yêu cầu bà làm thủ tục đổi chữ ký, vì cho rằng chữ ký của bà không giống như chữ ký đã giao dịch trước đây.
Nhìn sao kê tài khoản, bà Xuân thấy tài khoản của mình thực hiện giao dịch “rút, chuyển” liên tục từ số tiền khách thanh toán. Việc ký séc, chi séc diễn ra liên tục, trong khi bà chưa hề mua séc lần nào.
Trong bản sao kê ghi rõ, người mua séc của công ty bà chính là nhân viên Ngân hàng VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng và người rút séc là chồng bà Hằng, tên Nguyễn Huy Nhựt, cùng 2 người bạn tên Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh.
Trong thời gian ngắn, cứ số tiền khách chuyển vào tài khoản bao nhiêu thì Nhựt, Bảo, Trinh dùng séc (do chính nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng mua) để rút tiền mặt hoặc chuyển vào Công ty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên.
Cũng theo bà Xuân, bà đã đăng ký thông báo giao dịch mobile banking vớisố điện thoại cá nhân. Trong sao kê tài khoản cũng thể hiện ngân hàng thu phí mobile banking đầy đủ, nhưng bà không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch trên.
Duyên Duyên